Bạn ơi, đừng chỉ chỉ bỏ giấc mơ vào khung ảnh, đóng đinh và treo trên tường, hãy biến giấc mơ thành sự thực bằng hành động bạn nhé!
Ngày xưa có những lúc tôi mong ước trúng số, nên bỏ tiền ra mua Vietlot mỗi ngày để hy vọng trúng số cho đời bớt khổ, nhưng hai năm trở lại đây tôi hầu như không mua vé số nữa, bởi khi tôi suy nghĩ một cách logic, tôi đang mơ một giấc mơ mà khả năng trở thành hiện thực gần như bằng không. Mua vé số giống như là hình thức đầu tư tài chính rủi ro. Nếu bạn mua hai chiếc vé số mỗi ngày, tức là 10.000 đ, sau một năm bạn sẽ tốn 3,65 triệu đồng. Xác xuất bạn trúng được 1 giải độc đắc là 1/8.000.000, nghĩa là nó vô cùng nhỏ, xác xuất tiền mất là gần bằng 100%. Như vậy gần như chắc chắn mỗi năm bạn mất 3,65 triệu đồng mà không thu lại gì. Thay vì mua vé số, số tiền đó có thể giúp bạn mua được một cái màn hình máy tính, hoặc năm chiếc áo sơ mi và 4 chiếc quần Jean hiệu Blue Exchange (đó là số áo quần mà tôi cần cho mỗi tuần đi làm trong hai năm đấy bạn ạ), hoặc bạn có thể trả toàn bộ tiền internet ADSL trong vòng 2 năm chỉ bởi số tiền đó. Nói cách khác, mua vé số là một hình thức đầu tư tài chính rủi ro, mà bạn luôn thua. Vậy tại sao người ta lại cứ thích mộng mơ rằng họ sẽ trúng vé số? Bởi họ có một niềm tin rằng nếu trúng số họ sẽ chảng cần phải làm gì nhiều nữa, có tiền sẽ có tất. Sự thực thì tiền hầu như chả bao giờ tới, và họ đã mất một số tiền không nhỏ trong nhiều năm, thật đáng tiếc.
Mua vé số để mơ trúng số và trở nên giàu có cũng giống như những thứ mà bạn mơ mộng nhưng chưa bao giờ thực hiện. Ví dụ như bạn muốn trở thành ca sĩ, nhưng bạn chỉ mơ mộng thế thôi, chứ bạn không chịu luyện giọng, không chịu đi học, không tập hát, giấc mơ lúc đó chỉ là giấc mơ mà thôi.
Năm 2002, tôi đã bắt đầu viết blog và nhận ra mình có chút khiếu viết lách, từ năm 2004, tôi đã bắt đầu viết các truyện ngắn nhưng chưa thực sự hay, và tôi mơ mình có thể trở thành một nhà văn – nhà tiểu thuyết gia. Giấc mơ đó vẫn còn ám ảnh tôi, nhưng nó chưa bao giờ trở thành sự thật vì tôi chưa bao giờ bắt tay vào việc luyện tập để viết như một nhà văn cả. Tôi vẫn viết blog, nhưng mỗi năm chỉ được 20 bài, chỉ chừng đó làm sao có thể giúp cho tôi trở thành một tay viết giỏi? Tôi nghĩ, nếu cứ vậy, giấc mơ chỉ là giấc mơ, và tôi đã đóng đinh giấc mơ để treo trên tường mất rồi.
Một cậu bạn của tôi có giấc mơ rằng, nếu cậu ấy có đủ tiền, cậu ấy sẽ mở một tiệm café. Nhưng thực tế là, sau khi có đủ tiền để bắt đầu, cậu ấy lại có đủ lý do không thực hiện ước mơ đó, bởi cậu cần thay chiếc tủ lạnh mới, sắm chiếc máy tính mới …v.v Liệu cậu ấy có thực sự muốn thực hiện giấc mơ của mình, hay cậu ấy chỉ nói để cho vui?
Chúng ta thường hay đề cao những giấc mơ và ý tưởng, nhưng chúng ta đều hiểu rằng, ai cũng có thể mơ. Có nhiều người mơ thành thủ tướng một quốc gia lắm, nhưng đa phần chỉ thấy thích vậy thôi, chứ chẳng có sự chuẩn bị gì việc trở thành một thủ tướng. Có nhiều người có những giấc mơ đẹp tuyệt như sẽ mở công ty làm phần mềm, kinh doanh bất động sản, sản xuất đồ may mặc… Và những giấc mơ đó luôn được người ta nói ra với ánh mắt long lanh, nhưng chả ai làm. Thậm chí, có những người đã tích lũy đến cả trăm tỷ đồng trong tay, họ vẫn chưa đủ dũng khí để khởi đầu.
Cái chúng ta mơ làm chỉ là giấc mơ nếu chúng ta không bắt đầu thực hiện nó!
Tôi có một cậu bạn, tôi nghĩ cậu ấy chưa bao giờ mơ trở thành một nhà kinh doanh tại thời điểm cậu ấy đi làm onsite ở nước ngoài. Lúc đó cậu ấy chỉ là một lập trình viên, và bắt đầu mua và đem về một ít máy ảnh Sony từ nước ngoài về Việt Nam để rao bán. Thời điểm đó, cuối năm 2015, tôi là một khách hàng của cậu ấy và theo cậu trong bốn năm, và giờ cậu ta trở thành một trong những đại lý bán lẻ mạnh nhất của Sony camera, và cậu ấy còn kinh doanh vô khối các sản phẩm khác như phụ kiện máy ảnh, tai nghe, gimbal,… Điều khác biệt giữa những kẻ mơ mộng và cậu ta đó là cậu ta mơ mộng nhưng cậu ta hành động. Thực hiện từng bước nhỏ để tạo thành bước đi lớn. Khi khởi đầu cậu ta chả có giấc mơ trở thành đại lý bán lẻ của một nhãn hàng đâu, ngoại trừ vài cái máy ảnh cũ, thế mà đến năm 2017 cậu ấy đã có một góc cửa hàng nhỏ ngồi ké ông bạn khác ở quận 1, đến 2018 thì đã có cửa hàng riêng rộng rãi ở quận 1 và trở thành đại lý của Sony, và đến 2019, cậu ấy đã trở thành đại lý của nhiều nhãn hàng khác. Với tôi, cậu ấy xứng đáng là người thầy để tôi học tập, dù rằng, tôi chưa bao giờ tính đến chuyện kinh doanh trở lại, nhưng cậu ấy là niềm cảm hứng để tôi bắt đầu và thực hiện những việc mình muốn làm.
Khi bạn muốn làm điều gì, hãy bắt tay thực hiện nó, đừng ngại sai lầm và cũng chả nên ngại thất bại. Hãy khởi đầu nhỏ gọn, thực hiện và nếu thất bại thì sẽ chỉ là thất bại nhỏ. Nếu bạn thực sự yêu thích thứ bạn muốn làm, những thất bại nhỏ không làm bạn trở nên yếu đi, mà chỉ giúp cho bạn có nhiều kinh nghiệm hơn, khó thất bại hơn, bởi chả ai té ngã mà quên rằng ngã sẽ đau cả, họ sẽ học cách làm được mà không vấp ngã bởi những lý do cũ nữa.
Quay trở lại với giấc mơ viết lách của tôi, cho đến khi tôi thực sự nghiệm túc với việc phải viết để có thể chia sẻ những kinh nghiệm tốt mà tôi đã đúc kết được trong quá trình cải thiện bản thân cho mọi người. Và tôi phải luyện tập kỹ năng viết của mình cho đến ngày tôi có thể làm được những tác phẩm lớn hơn (một cuốn sách chẳng hạn). Nếu tôi không viết mỗi ngày, làm sao tôi có thể có được chất liệu và kinh nghiệm để viết một tác phẩm dài hơi? Nếu tôi không đọc, trao đổi, thảo luận mỗi ngày, làm sao tôi có ý tưởng để viết?
Trung bình một năm tôi chỉ viết trên blog của mình có hai mươi bài, nghĩa là mỗi tháng tôi chỉ viết mỗi có hai bài. Mà nếu là vậy, thì tôi quá ư amateur và chưa bao giờ có được một số lượng bài viết đủ lớn để phục vụ những người thực sự yêu thích và muốn đọc nội dung của mình mỗi ngày.
Cách đây một tháng bảy ngày, tôi quyết định sẽ viết bài đều đặn mỗi ngày, và sẽ viết từ mười giờ tối đến mười hai giờ tối mà thôi. Nghĩa là tôi hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến công việc ban ngày của mình. Và bạn biết không, chỉ trong ba mươi bảy ngày, tôi đã viết được 74 bài viết. Một số kinh khủng, bởi nó bằng ba năm viết bài của tôi. Và nếu kể về kỷ lục viết bài cho chủ đề lập trình, thì tôi đã có năng suất vượt qua kỷ lục đó, bởi năm 2011 là năm tôi viết nhiều nhất cho chủ để lập trình với năng suất 1 bài trong 3 ngày, và sau một năm tôi có 110 bài viết. Còn năng suất của tôi hiện tại là hai bài viết mỗi ngày. Dĩ nhiên, số bài viết nhiều không có nghĩa là tôi có chất lượng viết tốt, mà chỉ đơn giản là tôi đã tạo ra được một bước đi đầu tiên cho một niềm vui, một thú chơi, một niềm đam mê nho nhỏ của chính mình và phục vụ cho niềm đam mê lớn nhất đời của tôi, đó là giúp cho những người có tiềm năng xây dựng năng lực của mình, biến chúng thành sự thực, và thành công với chúng. Tôi sẽ không dừng viết bài, không ngừng tạo ra nội dung. Chỉ đến khi nào tôi sức cùng lực kiệt, không còn minh mẫn nữa, tôi mới dừng lại công việc này, dù hiện tại, tôi chưa có bất kỳ khoản thu nhập gì từ thú vui này. Thiết nghĩ, cái kỷ lục 74 bài viết trong 37 ngày sẽ là một kỷ lục khó xô đổ, nếu bạn viết bài kỹ lưỡng và có nội dung đáng để lưu tâm.
Nhiếp ảnh là thú vui được tôi khởi động từ năm 2015, với mục đích cân bằng cuộc sống, tạo ra niềm vui để cân bằng với những khó khăn – đau khổ mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Và đến nay, tôi đã chụp được vài trăm ngàn tấm ảnh, đã chỉnh sửa và xuất ra máy tính hơn hai mươi ngàn bức ảnh, và luôn đăng hình mình chụp mỗi ngày. Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy toàn bộ hình minh họa mà tôi sử dụng trên blog này đều là hình tôi tự chụp. Chụp ảnh cũng là một quá trình tạo nội dung và cũng như viết lách, tôi cũng cần phải luyện tập. Những ngày đầu tiên tôi tập chụp ảnh, những bức hình của tôi chụp được xấu và khó có thể chấp nhận được nếu dùng đôi mắt của tôi bây giờ để đánh giá, nhưng bất chấp mọi lời chê, tôi vẫn kiên trì nghiên cứu, học tập cách chụp, chỉnh hình và các trường phái nhiếp ảnh để tạo ra phong cách của riêng mình. Đến bây giờ, tôi nhận được khá nhiều lời khen từ mọi người về khả năng chụp hình của mình, và sự khen ngợi đó thể hiện một chân lý khá đơn giản, tài năng không tự nhiên có, nó là một quá trình luyện tập. Nếu từ năm 2016, tôi không tự coi mình là một nhiếp ảnh gia (dù lúc đó tôi chụp xấu tệ), thì tới bây giờ tôi đâu có thể chụp hình ổn đến vậy.
Nếu bạn muốn trở thành nhiếp ảnh gia, hay tiểu thuyết gia, hay là diễn giả, thậm chí là nhà sáng chế, nhà kinh doanh, bạn hãy giả vờ mình là người mình muốn trở thành cho đến ngày bạn trở thành chính họ. Hay nói theo câu nói của phương tây là “FAKE IT UNTIL YOU MAKE IT”, bạn hãy giả vờ là người mà bạn muốn trở thành, hành động như mình đã trở thành người đó cho đến khi bạn thực sự làm được những điều mà bạn mong muốn.
“Fake it, until you make it” chính là bí kíp để bạn tạo ra thói quen giúp bạn thực sự biến đối mình thành một con người mới với những năng lực mới.
Đừng chỉ mong ước nữa, hãy hành động, hành động mới giúp bạn có sự biến chuyển. Tạo ra từng bước đi nhỏ mỗi ngày, nhiều thay đổi nhỏ sẽ tạo ra biến chuyển lớn.
Chúc bạn thành công!
P.S. Bức hình minh họa là hình ảnh con trai tôi lúc 11 tháng tuổi, cu cậu chưa biết đi, nhưng bắt đầu chập chững tập đi những bước đi đầu đời của mình.
Sài Gòn, ngày 07 tháng 12 năm 2019