Ở phần này, tôi xin phép được kể về những người thầy tôi may mắn được gặp ở thời kỳ học cấp III. Tôi vốn là người may mắn vì được học những người thầy đặc biệt cá tính, những câu chuyện về họ khiến tôi nhớ mãi đến bây giờ.
Năm lớp 10, tôi học văn một cô giáo, chật vật lắm, tới cuối năm tôi mới được điểm trung bình môn văn là 6.7, và nhờ đó tôi mới được học sinh giỏi năm đó. Điểm văn của tôi từ nhỏ đến lớp 10 luôn luôn dưới bảy phẩy không hơn, có lẽ bởi văn tôi chưa viết tốt hay sao đấy. Điểm văn của tôi chỉ thực sự thay đổi khi được học thầy giáo dạy văn có tên là Ngô Vưu từ năm lớp mười. Thầy Vưu là giáo viên chịu trách nhiệm bồi dưỡng và dẫn dắt đội tuyển thi văn quốc gia của trường chuyên Quốc Học, là ngôi trường tôi đang học, thầy làm chủ nhiệm luôn lớp chuyên Văn. Điểm hay nhất của thầy đó là thầy rất yêu thích tranh luận và không vùi dập học trò vì có quan điểm trái ngược với thầy. Tôi nhớ mãi một hôm thầy hỏi mọi người văn học nên “vị nhân sinh” hay “vị nghệ thuật”, tôi tranh luận gần hai mươi phút với thầy trong tiết học vì với quan điểm của tôi, văn chương trước tiên phải là vì con người, còn thầy thì có quan điểm ngược lại. Thầy cũng hay đọc những đoạn văn hay hoặc dở tệ từ bài kiểm tra cho cả lớp cùng nghe, và vài làm văn của tôi thường được thầy đem ra đọc vì thầy cảm thấy ấn tượng với nó. Thầy là người chấp nhận chỉ cần văn hay, lập luận chặt chẽ, chứ không cần đúng đáp án. Chả thế mà phẩy môn văn của tôi cao chót vót năm lớp 11 và 12, 8.3 và 8.5 nếu tôi nhớ không nhầm. Năm lớp 12, trước khi thi tốt nghiệp, thầy có gặp tôi và cầm tay bảo em cố gắng đạt thủ khoa tốt nghiệp nhé, tôi bảo thầy dạ em không mong chuyện đó đâu thầy ạ. Đến khi tôi có kết quả tốt nghiệp, thầy mới hỏi tôi em có kết quả như thế nào, tôi mới bảo thầy, xém mất loại giỏi dù năm mươi mấy điểm vì điểm văn chỉ 6.5. Thế mới biết văn của tôi lỡm cỡ nào, chỉ có học với thầy thì điểm mới tốt thôi, chứ chấm điểm theo barem thì chả bao giờ điểm tôi tới được con bảy. Thực sự, nếu không có thầy Vưu, tôi sẽ không sớm nhận ra mình thực sự yêu viết đến vậy, và thực sự mình có một chút tiềm năng.
Một kỷ niệm khác với thầy Vưu đó là câu chuyện về cậu bạn thân có tên Hồng Ngự. Ngự học chung với tôi từ cấp hai lên đại học. Năm Ngự học lớp bảy, ba cậu ấy mất, và từ đó cuộc sống của cậu khó khăn hơn. Lên cấp 3, cậu vẫn thi được vào Quốc Học và học chung lớp với tôi. Ban ngày cậu đi học, ban đêm cậu ấy phụ chị dâu chặt củi, chuẩn bị nước mắm tỏi ớt cho hàng bún của chị ấy, rồi cậu ấy còn phải canh nồi hầm xương đến khuya. Ngự có đầu óc sáng láng thông minh, nhưng sức học qua các năm đều sút giảm chút chút do không có nhiều thời gian đầu tư cho việc học. Lên đến cấp 3 thì Ngự thường xuyên ngủ gật trong lớp. Bạn ấy dường như kiệt sức khi đến lớp và ngày nào cũng ngủ gật trong một hai tiết học. Môn văn là môn mà Ngự không giỏi lắm, nên bạn ấy lại càng hay ngủ hơn. Cứ mỗi lần thầy Vưu đọc các bài văn ấn tượng, thì Ngự lại ríu mắt, lấy tay chống cằm và ngủ luôn. Tôi cũng thấy lạ là Ngự ngồi ở hai hàng đầu, rõ ràng là thầy biết cậu ấy ngủ, nhưng chả bao giờ thầy nhắc nhở cậu ấy cả. Hôm nọ, Ngự chống tay ngủ, nhưng do ngủ say quá, cằm của Ngự tuột khỏi tay và đầu của cậu ấy chúi xuống bàn. Cả lớp đều lo lắng khi thầy Vưu đi xuống phía Ngự. Bỗng cả lớp yên lặng khi thầy Vưu đưa tay lên miệng làm hiệu và nói “suỵt”, sau đó thầy xuống, nhấc đầu Ngự lên, và đưa tay chống cằm vào cho Ngự khỏi bị tuột tay và còn nói nhỏ “em ngủ ngon nhé”. Cả lớp chúng tôi lúc đó không nhịn được cười, khiến cho cu cậu cũng phải thức dậy và ngơ ngác chả biết chuyện gì xảy ra. Thầy của chúng tôi là vậy đó, nhẹ nhàng, hiền từ và vị tha, chứ không thể hiện quyền lực của một ông thầy. Nếu hỏi học cấp ba tôi nhớ thầy nào nhất, ắt hẳn đó phải là thầy Ngô Vưu.
Người thầy thứ hai mà tôi ấn tượng không kém đó là thầy Điền dạy thêm Vật Lý. Trước thầy Điền, tôi có đăng ký học nhiều thầy dạy Vật Lý, mỗi ông thầy tôi chỉ học được vài buổi rồi nghỉ. Đơn cử như trường hợp của thầy Kiên, thấy ấy dạy rất hay, nhưng chả hiểu sao, nếu các thầy chỉ dạy vật lý thì tôi sẽ lăn ra ngủ. Tôi tới lớp thầy Kiên ba ngày, thì ba ngày tôi ngủ cả ba, cuối cùng tôi vẫn nộp tiền học một tháng để lấy bảng tóm tắt về các dạng đề thi Vật Lý và tới hôm thứ tư thì tôi đã bỏ ra quán café ngồi nghe Rock rồi. Thú thật với bạn, những năm cấp 3, tôi chỉ chiều lòng ba mẹ đi học các lớp học thêm, chứ tôi hầu như không học thêm, chỉ đi công tác xã hội, và đi uống café nghe rock mà thôi. Thầy Điền là một ông thầy hiếm hoi mà tôi chịu khó học thêm gần hai tháng, và lý do chính khiến tôi học thầy không phải bởi thầy dạy Vật Lý hay, mà bởi vì thầy ấy là một người rất khác biệt. Thầy ấy có câu nói nổi tiếng “Ôi đẹp.. phải không?”, quan điểm của thầy là sống ở trên đời phải cảm nhận được cái đẹp, cái đẹp hiển hữu ở mọi nơi, từ phương trình toán học, đến lý thuyết vật lý, đến khung cảnh mùa xuân, câu thơ của bác xích lô lề đường. Thầy làm bạn với tất cả mọi người, nhậu và bình thơ với cánh xích lô. Có hôm thầy lên lớp, bảo với cả lớp, “Tao buồn lắm tụi bây ơi, hôm tết, chỉ vào cây mai trước nhà, tao bảo thằng con (thằng Hào bạn cùng trường của tôi), biểu nó làm một bài thơ, nó đứng đực ra. Học giỏi làm chi, mà xuất khẩu không thành thơ cũng vứt.” Quan điểm của thầy tôi là vậy đó, tiếc là tôi không hứng thú với chuyện học thêm nên không học thêm với thầy lâu. Nhưng trong tôi có sự đồng cảm với thầy, tôi yêu trò chuyện với những người có hoàn cảnh khác nhau, tôi yêu cái đẹp, có tâm hồn mộng mơ. Những người có hơi hướm lãng mạn và “tình cảm tiểu tư sản” như tôi với thầy, sẽ nhìn ra nhau và cảm thấy đồng bệnh tương lân. Tiếc là, số người như vậy không có nhiều và cũng chả dám thể hiện nhiều. Nhưng nhờ có thầy Điền, mà tôi biết rằng, tôi không cô đơn. Sau này tôi có viết bài viết “Ôi đẹp, phải không” (https://tumivn.com/2006/05/17/oi-dep-phai-khong/) nhờ cảm hứng từ thầy Điền đấy thôi.
Người thầy thứ ba mà tôi luôn nhớ đến cũng là một ông thầy dạy thêm môn Vật Lý. Chả là, ba tôi là bạn thân của thầy Trần Nghệ, thầy Nghệ là một người thầy tuyệt vời, dạy rất giỏi và dễ hiểu. Tôi được thầy ấy cho học miễn phí cả ba môn Toán – Lý – Hóa ở trung tâm của thầy, môn Toán thì ông thầy ở trung tâm đó dạy chán không tưởng nên tôi bỏ luôn không học, môn Hóa thì tôi một tuần ba buổi đi học hai buổi vì dù gì thầy cũng để ý tới nhóm con cháu của mình, nên tôi cũng chả dám nghỉ nhiều. Còn môn Vật Lý, là lớp của thầy Tiến Anh, thì tôi học rất ít, cứ mỗi một hai tuần tôi lại đi học một buổi, đã thể tôi còn ngồi tót ở bàn đầu. Thầy Tiến Anh là một thầy giáo trẻ, nhưng nổi tiếng về tài luyện thi, thầy nói khá nhiều và “hàm hồ” nên lũ học trò rất sợ bị thầy ấy la. Riêng tôi điếc không sợ súng, đã ít đi học mà lại luôn trèo lên ngồi ở bàn đầu. Thầy Tiến Anh vốn để ý tôi đã lâu, nên cứ mỗi khi tôi xuất hiện thầy lại kêu tôi lên bảng làm bài, may một cái, là khi nào kêu tôi, tôi đều trả lời được. Hôm nọ, sau khi tôi trả lời xong câu hổi, thầy chửi tôi một trận tưng bừng khói lửa trong vòng ba chục phút, đại ý là “cậu đừng tưởng cậu giỏi, cậu không chắc đậu đại học đâu, những người đi học chăm chỉ, có sự chuẩn bị đầy đủ mới là những người có khả năng cao đậu đại học”. Lúc đó tôi kiêu ngạo lắm, nên chả để ý đến lời khuyên của thầy, nhưng đến khi thi tốt nghiệp PTTH xong, tôi mới giật mình thấy sợ vì mình mãi lông bông, dù điểm năm mười hai cao thứ nhì khối phổ thông của trường Quốc Học, thì cũng chả có một tí gì đoan chắc là tôi có thể thi đậu đại học, vì các đề thi đại học hoàn toàn không ăn khớp gì với chương trình học. Ở thời đó, các trường Đại học vẫn tự ra đề riêng. Để đảm bảo khả năng đậu, tôi đã xin ba mẹ về ở nhà ngoại đúng một tháng sau khi thi tốt nghiệp, và mua 15 cuốn sách cho ba môn Toán – Lý – Hóa, mỗi ngày tôi học từ bảy giờ sáng đến 12 giờ trưa, từ hai giờ trưa đến 9 giờ tối. Thực ra tôi không làm bài tập, mà chỉ dở sách, đọc đề, phác thảo cách giải, sau đó đọc bài giải xem thử định hướng của mình đúng hay không. Sau khi đi hết một vòng năm cuốn sách cho mỗi môn học, tôi lại quay trở lại cuốn đầu tiên. May thay tôi đậu hết các trường ĐH mà tôi đi thi, nếu không lời của thầy Tiến Anh đã thành sự thực. Trận mắng mỏ ấy tôi không bao giờ quên, bởi tôi giờ đã nhận ra, trí thông minh thì là tiền đề mà thôi, muốn thành công, cần phải cố gắng và kiên trì luyện tập. Nếu chỉ dựa vào trí thông minh, tôi cũng chả làm được gì đâu.
Ngoài ba người thầy ấn tượng kể trên tôi vẫn còn ấn tượng với cô giáo Thu Ân (dạy Vật Lý), hai cô Vân Anh (dạy Toán), thầy Trần Nghệ, và nhiều thầy cô khác. Các thầy cô đã truyền cảm hứng để tôi sống tốt hơn, hữu ích hơn, và có trách nhiệm hơn với cuộc đời này.
Nhân dịp ngày Hiến chương nhà giáo 20-11, con xin chúc quý thầy cô sức khỏe và hạnh phúc.
Sài Gòn, ngày 20 tháng 11 năm 2019