Đừng nên “quá tốt” với người khác

Trong cuộc đời tôi, tôi đã từng chứng kiến những người quá tốt lại gặp quá nhiều khổ sở, một người mẹ quá tốt lại gặp phải đứa con hoang đàng nghiện ngập, một người vợ quá tốt bị người chồng rẻ rúng. Một người sếp quá ư tốt bị nhân viên lấn lướt xem thường. Có phải cứ tốt với người khác, người ta sẽ tốt lại với mình? Có phải cứ yêu thương người khác người ta sẽ yêu thương mình? Có phải khi bạn cứ cho đi bạn sẽ được nhận về? Có phải khi bạn luôn tha thứ, thì người ta sẽ biết ơn bạn? Câu trả lời đương nhiên là không. Vậy tại sao bạn cứ cố trở thành người tốt, trong khi bạn phải luôn chịu thiệt?

Trong các mối quan hệ bạn bè và yêu đương, những người quá tốt thường là người chịu thiệt thòi bởi họ luôn đầu tư cho tình cảm mà không hề yêu cầu người khác phải thể hiện lại tình cảm của họ dành cho bạn. Bạn luôn mời người khác đi ăn trưa, dành trả tiền cho người ta, giúp đỡ người ta vô điều kiện. Người ta nhận những món quà của bạn, sự giúp đỡ của bạn, và cả tình cảm của bạn, mặc nhiên coi điều đó là miễn phí. Bản thân tôi cũng mắc những sai lầm y hệt, tôi thường làm tư vấn viên miễn phí cho rất nhiều người, bất kể khi nào họ khó khăn tôi đều có mặt, khi họ cần sự giúp đỡ tôi xuất hiện, nhưng sau đó, khi mọi người đã bình ổn, giải quyết xong sự vụ của mình, họ đều biến mất không một chút quan tâm tới nỗi lòng của con người đã phải rất quan tâm và đầu tư cho mình. Tôi thường hay tự nhủ, mình chỉ là cái thùng rác, khi người ta cần tới tôi, người ta sẽ tìm đến tôi, tâm sự nỗi niềm, chia sẻ khó khăn rồi xin lời khuyên. Càng đau khổ họ càng cần đến tôi, và tôi luôn cố gắng đễ hỗ trợ họ, đến khi họ giải quyết xong vấn đề của họ, thì họ biến mất không để lại dấu vết. Lúc đó, tôi lại thầm bảo, ừ cứ chờ xem, đến lúc gặp khó khăn lại xuất hiện cho coi. Thực ra “quá tốt” như tôi là sai, bởi tôi cho người ta cái cảm giác mọi thứ là miễn phí, tôi không cho họ biết rằng sự giúp đỡ quan tâm của tôi là có giá trị. Nếu bạn được ăn miễn phí, thì há cớ gì bạn phải trả tiền cho một buổi ăn miễn phí cơ chứ? Tôi và những người quá tốt đã không cho những người còn lại có cơ hội được đầu tư cho mối quan hệ của họ. Khi và chỉ khi bạn bỏ công sức, thời gian và tiền bạc để đầu tư cho một mối quan hệ, bạn mới thấy quý mối quan hệ đó. Nếu mọi thứ đều được cho không, biếu không, hiếm ai cảm thấy điều đó là quý giá. Đôi khi họ còn mong nhiều hơn. Hãy nhớ rằng, đừng làm mọi thứ vì người khác, hãy cho họ cơ hội được thể hiện sự quan tâm của họ đối với bạn, khi họ hành động vì bạn là họ có tình cảm với bạn. Nếu họ không có bất cứ sự quan tâm và không tốt với bạn, bạn chả có ý nghĩa gì đối với họ, nếu vậy, bạn tốt với họ để làm gì?

Khi bạn quá tốt và dễ dàng tha thứ cho lỗi lầm của người khác, bạn đang tạo cơ hội cho người khác đối xử không tốt với bạn. Nếu bạn hẹn bạn thân mình đi uống café, và năm lần bảy lượt bạn của bạn đều tới trễ, bạn luôn vui vẻ xuề xòa bỏ qua mọi chuyện, đến lần thứ tám người ta cũng sẽ đi trễ, bởi người ta cho rằng bạn chẳng sẽ giận đâu. Thực tế bạn giận, nhưng bạn không tỏ ra cho người ta biết, và bạn tự gặm nhấm cơn giận của chính mình. Người tốt bụng đều luôn mong chờ đến một ngày nào đó, sự đối tốt của mình sẽ được người khác ghi nhận, nhưng trên thực tế, họ quen với việc lợi dụng lòng tốt của người khác hơn là ghi nhận và đáp trả. Lấy ví dụ, tôi hay mua trái cây ở một cửa hàng quen, lúc đầu trái cây người ta chọn cho tôi rất tốt, sau đó, người ta bắt đầu lấy trái cây chin quá, hoặc sắp hỏng cho tôi. Đến hai ba lần như vậy thì tôi cảm thấy có vẻ mình bị lợi dụng, vì tôi luôn trả tiền không thắc mắc về giá và tôi luôn yêu cầu họ tự chọn hoa quả cho tôi. Tôi có thể quyết định chọn một cửa hàng khác, hoặc phản ứng cho họ biết, và tôi quyết định nói cho họ biết mong chờ của tôi dành cho họ và việc họ chọn hoa quả gần hỏng cho tôi, và tôi yêu cầu họ, nếu chuyện này xảy ra thêm một lần nữa, tôi sẽ đi mua ở một cửa hàng khác và không quay lại, từ đó trở đi, tôi luôn được ăn trái cây ngon. Câu chuyện ở đây khá rõ ràng, bạn không thể trông chờ người khác đối tốt với bạn nếu bạn chỉ tốt với họ, mà bạn phải nói rõ mong chờ của bạn và phải có biện pháp trừng phạt nếu người ta làm sai với mong chờ của bạn. Tốt không thôi không đủ bạn ạ.

Khi bạn làm người tốt, bạn có xu hướng luôn sẵn sàng để giúp đỡ bạn bè của bạn. Câu cửa miệng của bạn là, bất cứ khi nào bạn cần tôi sẽ xuất hiện. Thực tế, cái gì dễ đạt được thì giá trị của nó không cao. Sự giúp đỡ của bạn luôn dễ dàng đạt được, nên người ta không quý trọng sự hiện diện và giúp đỡ đó. Người ta sẽ không biết được giá trị của nó cho đến khi người ta mất nó. Những người tốt bụng luôn hiếm và đáng quý, tuy nhiên vì họ luôn chọn hy sinh vì người khác và giúp họ cảm thấy thoải mái. Họ nghĩ rằng đức hy sinh làm cho người khác quý trọng và tôn trọng mình. Tuy nhiên, họ lại tạo ra cảm giác ngược lại từ phía những người được giúp đỡ, đa phần họ đều coi sự xuất hiện và giúp đỡ của người tốt là đương nhiên, và coi rẻ giá trị của họ. Chúng ta đã chứng kiến biết bao bà mẹ thương con vô điều kiện khóc hết nước mắt bởi sự rẻ rúng của những đứa con bất hiếu dành cho cha mẹ chúng, khi cần chúng về nhà ăn, ngửa tay xin tiền và sau đó bỏ đi. Trong khi đó, những người được xem là là những người ích kỷ là được coi trọng hơn. Những người ích kỷ, khó chịu lại được người họ yêu quý van xin cầu lụy để được tình thương của họ. Thật nghịch lý đúng không, nhưng nó không nghịch lý, bởi hiếm mới quý. Sự yêu thương dù giá trị, nhưng hiện diện nhiều quá cũng chả còn giá trị trong mắt người khác.

Người quá tốt cũng dễ mắc phải một sai lầm cực kỳ lớn, đó là luôn nhận lỗi về phía mình. Người quá tốt là những người coi trọng các mối quan hệ, nên họ luôn sợ ảnh hưởng các mối quan hệ của họ với mọi người. Họ sợ người khác bị tổn thương, sợ hỏng các mối quan hệ, mà quên mất rằng người chịu thương tổn nhiều nhất là chính họ. Khi thấy có dấu hiệu rạn nứt, họ sẽ tự dằn vặt bản thân, và tự trách mình rằng họ chính là người gây ra mọi chuyện. Trên thực tế, các đối tác trong những mối quan hệ đó đâu quan tâm vì nếu quan tâm thì đã có hành động để cải thiện rồi. Bản thân họ chỉ tự làm khổ mình vì mọi thứ mà thôi. Đừng nên nhận những lỗi không thuộc về mình, những người quá tốt ạ.

Khi bạn quá tốt bụng, bạn còn bị người ta xem là người yếu đuối, bởi khi bạn quá tốt bụng, người ta sẽ xem đó là điểm yếu và cố tình lợi dụng bạn. Bạn nên nhớ rằng, không ai yêu thương bạn hơn chính bạn, nên đừng quá tốt với người khác, thay vào đó bạn phải nên yêu thương bản thân hơn.

Quá tốt bụng có thể khiến bạn chọn sai bạn của mình, bởi mật luôn thu hút ruồi nhặng, nên khả năng cao bạn sẽ có xu hướng kết bạn với phường thực dụng mà thôi, bởi bạn tốt và dễ dãi quá mà.

Sự quá tốt bụng của bạn cũng có thể tạo ra sự nghi ngờ từ mọi người, bởi người ta có thể nghĩ rằng, bạn tốt bởi có một mục đích gì đó đằng sau. Ví dụ như, bạn cho nhiều quá mà không mong nhận lại, người ta nghĩ rằng bạn đang mong nhận lại một điều gì đó còn lớn hơn nữa mà họ không biết.

Khi bạn quá tốt mà người ta không coi trọng bạn, bạn sẽ có xu hướng tự xỉ vả bản thân vì bạn không hiểu mình làm sai điều gì khiến cho bạn bị đối xử như vậy. Bạn sẽ cố gắng để còn tốt hơn nữa, nhưng những gì bạn nhận lại còn tệ hơn, bạn cảm giác mất phương hướng, không biết nên làm gì và thậm chí bạn còn cảm thấy kiệt sức, bởi bạn phải cố rất nhiều để cải thiện mối quan hệ mà bạn cảm thấy tình trạng nó rất xấu. Vấn đề đến từ việc bạn “quá tốt” và người ta không tôn trọng sự tốt của bạn, hãy dừng lại, hãy cho người ta có cơ hội thể hiện sự quan tâm của họ dành cho bạn.

Nếu bạn tốt, nhưng những người xung quanh bạn không trân trọng bạn, có thể bạn đang mắc phải căn bệnh “tốt quá”, bạn cần phải điều chỉnh và đừng để mình trở nên một kẻ ngốc trong mắt người khác. Những mối quan hệ bền vững cần sự đầu tư từ cả hai phía chứ không chỉ một mình bạn, đừng nuối tiếc khi phải hy sinh những mối quan hệ chỉ được xây dựng từ một phía, bởi bản thân mối quan hệ đó đã không vững vàng. Hãy minh triết trong những trường hợp như vậy bởi câu nói “cái gì quá đều không tốt” luôn đúng và nó thực sự đúng ngay cả với hai chữ “quá tốt”.

Còn đối với những người luôn “nhận” nhiều hơn “cho”, hãy nhớ trân trọng những gì bạn đang có, bởi khi người ta nhận ra bạn không xứng đáng, có thể bạn sẽ mất tất cả đấy.

Sài Gòn, ngày 13 tháng 12 năm 2019