Bậc thầy về cảm xúc

Ai sẽ là bậc thầy về cảm xúc? Là người giữ được bình tĩnh trong mọi chuyện, hay người có thể lay động được cảm xúc của mọi người? Các bạn cùng đọc một chuyện có thật mà tôi trải qua, và thử xem tôi vẽ chân dung bậc thầy về cảm xúc là người như thế nào nhé.

Câu chuyện kể về một chị chả cả lát. Gọi là bà chị, nhưng chị ấy hơn tôi một giáp, tức năm nay chị ấy đã 48 tuổi, có một đứa con trai đã đi làm được vài năm. Bà chị này thua lỗ nặng trong kinh doanh dẫn đến nợ gần hai tỷ đồng và sau khi bán hết đồ đạc để trả nợ nần, chị ấy còn nợ cỡ khoảng 500 triệu. Bây giờ, chị ấy chỉ có vài triệu làm vốn và ngồi bán cá lát ở lề đường cùng với bán tiêu, ví tinh, hành, tỏi. Chị ấy ngồi ở khu chợ căn cứ ở Gò Vấp. Mỗi ngày chị bán được vài trăm ngàn đến một triệu tiền cá lác, cứ đến chiều tối thì chủ nợ đến thu tiền, nên thường chị ấy về nhà trong tay đôi khi chỉ còn dăm bảy chục ngàn, hoặc tệ hơn, chị ấy không có đồng nào.

Bán bên cạnh chị ấy, là chị An, chị này trẻ hơn bà chị bán cá lác vài tuổi, có đứa con gái mới bắt đầu học đại học. Chị An là người cực kỳ chăm làm, chị lo cho gia đình và nuôi sống cả gia đình bằng nghề bán rau. Sáng bốn giờ sáng chị đã đi lên chợ, nhận rau và bán rau, đến hơn chín giờ tối chị mới về. Gốc gác của chị là người miền Tây, chân chất, chăm làm, chịu khó, và đặc biệt sống có đạo đức. Chị không bao giờ bán rau xấu hay hư cho bất cứ ai, chị ấy thà bỏ rau hư đi, chứ không bao giờ làm điều không phải với khác hàng. Chị luôn cố gắng giúp đỡ người khác. Chồng chị ấy chủ yếu lo phụ chị, đi chợ nấu ăn ở nhà. Sau gần mười lăm năm dành dụm, chị mới mua căn nhà 4 tỷ ở quận 12, chị ấy vẫn còn mắc nợ vài trăm triệu.

Gần chị An là chị Thu, chị Thu cũng là một người cực kỳ chăm chỉ, vừa bán gia vị, tạp hóa và bán các loại trứng. Chị ấy nuôi hai đứa con và một ông chồng nghiện rượu. Con của chị có một trai một gái. Ông chồng nát rượu không làm được gì, một mình chị quần quật lo cho tất cả. Chị Thu là Phật tử, nghe giảng kinh phật bằng điện thoại rất thường xuyên để tâm tĩnh và bớt không suy tư. Chị không thích những người lười biếng, không chăm chỉ làm việc, vì đối với chị cách duy nhất để vượt qua khó khăn là phải làm việc cực kỳ chăm chỉ. Chị ấy là người ốm, gò má cao, và có tính cách cực kỳ quyết đoán. Chị quê ở Lạng Sơn, trải qua thời niên thiếu ở miền Bắc vào thời kỳ Trung Quốc xâm lăng Việt Nam, nên chị quan tâm đến chính trị và thích bàn luận về chính trị. Tính chị rất thẳng thắn và có thiên kiến khá rõ về quan điểm chính trị, và chị có xu hướng phán xét người khác. Trong cách nhìn của chị, chị không thông cảm cho sự lười biếng và không có tính thủ tính.

Người thứ tư là tôi, may mắn sinh ra trong một gia đình trí thức, ba làm công chức từng là giảng viên đại học, mẹ buôn bán từng làm giáo viên dạy toán cấp 2. Tôi luôn được ba tôi chia sẻ về trách nhiệm của người đàn ông với gia đình và với đất nước, giấc mơ của cha tôi là giúp tỉnh mình quê mình giàu mạnh bằng cách cống hiến, thu hút đầu tư cho tỉnh nhà. Cha tôi luôn có một mục tiêu lớn, đó là thu hút đầu tư và nhờ đó cải thiện đời sống cho bà con sống ở khu vực được đầu tư. Mẹ tôi là một người sinh ra trong gia đình giàu có ở chế độ cũ, bà cực kỳ thương người và có tấm lòng nhân hậu. Mẹ tôi luôn cảm thông với hoàn cảnh của người khác, và bỏ qua những lỗi lầm của người khác, mẹ tôi là người nhân từ, có khả năng đồng cảm rất tốt. Ba tôi người làm ngành đối ngoại và xúc tiến đầu tư, ba mẹ tôi đều là những người có khả năng nói chuyện giỏi và đi vào lòng người. Nên tôi, là một người được sinh trong môi trường như đã nêu, có chút trí tuệ, có khả năng thấu cảm, phân tích và học được từ cha mẹ để biết cách cảm thông và giúp đỡ người khác. Quan điểm của tôi lúc đó là yêu thương chính là phương pháp hữu hiệu để tạo sự kết nối và giúp những người khốn khổ nhận được sự chia sẻ và nhờ đó mà có thể đứng lên, thay đổi cuộc sống.

Chị bán cá lác thường chào mời tôi mua cá, nhưng tôi lại ít khi mua cá lác. Tôi cũng nghe sơ qua về câu chuyện của chị nên rất thông cảm, có hôm thấy chị cứ mời thái quá, tôi bảo giờ đưa tiền trước mà mua cá sau được không? Bà chị ấy tỏ vẻ không tin, tôi bảo, em đưa chị vài trăm, mai mốt em lấy cá lại dần dần. Bà chị cá lác sau vài phút định thần, chực chờ như muốn khóc, bảo chị ấy vừa mới gọi điện cho thằng con trai xin mượn nó hai trăm trả nợ buổi chiều vì ế quá, mà nó nạt cho không ngất mặt lên được, còn tôi là một người lạ với bả lại giúp bả. Chị ấy vừa nói vừa rơm rớm nước nước mắt, và nhận số tiền mà tôi đưa. Sau đó tôi cũng mua cá của chị, rồi lại ứng tiền cho chị ấy mượn trước nhiều lần. Trong suy nghĩ của tôi, khi một con người đã đi đến đường cùng, chỉ cần ai đó đưa bàn tay giúp đỡ họ một chút thôi cũng đủ giúp họ có được hạt giống nghị lực tốt để vượt qua tất cả. Vài trăm ngàn của tôi không lớn đối với tôi, nhưng lớn đối với chị ấy, bởi tiền hàng mua cá của chị ấy trong một ngày chỉ là hai triệu mà thôi, đó là số vốn để một người ở chợ có thể cắm cái biển và kinh doanh một món hàng rồi đấy. Chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn mua tiêu đen, bỏ vào xay, chia thành các bao nhỏ đến bán cũng có thể kiếm tiền thu lấy lời mà nuôi thân rồi. Con người dù ham chơi, bài bạc đến mấy, đến đường cùng cũng nên có ai đó chìa bàn tay ra với họ, sau đó trò chuyện và giúp họ định hướng lại. Chứ nếu chỉ đặt câu hỏi – tại sao bà ấy lại có thể gây nợ lên đến cả hai tỷ đồng rồi ra như thế này, rõ ràng bà ấy là người không biết cân đối, có đưa bao nhiêu tiền cũng vậy, thì cơ hội ở đâu để người ta hồi phục?

Bà chị bán rau ở cạnh bên là chị An, như tôi chia sẽ ở trên là người cực kỳ chăm chỉ và giỏi, góc nhìn của chị ấy về chị bán cá lác hơi khác với tôi một tí, nhưng chị ấy cũng đã chìa bàn tay ra để giúp đỡ cho người ta. Bà chị cá lác bảo: “An nó tốt với tao lắm, nó cũng cho tao mượn tiền đậy, mà mày thấy đấy, nó cho mượn mà chả thèm đòi, ngồi ngay bên cạnh nó biết tao mua bán mỗi ngày được bao nhiêu tiền, nên nếu dư là biết ngay”. Có hôm chị An bảo với tôi “Mẹ bán các lác ấy, tính tình bộc trực, nhưng lười lắm em, lười thì không thể có tiền được, ra cơ cảnh thế này cũng phải thôi. Như chị đây này, không dám ăn gì đắt hơn ba mươi ngàn ở chợ này, sáng ra chợ từ bốn giờ sáng, tối chín giờ ba mươi mới đi về.”, trong góc nhìn của chị An, dù thông cảm, nhưng vẫn thấy rõ cái nhược điểm to đùng của người ta. Bà bán cá lác tính lởi xởi, bốp chát, nhưng không chăm chỉ như chị An, nên theo chị ấy, bà ấy sẽ không có được nhiều tiền để trả nợ, cái nợ nó sẽ chồng trên lưng như cái gánh nặng ngàn cân không bao giờ bỏ xuống được. Thực ra, bảo bà bán cá lác không chăm cũng không hẳn là đúng, bởi bà ấy cũng chịu khó lao động, chỉ là không chăm được như chị An thôi, lâu lâu lại lượn lờ chém gió với những người khác, trong khi chị ấy có thể tận dụng thời gian để làm việc khác và kiếm thêm tiền. Góc nhìn của chị An, không hoàn toàn giống góc nhìn của tôi, nhưng vẫn có sự cảm thông, và chị An vẫn chia sẻ chứ không chỉ phê phán chị bán cá lác.

Thái độ của chị Thu khác hẳn với những gì tôi mường tượng. Khi tôi buột miệng nói “khổ cho chị bán cá lác, chỉ cần mỗi hai triệu tiền cá thôi mà”, thì chị Thu tỏ vẻ không hài lòng và thì thầm nhỏ to với tôi, chị ấy bảo, ngữ ấy có nhét 2-3 tỷ vào cũng thế thôi, làm việc thì lười nhác lại không giữ chữ tín. Chị Thu cũng đã cho mượn tiền, giờ còn thiếu hai trăm ngàn mà lơ không thèm trả, nhìn mặt còn không dám nhìn. Thế mà tới cuối năm cuối tháng, vác cái mặt mo qua nhờ chị Thu đi vay nặng lãi giúp. Chị Thu bảo “tớ ấy à, tớ chả giúp được kiểu đó nhé, tiền nó mình còn chưa trả, thế mà nó còn bảo tớ đi giới thiệu cho nó vay, nếu nó chạy làng, chả phải là tớ gánh ư?”. Ở góc nhìn của chị Thu, một người trải qua biết bao nhiêu khó nhọc, phải tự mình bươn chải nuôi một người chồng và hai đứa con, chị ấy chúa ghét những người không đam mê lao động và không giữ chữ tín. Hình ảnh người chồng nhậu nhẹt bê tha và lười lao động có lẽ là điều nhức nhối nhất mà chị Thu đã và đang trải qua, chả thế mà hôm nào chị ấy cũng phải nghe kinh phật, nghe để thấy nhẹ lòng, nghe để có đức tin mà sống tiếp và nuôi nấng những đứa con của mình. Chị coi khinh chị bán cá lác, vì với chị, sống kiểu đó là không chấp nhận được.

Rõ ràng, cùng một sự vật, sự việc, cùng một con người, nhưng ba người chứng kiến có ba lối suy nghĩ khác nhau. Sự nhân từ của tôi và chị An đúng, hay sự phê phán của chị An và chị Thu đúng. Quyết định không chìa tay nữa chị Thu có hoàn toàn đúng không? Tôi nghĩ mãi nhưng không có câu trả lời chính xác, bởi nghĩ kỹ thì ai cũng đúng, ai cũng có lý lẽ của mình. Nếu không chìa bàn tay ra, và giúp họ thay đổi, liệu cái xã hội với vô vàn bẫy nợ này có thể giúp họ tự vượt qua không? Với chị An, chị ấy vẫn giúp nhưng chị ấy không tin chị bán cá lác sẽ sớm có kết quả tốt, bởi với chị ấy, chị cá lác là người chưa thực sự chăm chỉ để vượt qua khó khăn, nhưng chị ấy vẫn cảm thông và không đòi phần nợ mà chị ấy cho mượn. Khi nghe chị Thu, tôi thấy chị ấy có dấu hiệu muốn trừng phạt và không muốn chìa tay giúp đỡ. Con trai của chị bán cá lác thì sao? Tôi chưa từng thấy cậu ấy xuất hiện, và chị bán cá lác luôn lũi thũi, cái thân hình to – mập – đậm của chị, cái khuôn mặt béo nhưng thể hiện cái bản tính xởi lởi, to mồm nhưng mau nước mắt của chị. Con của ấy nghĩ gì về chị ấy, chồng chị ấy thì thế nào. Ai là người suy nghĩ đúng đắn nhất? Có lẽ ai cũng có điểm đúng của họ cả.

Bản thân của chị bán cá lác, chị ấy sẽ nghĩ như thế nào về mình và về hoàn cảnh của mình. Những lần chị khóc đẫm nước mắt ắt hẳn là nước mắt thật, mà nhờ khóc như vậy chị mới sống tiếp thoải mái được. Chị đang có cảm xúc gì trong đầu khi mỗi ngày đều trải qua với mô típ như nhau, từ sáng đến chiều bán được ít tiền, tới tối, chủ nợ chực một bên để lấy hết, và lại phải đi về nhà với bình xăng cạn. Có bận chị ấy về nhà không xu dính túi, xăng cạn, đứng chết máy giữa được, chị ấy được người ta đẩy đi một đoạn, rồi còn dúi tiền cho chị vì họ biết chị hết xăng mà sao không thấy chị ghé vào tiệm xăng đổ xăng. Chị vừa kể vừa khóc, và cho biết chị không nhận số tiền đó, vì cái em phụ chị chỉ là sinh viên, rồi còn bảo “nó cực hơn mình”.

Tự nhiên, đến lúc đó, tôi nghĩ về hình ảnh của bậc thầy của cảm xúc, một người mà tôi chưa từng mường tượng ra họ sẽ như thế nào. Nhưng qua câu chuyện này, tôi chợt nghĩ ra, bậc thầy cảm xúc không nên là người chỉ biết đến suy nghĩ của chính mình, bởi mỗi con người được sinh ra trong một hoàn cảnh khác nhau, thế nên họ sẽ có hệ thống giá trị đạo đức và quan điểm sống khác nhau, nên cùng một sự vật sự việc mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau. Giả sử có một cặp đôi không hòa thuận với nhau, bản thân người trong cuộc sẽ có cảm xúc khác, người thân sẽ có cảm xúc khác hẳn, và bạn bè mỗi người một suy nghĩ, thế nên một người bậc thầy về cảm xúc nên là người có thể nhìn thấu cảm xúc của những người khác nhau trong cùng một câu chuyện, bậc thầy cảm xúc là người đặt cái tôi của mình qua một bên, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và nhờ đó thấu hiểu cảm xúc của họ. Bậc thầy cảm xúc không ngạc nhiên, phê phán, chê trách hay đề cao suy nghĩ của một người, bởi mỗi người có một xuất phát điểm và hoàn cảnh, việc của bậc thầy cảm xúc là cảm nhận và nếu cần sẽ giúp người ta định hướng để tìm lối đi nếu cảm xúc của họ dẫn đệ hệ quả tiêu cực (ví dụ như cuộc sống bế tắc).

Bậc thầy cảm xúc tuy khó tìm, nhưng vẫn hiện hữu ở đâu đó, và nếu như một ngày nào đó lúc đang gặp khó mà bạn lại may mắn gặp được họ, biết đâu đấy bạn sẽ tìm được một lối ra. Nhưng bạn đừng quên, nếu nhận vật bậc thầy cảm xúc có hiện hữu trên cõi đời này, có nghĩa là bạn cũng có thể luyện tập để mình trở thành một trong số họ.

Sài Gòn, ngày 16 tháng 12 năm 2019