Cuộc sống không bao giờ tĩnh lặng, những điều không mong muốn luôn diễn ra với tôi và với bạn và làm tâm hồn chúng ta xao động, không giữ được tâm tĩnh. Khi tâm không tĩnh, người nóng giận hoặc suy nghĩ mông lung, chúng ta dễ dàng đi đến những quyết định sai lầm, và có thể gây tổn thương lên người khác.
Bạn chắc hẳn đã từng nghe thành ngữ “giận cá chém thớt”, ý nói là đang giận người này mà lại đổ cơn giận của mình lên người khác. Hoặc “giận mất khôn”, tức là khi giận, quyết định của chúng ta thường không sáng suốt và có thể tạo ra những hậu quả khôn lường. Biết bao nhiêu vụ án mạng xảy ra chỉ bởi cơn giận bốc đồng nhất thời. Hoặc chồng tự tử vì vợ ngoại tinh. Hoặc mẹ đánh con chỉ vì giận chồng. Hoặc chì chiết mọi người chỉ vì mẹ chồng quá khó ở khi sống cùng mình.
Để có hành vi và quyết định sáng suốt, tâm phải tĩnh. Để có được tâm tĩnh, người ta thường khuyên bạn học thiền. Tôi chưa từng hành thiền và cũng không biết thiền theo nghĩa sâu xa là gì. Nhưng tôi quan sát và học được những cách giúp cho chúng ta có thể tránh xa những suy nghĩ mông lung, giúp cho trí não của chúng ta không phải nghĩ ngợi mà thay vào đó chúng ta có được sự tĩnh tâm để có thể nhìn thấu suốt các vấn đề cần được suy nghĩ và nhờ đó mà có được quyết định đúng đắn và hợp lý.
Khi chúng ta gặp chuyện khó khăn, hoặc bị ai đó chơi khăm, hoặc bị mất mát một điều gì đó, chúng ta thường nghĩ lung tung, trí óc rối bời, và lúng túng không thể đưa ra được quyết định để giải quyết vấn đề. Khốn khổn hơn, việc dằn vặt với những vấn đề của chính mình khiến chúng ta bị rơi vào cái bẫy rập, luôn thấy bất an, không lối thoát và không có niềm tin vào việc có thể giải quyết vấn đề.
Khi bạn phải làm việc với một đồng nghiệp cư xử lấn lượt, hay áp chế bạn bằng cách nói to, thô lỗ, bạn sẽ cảm thấy bất an hoang man, làm gì cũng sợ sai, sợ bị phê phán chỉ trích. Bạn không còn tự chủ được bản thân, mất bình tĩnh đến mức không muốn bước chân đến chỗ làm. Cái cảm giác đó thật tệ.
Khi bạn rơi vào một cuộc tranh cãi, đối thủ sử dụng các chiêu công kích để khiến bạn giận dữ, họ cứ xoáy vào điểm yếu của bạn, bạn bối rối, đến mức quên hết những thứ hay ho mà mình đã chuẩn bị để trình bày. Bạn bước ra cuộc họp với nỗi niềm thất vọng về bản thân tràn trề vì mình đã không diễn đạt được những gì mình muốn nói.
Những tình huống như vậy có thể đã làm cho bạn vô cùng nuối tiếc và ước gì bạn giữ được bình tĩnh, tâm tĩnh lặng để có thể ứng xử một cách thông minh trước mọi sự kiện khó khăn. Nếu bạn quan sát kỹ những người xung quanh bạn, bạn sẽ thấy cách họ làm cho mình trở nên bình tĩnh và bớt nóng giận và suy nghĩ chính chắn hơn.
Quan sát những người đã có tuổi sống, bạn sẽ thấy họ rất thích làm những việc mất thời gian mà người trẻ thường không thích mấy, ví dụ như mẹ tôi thích đan áo len cho người thân và cho chính mình, ba tôi lại thích chăm sóc khu vườn nhỏ của mình, từ giẫy cỏ đến tưới cây, tỉa lá cắt cành. Trước đây tôi tự hỏi sao ba mẹ tôi lại thích làm những việc mà ít phải suy nghĩ như vậy, lúc đó tôi cứ nghĩ làm gì phải suy nghĩ nhiều thì mới là hiệu quả, và tự hỏi tại sao ba tôi không bỏ ra một ít tiền thuê người làm chăm vườn cho ba, rồi ba cứ thể thời gian rỗi đó mà ngồi uống trà ngắm hoa. Nhưng sau này tôi biết tôi đã sai, phải dành thời gian làm những việc như ba tôi mới là điều đúng đắn. Đó là cách thức tuyệt vời nhất để cân bằng cuộc sống.
Khi bạn làm những việc đơn giản, nhưng đỏi hỏi bạn phải tập trung, trí óc của bạn sẽ được thư giãn, và bạn sẽ không phải suy nghĩ bất cứ điều gì ngoại trừ việc đan sao cho đúng mũi, bổ nhát cuốc sao cho đúng, hoặc tỉa cho đúng cái lá sâu. Nhờ vậy mà trí não của bạn được thư giãn, những thứ u sầu phiền muộn cũng vì thế mà trôi đi. Khi đó não của bạn sẽ được nghỉ ngơi, và nó cũng sẽ gởi các tín hiệu tương tự đến cơ thế, bạn sẽ cảm thấy thư thái, không lo nghĩ, quên đi phiền muộn. Những giây phút thư thái như vậy vô cùng quý giá, vì nó giúp bạn tạo ra khoảng lặng, và khi tâm đã tĩnh, bạn quay trở lại với những vấn đề cần giải quyết, tự dưng bạn sẽ thấy sáng suốt hơn hẳn, và có thể vấn đề bạn gặp khó khăn sẽ được giải quyết nhanh hơn khi bạn đã thực sự bình tâm.
Đạp xe đạp, tập thể dục, đi bộ loanh quanh trong công viên, những hoạt động thể chất kiểu đó cũng khiến cho trí não của bạn được nghĩ ngơi, khi cơ thể hoạt động nhiều, cơ thể của bạn sẽ sản sinh ra những hoạt chất giúp cho bạn có cảm giác tràn ngập năng lượng, bạn cảm thấy mình sẵn sàng để giải quyết mọi chuyện.
Phương pháp tôi thường chọn để phục hồi năng lượng và đạt sự tĩnh tâm đó là đi bộ để chụp ảnh phố phường. Việc đi bộ và tập trung quan sát khiến tôi quên tất cả mọi ưu sầu, tôi chỉ quan tâm đến cảnh vật và con người nơi tôi chụp. Giao tiếp với những người ở đó giúp tôi tạm quên những khó khăn mà tôi đang gặp phải, những câu chuyện của họ giúp cho tôi có cảm hứng và thấy những câu chuyện của mình thật bé nhỏ và không có gì quá khó khăn để vượt qua. Nếu bạn nhìn vào những ngõ hẻm mà hai người đi song song không được, và nhiều căn hộ sống chung ở đó, họ đã sống được với điều kiện như vậy mà vẫn vui vẻ hạnh phúc, tại sao tôi lại không thể cảm thấy mình may mắn và bình tĩnh giải quyết những vấn đề nhỏ nhặt của mình? Nhìn người đàn ông đi bán vé số, khuôn mặt với hàng chục khối u to bằng quả trứng gà, họ vẫn sống được và chấp nhận khuôn mặt khó coi của mình, tại sao tôi lại khốn khổ với những bất hạnh nhỏ xíu của mình cơ chứ?
Tôi cũng chọn chỉnh ảnh và viết bài làm liệu pháp để giúp tôi tạm lãng quên những vấn đề hiện tại. Giúp tôi có thể tập trung và hoạt hóa trí não. Giúp tôi trở nên thông suốt hơn.
Cách làm mà tôi nêu trên là cách làm khi bạn có thời gian nhiều để xử lý vấn đề của mình. Những nếu s mất bình tĩnh xảy ra trong khi làm việc, trong cuộc họp, trong buổi ăn gia đình, bạn sẽ phải làm gì để giữ cho tâm mình tĩnh và có thể giải quyết mọi việc một cách thông minh và tỉnh táo?
Việc đầu tiên, bạn cần lưu ý, đó là phải luôn có cách giúp mình nhận ra mình đang mất bình tĩnh. Có một số người đeo chuỗi hạt ở tay và lần các hạt để nhận biết tâm tính mình lúc đó, vì nếu bạn lần hạt với tốc độ nhanh hơn, hoặc quên lần các hạt của chuỗi hạt, bạn đang bị cuốn trôi theo tính huống và tâm không tĩnh rồi. Các nhà sư lần tràng hạt một cách chậm rãi, đó là cách để buộc tâm, giữ mình tĩnh táo, bình tĩnh mà quan sát thực tại. Bạn cũng có thể phải cần một vật gì đó có tính tượng trưng để có thể nhận thức được tâm trạng của mình đang tốt hay xấu, đang trong tầm kiểm soát hay mình đang có dấu hiệu mất kiểm soát.
Bạn cần nắm các dấu hiệu chỉ báo, và thường xuyên tự quan sát bản thân, ví dụ như bạn đang nói với tốc độ nhanh hơn, giọng to lên khác thường, hoặc tay bạn đang vỗ bàn, hoặc bấm bút bi liên tục, hoặc bạn có xu hướng chồm về phía trước khi thảo luận, hoặc bạn cảm thấy ê đầu ở phía trước, hoặc nóng ở sau gáy. Những dấu hiệu chỉ báo giúp bạn nhận thức được cảm xúc của bản thân, và khi nhận ra mình mất bình tĩnh thì bạn sẽ có cách để giữ được bản thân bình tĩnh và sáng suốt.
Khi mất bình tĩnh, bạn cần quay trở lại với bản thân mình hơn là bị cuốn theo những lời người khác nói. Bạn có thể yêu cầu tạm chuyển qua vấn đề khác, hoặc câu chút thời gian bằng cách đi rót nước, đi vệ sinh, hoặc đề xuất trực tiếp rằng chúng ta cần nghỉ giải lao khoảng năm phút. Khi bạn tạo ra khoảng thời gian ngắn giúp bạn tự nhìn vào bản thân mình, uống miếng nữa, rửa mặt, hoặc đi bộ môt đoạn ngắn, bạn sẽ dần bình tĩnh trở lại. Hãy hít thở sâu, và nhớ rằng, mình nóng giận cũng chả mang lại kết quả gì ngoài việc người ta đánh giá bạn không có khả năng kiểm soát cảm xúc. Hãy cười đùa với sự mất bình tĩnh của mình, và quay lại với trạng thái cân bằng, và xử lý câu chuyện của mình. Nói thì dễ vậy đó, nhưng bạn cần phải luyện tập rất nhiều.
Khi bạn thấy mình không thể kiếm soát được nữa, hãy yêu cầu dừng cuộc họp hoặc cuộc trao đổi và quay lại sau. Bạn có thể kiếm được vô vàn lý do để trì hoãn, nhưng bạn đừng bao giờ để sự loạn tâm giết chết thành quả của bạn.
Hãy suy nghĩ và tìm hiểu những điểm làm cho bạn bị cơn nóng bùng phát và hãy luyện tập để khắc chế nó. Đừng làm cho mình trở thành một người vô cảm xúc, mà hãy trở thành một người biết kiểm soát những trạng thái xúc cảm của mình, bạn có quyền được buồn, được giận, được thất vọng, nhưng bạn không nên để cảm xúc tiêu cực chiếm quyền và kiểm soát tâm trí bạn. Tâm trí bạn sẽ đạt được trạng thái tốt nhất khi bạn cảm thấy bình tĩnh, an nhiên. Khi tâm bạn tĩnh như mặt nước, thì mọi sự dao động phía bên ngoài bạn đều quan sát được và cảm nhận được một cách chân thực nhất, lúc đó bạn mới có thể làm chủ cuộc chơi và làm chủ được chính bản thân mình.
Sài Gòn, ngày 25 tháng 11 năm 2019