Thế nào mới gọi là giàu có

Hôm nay, nhân ngồi tám chuyện chơi, tôi mới bảo với người bạn, một người gọi là giàu thì sẽ không còn quan tâm là mình có bao nhiêu tiền nữa và không bị áp lực bởi tiền nữa. Nếu bạn còn phải lo lắng về được mất về tiền bạc, tôi nghĩ là bạn chưa đạt tới mức giàu đâu, nên vậy bạn mới lo lắng ấy. Hãy thử suy nghĩ cùng tôi về định nghĩa một người giàu có nhé.

Giả sử ngày mai tôi mua một vé Vietlot và trúng cỡ 100 tỷ VNĐ, liệu tôi đã giàu chưa? Tôi nghĩ có 100 tỷ đồng trong tay vẫn chưa gọi là giàu bởi nếu tước 100 tỷ khỏi tay tôi, tôi không thể có khả năng tái tạo ra một khoản tiền lớn chỉ với hai bàn tay trắng. Giả sử có khoản tiền đó, tôi sẽ đầu tư tiền đi học về đầu tư tài chính, và sẽ thuê quản lý tài chính quản lý số tiền đó để làm sao đảm bảo nó sinh lợi lớn hơn lãi suất ngân hàng. Chia nhỏ số tiền ra thành nhiều khoản và đầu tư cho nhiều hạng mục khác nhau, đảm bảo trứng không nằm cùng một rổ và xác suất bị lỗ chổng vó cùng một lần được giảm thiếu. Nói cách khác, tôi phải có năng lực quản lý và sinh lời dựa trên số tiền mình có, tôi mới có thể có khả năng đảm bảo mình sẽ không bị nghèo sau khi nhận giải Vietlot.

Giả sử sau chi tiêu, mỗi tháng kiếm thêm được 20 triệu đồng, và với năng lực của tôi tôi có thể kiếm được mức nhu nhập tương tự ở bất cứ công ty nào, vậy sau một năm tôi sẽ có được cỡ 240 triệu tiền tiệt kiệm và gởi ngân hàng với lãi suất 7% mỗi năm. Sau mười năm tôi sẽ có được số tiền là 3.3 tỷ đồng. Tương tự như vậy, nếu một người khác có sẵn trong ngân hàng số tiền tiết kiệm là 1.5 tỷ đồng, và mỗi tháng cậu ấy tiết kiệm được thêm 10 triệu đồng, thì sau mười năm cậu ấy sẽ có số tiền là 3.1 tỷ đồng. Vậy trên thực tế, tôi và cậu ấy có khả năng kiếm tiền ngang nhau trong vòng 10 năm. Sau 20 năm, nếu tôi vẫn chỉ gởi tiết kiệm, cậu ấy cũng chỉ biết tiết kiệm tiền bằng gởi tiết kiệm, thu nhập thêm sau chi tiêu mỗi tháng không đổi, tôi sẽ có 9.9 tỷ và cậu ấy có 6.3 tỷ. Như vậy, có thể nói rằng, tôi là có khả năng sinh lợi tốt hơn cậu ấy dù cậu ấy đã có 1.5 tỷ trong tay.

Tôi có vài người bạn hiện đang có mức thu nhập cỡ 200 triệu mỗi tháng, nghĩa là họ có khả năng đút túi 150 triệu mỗi tháng. Có thể hiểu được các cậu bạn đó sau hai mươi năm chỉ gởi ngân hàng cũng đã có số tiền lớn cỡ nào, tính sơ sơ, họ sẽ có cỡ 80 tỷ đồng sau 20 năm lao động. Và số tiền đó còn sinh ra bao nhiêu tiền nữa, tôi không thể mường tượng ra hết nổi.

Có nhiều người nhầm lẫn giữa việc kinh doanh và đi làm thuê, đi làm thuê cũng là kinh doanh, gọi là bán sức lao động, người kinh doanh cũng bán những thứ mình có thể tạo dựng được. Quan trọng là nhu nhập mỗi tháng mỗi người sẽ như thế nào. Một người có thu nhập mỗi tháng 100 triệu nhờ đi làm vẫn tốt hơn chủ doanh nghiệp thu về 50 triệu đồng mỗi tháng, công với nếu sự an toàn về tài chính của người đi làm thuê cao hơn. Nói cách khác, khi năng lực của một người đảm bảo mức thu nhập của người đó, thì việc làm thuê hay tự doanh đều không quan trọng nữa. Vấn đề tiếp theo là người đó có khả năng gia tăng thu nhập của mình hay không mà thôi.

Một người giàu có bền vững là người có khả năng phục hồi sau tai họa. Một người chuyên đi buôn hàng, dù có bị cháy nhà, mất hết tài sản, nhưng nhờ uy tín và kiến thức về buôn bán, ông tay có thể vay vốn và tạo dựng lại cơ nghiệp ngay từ đầu. Một người trúng số độc đắc, nhưng tiêu xài hoang phí, khi tay trắng rồi thì sẽ không có khả năng tạo đựng trở lại được nữa.

Người giỏi mà không tiết kiệm thì sẽ khó có thể trở nên giàu có về tiền bạc. Suy cho cùng, số tiền mà bạn có sau mỗi tháng chính là số thu nhập bạn tạo được trừ số chi phí mà bạn tiêu đi. Nên nếu lương tôi lên 200 triệu mỗi tháng mà tôi tiêu hết 250 triệu thì tại thời điểm đó tôi không bằng một anh chàng thu nhập 30 triệu mỗi tháng và chỉ tiêu 10 triệu một tháng. Nhưng nếu tôi thay đổi thói quen chi tiêu thì tôi trở nên giá trị hơn nhiều. Con số trên chỉ là giả định thôi nhé, tôi có thể chỉ làm ra một chục triệu một tháng, hoặc vài tỷ một tháng, chỉ tôi mới biết thôi. Ha ha!

Vậy như thế nào mới gọi là giàu? Tôi định nghĩa người giàu là người như sau:

  • Có lượng tài sản “đủ lớn”, và có kiến thức về tài chính để đảm bảo lượng tài sản đó luôn sinh sôi.
  • Có năng lực tái tạo lại tài sản sau khi mất trắng.
  • Có cống hiến cho xã hội tương xứng với số tài sản mình có. (Nhiều tiền mà chôn trong căn hầm thì cũng chả để làm gì)

Điều tôi muốn nói sau những dòng viết lan man ở trên là gì? Tôi muốn chia sẻ rằng, tài chính rất quan trọng với mỗi cá nhân, và ai cũng nên cố gắng để trở nên giàu có để có thể cống hiến tốt hơn cho xã hội. Tùy theo năng lực mỗi người để chọn cách tạo ra tài sản cho mình, làm thuê hay tự doanh đều được, quan trọng là bạn có thể làm được bao nhiêu tiền và bạn sẽ chi tiêu bao nhiêu hơn là cách bạn làm ra thu nhập. Thứ nữa, điều quan trọng nhất với bạn là gì, là tiền hay là cảm giác đủ đầy trong cuộc sống? Với tôi, tôi thà có thu nhập vừa phải, nhưng cuộc sống tôi phải có cảm giác đủ đầy. Với mỗi người sự đủ đầy được định nghĩa theo một lối khác nhau, nên mỗi người sẽ có lựa chọn mỗi khác nhau. ống vừa đủ với khả năng kiếm tiền của mình là cách bảo đảm tài chính tốt nhất. Có rất nhiều tiền sẽ giúp bạn có thêm cơ hội để làm những điều vĩ đại hơn. Nhưng với tôi và những mục tiêu hiện tại tôi chọn, việc có quá nhiều tiền cũng chả có ý nghĩa gì lắm. Mỗi đêm tôi vẫn viết bài, vài tuần tôi vẫn bỏ vài tiếng ra để chụp hình, mỗi ngày tôi vẫn làm việc và tạo cảm hứng cho những người trẻ hơn tôi. Giờ tôi ăn cũng ít, ở nhà  thuê đã quen, nhà chỉ có cái máy tính và bộ máy ảnh là có giá trị, còn lại cái gì cũng dễ sắm lại, nên chả có thêm nhu cầu gì khác. Nên nhu cầu tài chính của tôi đơn giản lắm.

Chúc mọi người đều giàu có và hữu ích cho xã hội!

Ngày 04 tháng 12 năm 2019