Con Đại bàng Gà

Cuối năm 2009, tôi thất nghiệp bởi công ty phần mềm mà tôi vào làm việc mới có 9 tháng đã bị đóng cửa. Từ vị trí giảng viên, đến vị trí lập trình viên, và sau đó là thất nghiệp. Tôi thử tìm việc lập trình ở Huế mà gần như bất lực, đến lúc đó, tôi nghĩ, nếu không ai thuê mình, mình tự tạo việc cho mình vậy. Nhưng, mở một công ty đâu có đơn giản, chí ít, tôi phải biết đôi chút về các kỹ năng quản lý dự án, nhưng học ở đâu ở Huế. Trong tay tôi chỉ còn có hai triệu đồng, nên tôi mượn ba tôi 6 triệu tiền học phí và xin mẹ tôi hai triệu tiền mua vé tàu vào Sài Gòn để học trong hai tháng rưỡi. Bạn sẽ hỏi tôi, đi làm 4 năm mà tiền đâu, thực tế trong ba năm đầu dạy ở trường Đại Học, tôi phải đi vay ba mươi triệu để sống, vì nếu vừa đi dạy, vừa làm công tác Hội Sinh viên, thì tiền kiếm thêm bằng cách nào, khi lương mỗi tháng chỉ 720.000đ? Hoặc là tôi từ bỏ công tác Hội để đi làm việc khác, như đi dạy ngoài, hoặc đi làm lập trình viên, còn không, tôi thiếu tiền là chắc chắn. Chín tháng làm việc cho công ty phần mềm, với mức lương hơn 300 USD đã giúp tôi giải quyết hết đống nợ, nhưng tôi chỉ còn lại 2.000.000đ mà thôi.

Tôi tới Sài Gòn với cái tâm thế đó, túi có hai triệu đồng, ở lại nhà bác cả thì không được, do nhà bác đương đông người. Bác dẫn tôi đến ký túc xá trường ĐH hàng đầu VN, nơi bác đã từng làm hiệu phó quản lý tài chính, và bảo tôi cứ ở đó, bác lo tất. Tôi hỏi giá phòng với chị quản lý, biết mỗi ngày hết 150.000đ, tôi nghĩ bụng, một là bác sử dụng quan hệ của mình để khỏi phải trả tiền, hai là bác ấy phải tự trả, cách nào tôi cũng chả thấy hay, nên tốt nhất tôi nên ra ngoài tự thuê chỗ trọ. Quỹ cho thuê trọ là chỉ khoảng 600.000đ, còn 1.400.000 tôi phải sống được trong 1 tháng, và kiếm việc gì đó làm tạm để trang trải chi tiêu trong hai tháng rưỡi. Tôi đến đường D2, nơi học viện FMIT mà tôi học hai bằng cùng một lần, một là về kỹ năng quản lý dự án và cái thứ hai là kỹ năng mềm. Sau đó tôi đi bộ quanh đó kiếm phòng trọ, và lần đầu tiên tôi phát hiện một cái phòng trò giá sáu trăm ngàn giống cái chuồng chó như thế nào, phòng cao đúng một mét, rộng cỡ 1m6, có một cái quạt, bên trong không có gì, tôi nhìn giống cái chuồng như vậy, thật không dành cho người, nên tôi tính đi lòng vòng rồi tính tiếp. Đến một nhà trọ ngay trên đường Điện Biên Phủ, khi nghe nói tôi chỉ có ít tiền, một cô bé sinh viên rủ tôi ở chung với một nhóm năm người, bạn í bảo nếu anh chỉ ngủ thì vào ở với tụi em, chả ai làm gì ảnh hưởng đến ai, tôi cũng hơi ái ngại khi một phòng trọ hai triệu động đã có năm người ở, thêm tôi nữa là sáu, cũng hơi khó xử. Tôi bảo các em học ngành gì, thì có hai em học ngành CNTT, tôi bảo có vẻ ở chung với các em cũng có lý, tôi chỉ được cho mấy em một chút. Ngay lúc đó chị bạn đồng nghiệp của tôi tên là Giao gọi cho tôi, bảo là chị ở SG rồi, tôi bảo tôi đi tìm trọ, chị Giao liền bảo, thôi – mày về nhà chị, ở chung với chị, bà cô và một chị gái nữa ở hội cựu tri đường Nguyễn Thông, em sẽ ngủ ở cái phảng, chứ đi thuê làm gì cho tốn tiền. Chị tốt với tôi thế, ở chung trong chung cư của ba người đàn bà đều lớn tuổi cả, nên tôi được họ yêu thương lắm, chị gái của chị Giao làm đốc công ở nhà máy, chị ấy nhường cho tôi chiếc cub 86, chị đi làm bằng xe bus, chị Giao thì lấy tiền túi đãi tôi ăn trưa suốt vì biết tôi cũng chả có mấy tiền. Sống ở cái đất Sài Gòn trong hai tháng rưỡi, chỉ có đi học và đi về. Tôi nhân tiện cũng viết CV, gởi đến một công ty mà tôi biết tiếng tên là Harvey Nash, tôi gởi xin làm vị trí .NET senior developer, trong khi kinh nghiệm của tôi làm ở công ty cũ là Java. Chuyện xin việc tôi sẽ kể sau.

Chị Giao đã dạy cho tôi biết, con người ta sống tốt với nhau như thế nào. Chị coi tôi như đứa em trai, và chưa bao giờ đòi hỏi tôi một lời cảm ơn. Tôi học chị được điểm đó, sau này làm gì cho ai không mong được trả lại bất cứ thứ gì. Cứ như tôi với chị, liệu mỗi năm đã gọi cho chị nói lời hỏi thăm chưa? Khi mình quá bận lòng với những câu chuyện riêng tư, chuyện làm người sao cho nó phải lẽ cũng chả được quan tâm nữa. Tôi tệ lắm mọi người ạ.

Trong những lớp tôi được học, có một người thầy mà tôi vô cùng ấn tượng bởi cách nói chuyện dí dỏm thông thái và gương mặt sáng ngời của thầy. Thầy tôi tên là Nguyễn Thanh Tùng, thầy là người khá nổi tiếng với công trình vườn Huế Thu Nhỏ ở quận 8 (rộng 800m2) để tặng cho ba mẹ thầy, những người con xa Huế đã lâu. Thầy có tài kể chuyện và có khả năng truyền cảm hứng tuyệt vời. Tôi may mắn được thầy để ý đến khi kể cho mọi người nghe câu chuyện ví dụ về việc lãnh đạo nhóm như thế nào. Câu chuyện của tôi sẽ được kể trong bài viết khác. Nhờ được thầy để ý mà tôi cũng có cơ hội được trò chuyện với thầy nhiều hơn. Khi kết thúc khóa học, tôi có xin được mời thầy một dịp uống café, và thầy đã đồng ý gặp tôi ở một tiệm café trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận. Tôi đã có băn khoăn từ lâu về việc có nên rời Huế đi Sài Gòn không, bởi tôi biết Sài Gòn sẽ cho tôi nhiều cơ hội, nhưng tôi còn gia đình, bạn bè và người yêu ở Huế. Việc xa Huế có lẽ là điều mà tôi chưa có sự chuẩn bị. Thầy nghe câu hỏi của tôi, và bảo tôi rằng, thầy không có câu trả lời nào cho tôi, nhưng thầy sẽ kể cho tôi nghe một câu chuyện, đó là câu chuyện con Đại bàng Gà. Câu chuyện như sau:

Có một con đại bàng mẹ làm tổ trên núi cao, do có một cơn mưa lớn khiến mỏm đá có nguy cơ bị sập nên con đại bàng mẹ quyết định cắp quá trứng nó đang ấp đi nơi khác. Trên đường bay, đại bàng mẹ bị một người thợ săn ngắm bắn. Viên đạn không trúng vào con đại bàng, nhưng làm cho đại bàng mẹ giật mình và làm rơi quả trứng. May mắn thay, quả trứng đó rơi xuống mặt đất mà vẫn còn lành lặn vì nó rơi trúng một cái ổ ấp trứng của một con gà mẹ. Gà mẹ đi về thấy quả trứng to, nhưng cũng chả nghi ngờ gì, lại tiếp tục đẻ thêm trứng và ấp ra một đàn gà con. Quả trứng đại bàng sau nhiều ngày cũng nở ra, nhưng bị gà mẹ và cả đàn gà phân biệt bởi chú đại bàng – gà, là một con gà dị dạng, to quá khổ, mỏ quằm rất khó khăn để mổ được thức ăn. Khi những con gà con dễ dàng ăn thóc, thì con đại bàng gà chỉ có thể ăn sâu hoặc giun. Con đại bàng gà cũng cảm thấy tủi hổ, khi thấy mình không đẹp và dễ thương như các anh chị em. Đại bàng gà đi lại không được nhanh nhẹn như đàn gà con.

Một hôm nọ, khi cả đàn đang vui vẻ kiếm ăn ngoài bãi cỏ, thì gà mẹ vỗ cánh phầm phập ra hiệu cho cả đàn gà con chui vào bụi rậm, hẳn là đang kẻ săn mồi ở đâu đây. Còn đại bàng gà nhìn lên phía trên bầu trời, cậu ta bổng thấy một con chim lớn với sải cánh dài cả mét bay trên bầu trời, chú liền quay qua hỏi gà mẹ “Mẹ, ơi con gì đang bay trên trời đấy ạ”. Gà mẹ đáp “Suỵt, ngồi yên nào, đấy là chúa tể bầu trời đấy, là đại bàng, may ông ấy không thấy chúng ta, nếu không làm sao chúng ta có thể thoát được món vuốt của đại bàng cơ chứ”. Cả đám con đều rùng mình lo sợ, nhưng trong lòng của chúng đều mong mình trở thành đại bàng. Khi cơn sợ hãi qua đi, lũ gà con kể cả con đài bàng gà, ai cũng hăm hở nhảy lên cao để rồi tập bay. Và tất nhiên chả có ai bay được, kẻ đau nhất vẫn là con đại bàng gà, bởi người nó to và nặng nhất.

Kể đến ngang đó, thầy tôi bảo câu chuyện đến đấy thôi. Tôi mới hỏi thầy, thế câu chuyện không có kết hay sao thầy, liệu con đại bàng gà đó có thể trở thành đại bàng không. Thầy tôi bảo, thầy đâu có biết kết quả, chưa ai từng kể với thầy cả, nhưng người kể kết quả của câu chuyện chính là tôi, học trò của thầy. Nghe đến đó, tôi chợt hiểu điều thầy muốn nói với tôi là gì, chả phải thầy đang ví tôi như là chú đại bàng gà đó ư, và chỉ có tôi mới trả lời được câu hỏi, liệu rằng tôi có thể sải cánh mà bay cao được hay không. Chả có ai khác ngoài chính tôi mới có thể trả lời câu hỏi đó. Câu chuyện của hai thầy trò chỉ đến đó, và tôi đi về trong biết bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn.

Tôi chưa thể quyết định ngay cho một chuyến đi thật xa để mình có thể trưởng thành, tôi vẫn trở về Huế, khởi đầu một công ty với số vốn là không đồng ở trong tay. Tôi có một công ty nhỏ với 8 người và giấc mơ tồn tại ở xứ Huế, mãi cho đến năm 2011, khi tôi quyết định phải rời Huế vào Sài Gòn mới có thể trưởng thành được.

Quay trở lại câu chuyện đi phỏng vấn ở Harvey Nash, tôi chỉ được xếp là một kỹ sư lập trình kinh nghiệm còn non (junior developer), người phỏng vấn còn hỏi tôi tại sao tôi lại không ứng tuyển vị trí Java, khi đó xác suất tôi trở thành senior cao hơn rất nhiều. Tôi trả lời, bởi vì tôi muốn trở thành một lập trình viên web với ASP.NET MVC (thứ mà tôi chỉ biết là nó vừa mới ra đời, chưa có bản chính thức). Trở lại Huế, tôi nuôi mộng chứng minh với cả Sài Gòn rằng tôi là chuyên gia về ASP.NET MVC, cái thứ mà lúc đó các bạn ở Harvey Nash vẫn còn chưa biết đến.

Đến năm 2011, tôi vào Sài Gòn với vị trí là training manager và technical consultant cho một công ty IMT và là Microsoft MVP. Năm 2012, tôi trở lại NashTech với vị trí là Technical Architect và là Principle Software Engineer và dẫn dắt một dự án khởi đầu bằng chuyến đi Hong Kong và trở về với việc xây dựng một team 40 người.

Câu chuyện diễn tiến tới đâu, liệu tôi đã trở thành con Đại bàng, hay chỉ là một con gà? Tôi nghĩ, tôi chả phải đại bàng, cũng chả là gà. Tôi tên là Lê Hoàng Dũng, có tên ở nhà được ba mẹ và ông ngoại đặt cho là Tu mi (viết tắt của bốn chữ Tu mi nam tử). Và tôi vẫn đang tiếp tục công việc trở thành chính tôi và kể câu chuyện của chính mình.

Câu chuyện con đại bàng gà của thầy tôi đã thức tỉnh tôi ở vai trò của một người dám gánh vác sứ mệnh của chính mình. Không quan trọng bạn muốn trở thành ai, quan trọng là bạn có thực sự thực hiện điều bạn muốn hay không.

Đây chính là phần thứ ba tôi muốn kể về những người thầy của mình!

Sài Gòn, ngày 03 tháng 12 năm 2019