Đi tìm kiệt tác

Kiệt tác trong tiếng anh gọi là “masterpiece” nhằm chỉ các tác phẩm nổi bật của một nghệ sĩ nổi tiếng. Một kiệt tác là một tác phẩm có đủ sức lay động lòng người, nó là tác phẩm vĩ đại có tiêu chuẩn rất cao. Ví dụ như tác phẩm Mona Lisa của Leonardo da Vinci được coi là một kiệt tác của đại danh họa này. Tác phẩm Let It Be của The Beatles cũng là một kiệt tác âm nhạc vì nó hay và duy nhất. Nếu bạn biết John Lenon, ca sĩ chính của The Beatles, bạn sẽ nghĩ ngay đến tác phẩm Imagine, đó là một kiệt tác trường tồn thể hiện quan điểm cá nhân của ông ấy. Kiệt tác cũng có thể là một sản phẩm ứng dụng như chiếc iPhone của Steve Job và John Ive, hay chiếc máy nghe nhạc Walkman của Sony, hay nhà hát Opera vỏ sò ở Sydney.

Những người làm công việc sáng tạo, luôn mong muốn mình có thể tạo ra những kiệt tác để đời và luôn băn khoăn làm sao để có thể tạo ra được siêu phẩm của chính họ. Bởi chỉ như thế, họ mới tạo được dấu ấn cả nhân qua nhiều thập kỷ, hoặc thậm chí là qua nhiều thế kỷ. Ở Việt Nam, ai cũng biết kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Ai cũng công nhận sức sống trường tồn của các tác phẩm âm nhạc của Văn Cao, Phạm Duy. Các ca sĩ Việt Nam thường mong đợi có được bài hit để trở nên nổi tiếng, nhưng bài hit thường chỉ có thời gian nổi lên tạm thời, chứ chưa hẳn là có sức  sống trường tồn. Nên kiệt tác nó đúng nghĩa là tác phẩm kiệt xuất, có một không hai và trường tồn cùng thười gian.

Một nhà văn phải làm sao để có một cuốn sách kiệt tác như “Chuông nguyện hồn ai” của Ernest Hemingway, hay “Trăm năm cô đơn” của Garcia Marquez? Một kiến trúc sư làm sao có thể xây dựng một kiệt tác kiến trúc như cung điện Louvre? Một nhà thiết kế ứng dụng làm sao có thể tọa nên kiệt tác tuyệt vời như chiếc máy tính iMac?

Câu hỏi đó thực sự làm đau đầu biết bao nhiêu nhà sáng tạo. Ai cũng đau đáu trông mong tạo ra một kiệt tác, nhưng họ không nghĩ rằng, bản thân cái quá trình sáng tạo là một trải nghiệm tuyệt vời mà mỗi chúng ta cần tận hưởng. Càng đam mê sáng tạo, chúng ta càng có cơ hội để tạo ra được một siêu phẩm. Ít ai biết rằng Picasso tạo ra tầm 100.000 sản phẩm sáng tạo, nhưng chỉ có một vài tác phẩm của ông được xem là kiệt tác. Họa sĩ Van Gogh vẽ cả đời mà chả ai công nhận những bức họa khác thường của ông cả, nhưng đến khi ông chết đi, rất nhiều tác phẩm của ông đã được coi là kiệt tác. Vậy chúng ta có nên mong chờ mỗi tác phẩm của chúng ta là kiệt tác? Mong chờ điều này chỉ sớm làm cho chúng ta thất vọng, bởi một tác phẩm được coi là kiệt tác là tác phẩm vượt thời gian, chỉ sợ chúng ta không có đủ thời gian để được chứng thực cái ngày tác phẩm của chúng ta được coi là kiệt tác. Sự mong chờ kiệt tác có thể giết chết sức sáng tạo của chúng ta, bởi càng kỳ vọng càng làm chúng ta để thất vọng, cứ mỗi lần viết ra vài dòng, tác gia lại quăng giấy vào sọt rác, và cuối cùng họ chả có thể tạo ra được một tác phẩm hoàn chỉnh nào. Việc tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh nên là mục tiêu đầu tiên, và nó quan trọng hơn mục tiêu tạo ra một tác phẩm hay, hay là kiệt tác. Sáng tạo là một quá trình thử sai, làm ra các tác phẩm thể nghiệm và hãy để công chúng và lịch sử đánh giá. Người nghệ sỹ nên thưởng thức quá trình sáng tạo, hãy làm ra những sản phẩm thể hiện cái tôi độc đáo của bản thân, hơn là mong chờ nó sẽ làm hài lòng mọi người. Cứ tận hưởng cái quá trình thể nghiệm của bản thân và phó thác sự thành bại của tác phẩm cho xã hội định đoạt. Người nghệ sĩ mà chỉ biết chạy theo số lượng like và share thì họ sẽ không còn cái tôi cá nhân mạnh mẽ nữa, mà họ sẽ chạy theo đuôi của thị hiếu của đại chúng, còn đâu cái sự riêng biệt đơn nhất của chính bạn?

Theo tôi, đã là người sáng tạo, cần phải duy trì công việc sáng tạo của mình, luôn mơ ước có thể tạo ra tác phẩm mới, đặt ra những tiêu chuẩn tương đối khắc khe cho sản phẩm của mình. Họ phải liên tục thử sai, và quan trọng đó là phải có cam kết tạo ra và phát hành sản phẩm. Tạo ra nhiều sản phẩm đủ tốt vẫn tốt hơn là mong chờ tạo ra một siêu phẩm, và vì vậy không bao giờ làm ra được một tác phẩm nào.

Siêu phẩm sẽ suất hiện sau hàng loạt thể nghiệm mà bạn thực hiện. Nó có thể là thể nghiệm đầu tiên, nhưng cũng có thể là thể nghiệm thứ 997. Bạn sẽ không biết được khi nào mình sẽ tạo được kiệt tác, bạn chỉ cần đi theo tiếng gọi của trái tim mình, hãy làm điều mình thực sự muốn làm, hãy chứng tỏ khả năng của bản thân và bạn cứ yên tâm, điều gì cần đến nó sẽ đến.

Có một câu nói khá  hay của Wilfer Peterson là “The secret to a masterpiece is 10 percent of inspiration and 90 percent perspiration”, tạm dịch là công thức để tạo ra một kiệt tác đó là 10% cảm hứng sáng tác và 90% là mồ hôi và nước mắt. Chúng ta không thể chỉ làm một lần mà tạo ra tác phẩm hay được, đó là một quá trình sáng tác và thử sai không ngừng.

Chúc bạn vui với trải nghiệm sáng tạo của chính mình!

Sài Gòn, ngày 26 tháng 11 năm 2019