Mỗi đêm trước khi ngủ, tôi đều đọc vài trang tiểu thuyết. Hôm nay, tôi tiếp tục đọc cuốn tiểu thuyết vừa mới ra mắt cách đây mấy tháng của Haruki Murakami có tên là “Killing the commendatore”. Cuốn tiểu thuyết kể về một anh họa sĩ chọn vẽ tranh chân dung như một công việc kiếm sống, anh ta bị vợ bỏ không một lý do, và anh ấy bắt đầu cuộc phiêu lưu mới của mình bằng một cuộc sống trên chiếc xe cũ rong ruỗi khắp Nhật Bản trong vài tháng và sau đó thuê căn nhà của một họa sĩ nổi tiếng vẽ tranh theo trường phía của Nhật Bản và anh chàng họa sĩ này phát hiện một bức tranh chưa từng công bố nằm trên gác mái có tên cùng với tên của cuốn tiểu thuyết. Tôi chị đọc mới được một phần năm cuốn truyện, bởi vì đây là bản tiếng Anh tôi mua nó trên Kindle nên tôi đọc khá chậm rãi. Lẽ thường tôi sẽ không bàn về mấy cuốn tiểu thuyết mà tôi đọc đâu, nhưng trong cuốn tiểu thuyết đó có một mẩu chuyện rất hay mà tôi nghĩ nên kể lại cho các bạn nghe.
Anh chàng họa sĩ này, vốn có một cô em gái nhỏ hơn 3 tuổi. Hồi anh ta tuổi mười tám, thì em gái tuổi mười lăm, còn nhỏ và dễ thương lắm. Anh chàng thấy cô em gái lớn lên từng ngày, trở thành thiếu nữa. Cậu tại luôn tự xem mình là người bảo vệ cho em gái của mình, và thương em mình hết mực. Những nhân vật chính của Haruki luôn là những người siêu nhạy cảm, có khả năng cảm nhận mọi sự thay đổi của người khác, nên mọi sự thay đổi của cô em đều đập vào mắt anh chàng này, từ ngực nhú lên như trái cau, hay sự nữ tính càng ngày càng lộ rõ, và nó in vào ký ức của chàng ta cho tới mãi sau này. Không may cho cô em gái, là nàng ta bị đau tim và mất vào độ tuổi mười lăm. Người anh trai mười tám tuổi phải thấy hình ảnh người ta đẩy xác em gái vào cái hộp nhỏ và từ đó sợ hãi tất cả những khoảng không gian bít kín hình hộp. Cậu ta sợ đi thang máy, sợ ở trong những căn phòng hộp nhỏ, và không may, khi cậu ta làm tài xế thì lại tự khóa mình trong thùng hàng của chiếc xe đông lạnh trong mười mấy tiếng.
Chàng trai này thường vào ngồi ở phòng em gái mình, với tất cả những đồ vật thân thuộc của cô em và cảm nhận, trong lòng thường sinh ra ảo tưởng rằng cô ấy sẽ xuất hiện. Và sau đó, khi cậu ấy bắt đầu phát hiện năng khiếu vẽ của mình, gương mặt mà cậu ấy phác họa cả ngàn lần trong cuốn sổ của cậu ấy luôn là hình ảnh cô em gái với nhiều sắc thái khác nhau. Nỗi sợ hãi ký ức về em gái mình bay đi đã khiến cho cậu ấy vẽ lại tất cả những khoảnh khắc mà cậu nhớ về em gái của mình. Khi đã trở thành một người đàn ông tuổi gần bốn mươi, anh ta vẫn giữ cuốn sổ tay đó như một bảo vật, và lâu lâu lại giở ra xem và luôn kết thúc bằng nước mắt ngập tràn.
Câu chuyện ở trên đây về anh chàng họa sĩ làm cho tôi cảm nhận sự tương đồng giữa tôi với anh ta. Tôi là một con người hay hoài niệm và nhớ về người khác, những người mình mình đã từng gặp, những người mình yêu quý. Nếu ai đó xuất hiện trong đời tôi, và được tôi trân trọng, chắc chắn người đó sẽ không bao giờ biến mất khỏi tâm trí của tôi. Và mỗi khi ký ức về họ trở về, nó vẫn mang lại những cảm giác như đã từng trải qua.
Giờ đây, khi tôi có thêm hai công cụ để lưu giữ ký ức, một là những bức ảnh mà tôi chụp và hai là những trang giấy mà tôi viết, thì tôi không thể nào lãng quên được bất cứ những kỷ niệm đẹp nào từng đã xảy ra trong cuộc đời.
Một người xuất hiện trong đời mình, có thể mang lại hạnh phúc, có thể mang lại nỗi đau, nhưng hơn tất cả họ mang lại cho chúng ta trải nghiệm. Nếu sống mà không có trải nghiệm, cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết bao.
Dù rằng, có những trải nghiệm mang niềm đau đến mức thắt cả tim, phồng cả mạch máu não. Hoặc sẽ có những nỗi sợ hãi xâm chiếm lấy bản thân như cách anh họa sĩ kia phải trải qua. Nhưng, nếu bảo tôi lựa chọn lại, tôi sẽ không bỏ đi bất kỳ một trải nghiệm nào cả. Bởi có chúng mới có tôi của ngày hôm nay.
Cảm ơn tất cả những con người mà tôi yêu quý, cảm ơn cuộc đời!
Sài Gòn, ngày 07 tháng 12 năm 2019