Có một cậu chàng gặp nhiều khó khăn và đau khổ, cậu ấy biết mình giỏi và thông minh, nhưng cậu cảm nhận mình có quá nhiều thiệt thòi vì hoàn cảnh gia đình không bằng người ta, cậu ấy cũng không có nhiều tiền. Cậu ấy có giấc mơ làm nghệ sỹ, nhưng cậu ấy phải chọn ngành kỹ sư vì cậu ấy đã học ngành kỹ thuật, và mức lương khởi đầu củ cậu ấy khi làm kỹ sư cao hơn rất nhiều so với bắt đầu với tư cách là một nghệ sỹ. Điều đáng nói, là cậu ấy chưa bao giờ cảm thấy đủ đầy với việc làm kỹ sư và luôn luôn đau khổ dằn vặt vì không được làm điều cậu ấy thích. Nhưng suy nghĩ mãi cậu ấy không tìm được lối ra. Tệ hơn, cậu ấy còn cảm thấy người khác không thực sự giúp cậu ấy vượt qua được khó khăn, không giúp được cho cậu ấy tìm lối ra. Khi ngồi trò chuyện với tôi, tôi mới bảo cậu ấy “giải pháp để em làm được điều em muốn không phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài, mà nó phụ thuộc vào chính em, bản thân em đã chọn cho em vô vàn lý do để thua cuộc ngay từ đầu rồi, hãy giải phóng tư tưởng của mình khỏi những ràng buộc mà em nghĩ ra, hãy làm tươi đầu óc và thay đổi quan điểm của mình trước, nếu em muốn làm, hãy nghĩ mình làm được, hãy nghĩ đến những tấm gương còn gặp khó khăn nhiều hơn mình mà họ đã vượt qua, và sau đó hãy bắt đầu thực hiện điều em muốn thực hiện, mỗi cách chậm rãi, ngày mỗi ngày, em sẽ có những tiến bộ nhỏ, khi tiến bộ đủ lớn, em sẽ làm ở mức cao hơn, cho tới một ngày em có thu nhập tương đối ổn định từ những việc em thích, không cần nhiều, chỉ cẩn ổn định, là em đã có một khởi đầu mới rồi.
“Nhưng thu nhập lúc đó vẫn nhỏ quá!”
“Vậy em muốn làm điều em thích, hay em muốn có nhiều tiền?”
“Dạ cả hai, vì có vực mới thực được đạo.”
“Vậy có phải em cần phải duy trì việc hiện tại một thời gian. Và dành thời gian rỗi đầu tư cho cái mình thích không? Em kiếm tiền để sống và có thể tạo ra được khoảng thời gian trống để làm việc mình thích, đúng không nào?”
“Dạ đúng!”
“Vậy em biết em phải làm gì rồi đúng không?”
Cậu ấy đã thay đổi, đã làm công việc kỹ thuật, rồi cậu ấy xin nghỉ sau hơn một năm để làm cộng tác viên một công việc nghệ thuật, sau đó cậu ấy lại làm kỹ thuật, và rồi lại nghỉ để tiếp tục làm nghệ thuật. Có thể còn lâu cậu ấy mới đến đích cậu ấy muốn, hoặc chả bao giờ tới, nhưng ít nhất cậu ấy cũng đã một lần thử làm điều mình muốn làm. Vậy là vẫn hơn khối người ở ngoài kia, cứ ra rả nói về ước mơ vỹ đại của mình mỗi ngày mà chả có bất kỳ một hành động để hiện thực hóa nào.
Thực ra khi bạn lo lắng, cảm giác thất bại hay buồn khổ, giải pháp để giải quyết những vấn đề đó không nằm ở phía bên ngoài bạn, mà nó đã có sẵn bên trong của bạn. Lo lắng, buồn khổ, cảm thấy bất hạnh, tất cả chỉ là cảm giác, mà cảm giác nó đến từ suy nghĩ của bạn. Bạn nghĩ quá lung tung, rồi bạn lo lắng, và toàn nghĩ đến rủi ro, bạn sẽ cảm thấy vô cùng khốn khổ, nhưng bạn ơi, đó cũng chỉ là cảm giác mà thôi. Cảm giác đó đến từ suy nghĩ của bạn, và nó được gọi là cái tôi của bạn. Cái tôi xấu xí làm cho bạn xấu xí. Cái tôi cao đẹp sẽ làm cho bạn trở nên cao đẹp. Cái tôi là cái bạn dựng ra không phải là lý trí của bạn, lý trí của bạn ở một tầm cao hơn mà bạn chỉ có thể cảm nhận được lý trí của bạn khi bạn bước ra khỏi cái tôi và tự mình quan sát nó. Nói một cách khác, khổ đau hay hạnh phúc chỉ là lựa chọn của bạn. Bạn không thể chọn hoàn cảnh, nhưng bạn có thể chọn thái độ của mình với cuộc sống.
Có hai loại cảm xúc lo lắng, đó là buồn khổ và nỗi sợ hãi. Buồn khổ là những cảm xúc đến từ quá khứ, những trải nghiệm trong quá khứ mang đến buồn khổ cho bạn. Sợ hãi là là cảm xúc lo lắng về những điều chưa xảy ra, đó là cảm xúc lo lắng về tương lai. Hay nói một cách khác, nỗi đau và nỗi sợ hãi không thể hiện thực tại của bạn, mà chúng thể hiện cảm xúc của bạn về quá khứ và tương lai.
Làm sao để bạn có thể ngừng cảm thấy buồn khổ, đau đớn và lo lắng. Có lẽ bạn chỉ có thể ngưng được điều đó khi bạn không suy nghĩ. Trên thực tế, có cách nào giúp bạn ngưng suy nghĩ không? Phật giáo có phương pháp thiền, và bạn cần phải luyện tập rất nhiều để có thể đạt đến trạng thái ngưng suy nghĩ. Muốn ngưng suy nghĩ bạn cần phải làm những việc sau: quan sát / lắng nghe tâm trí của bạn và bạn cần giữ tâm trí của mình ở thực tại.
Khi bạn quan sát hành vi của bản thân, cách suy nghĩ của bản thân với cách của một tấm gương phản chiếu, khi quan sát, bạn không phát xét, không định kiến. Sự quan sát đó là bạn bước ra khỏi cái tôi vị kỷ của mình để quan sát chính cái tôi và cảm nhận được tâm trí của bạn. Nhờ quan sát tâm trí của bạn bạn sẽ tìm ra được chính bạn chứ không phải là cái tôi của bạn. Cái tôi là thứ mà bạn sinh ra để tạo ra cơ chế phòng vệ cho bạn thân, cái tôi giúp bạn cự tuyệt, tránh chỗ khó khăn, nhưng nó cũng là cái thứ làm cho bạn không thể nhìn ra chính bạn và ngăn cản những tiềm năng khác của bạn. Nhờ việc quan sát và chú ý đến tâm trí, bạn sẽ nhìn ra được những tập quán trong suy nghĩ của bạn. Khi bạn cảm nhận được tâm trí của bạn, bạn đi đến trạng thái tự nhận thức được bản thân. Quá trình nhận thức bản thân là một quá trình soi chiếu, nhìn vào bên trong lâu dài, từ năm này qua năm khác.
Khi nhận thực được bản thân, bạn sẽ đạt được trạng thái tự do tâm trí. Cái trí não đang suy nghĩ của bạn không phải là chính bạn, khi bạn quan sát được trí não, bạn sẽ cảm nhận được trí tuệ của bạn, trí tuệ là thứ vượt trên cả suy nghĩ. Khi đó bạn sẽ nhận ra mọi thứ thực sự làm thay đổi bản đó là cảm nhận về cái đẹp, về tình yêu, về sự sáng tạo, niềm hứng thú, sự an lạc, những thứ đó phát triển vượt lên tâm trí. Ở giai đoạn này, bạn đã thực sự thức tỉnh, và thực sự tự do trong tâm trí. Lúc đó bạn mới có thể thực sự hiểu được tại sao mình lại có lối suy nghĩ như vậy, tại sao mình yêu, tại sao mình thất tình, tại sao mình giận dữ. Khi bạn hiểu chính tâm trí của bạn, thì việc điều chỉnh tâm trí không còn khó nữa.
Để giữ được tâm trí bạn ở thực tại, bạn cần phải cảm nhận mọi thứ đang diễn ra, bạn sẽ cảm nhận được lối đi mà bạn đang đi, bước chân mà bạn đang bước, bạn cảm nhận được bầu trời, táng cây. Thực tại chính là những thứ duy nhất bạn đang có, quá khứ thì đã biến mất, tương lai không phải là một thứ rõ ràng, nên nếu bạn cứ buồn khổ cho quá khứ hay lo lắng thái quá cho tương lai, bạn đã quên mất thực tại. Nếu bạn có một người để yêu thương ngay trước mặt bạn, mà bạn cứ đi lo lắng cho tương lai của bạn và họ, bạn để nỗi lo lắng đó làm tiêu tan mất niềm vui bên nhau của thực tại. Tại sao bạn lại đánh mất điều đó chỉ vì lo lắng về một thứ không chắc sẽ xảy ra. Vì sao bạn buồn khổ vì một sự kiện trong quá khứ mà lại không tận hướng thực tại? Tập trung vào thực tại, tận hưởng nó, bạn sẽ luôn cảm giác đủ đầy.
Không dễ để xóa đi lo lắng và nỗi đau và tận hưởng thực tại, nhưng không phải là không có cách!
Sài Gòn, ngày 28 tháng 11 năm 2019