Làm cha làm mẹ, ai cũng mong con cái của mình là những đứa trẻ ngoan, có điều, chúng ta không biết được rằng, đôi khi, ẩn giấu sau sự ngoan ngoãn là một khiếm khuyết có thể khiến cho con trẻ có một cuộc đời khốn khổ sau này.
Làm cha mẹ, chúng ta luôn muốn điều tốt nhất cho con cái của mình. Chúng ta chọn mua thức ăn ngon, chọn áo quần cho con mang, đi ra tiệm chúng ta chọn thứ tốt nhất trong khả năng chúng ta có để mua cho con cái. Tuy nhiên, ít khi chúng ta hỏi chúng về những thứ mà chúng thực sự muốn là gì.
Nói thẳng thớm ra, đó là sự áp đặt. Chúng ta áp đặt suy nghĩ của chúng ta lên đầu lũ trẻ. Chúng ta là những người lớn trải qua biết bao nhiêu biến cố mới đạt đến được trạng thái ngày hôm nay, nên chúng ta cho mình cái đặc quyền là luôn đúng và luôn ra những quyết định hợp lý, còn lũ trẻ thì không.
Tôi vẫn nhớ như in, cái ngày tôi đi về nhà và thấy trong đó một chiếc xe máy mới cáu nằm ở góc nhà và tôi biết đó là chiếc xe quà tặng dành cho tôi sau một năm tôi đậu đại học. Tôi không có nhiều cảm xúc với chiếc xe đó lắm ngoài một suy nghĩ thoáng qua: phải chi mình được ba mẹ dẫn đi chọn chiếc xe mình muốn mua nhỉ. Và sau đó tôi để đấy hai tháng trời cho đến ngày tôi lấy được giấy phép lái xe, tôi thậm chí còn không thử dắt chiếc xe ra khỏi nhà. Cuộc sống của tôi luôn đủ đầy, cha mẹ tôi luôn yêu thương tôi, nhưng có lẽ tôi thiếu một thứ mà những đứa trẻ Việt Nam luôn thiếu, đó là cơ hội được thảo luận và được ra quyết định về những điều tôi thực sự muốn.
Những lựa chọn mà cha mẹ dành cho con cái thường đúng và hợp lý trong ngữ cảnh là điều họ sắp đặt luôn vì muốn tốt đẹp cho con cái. Nhưng họ không ngờ rằng, họ đang tước đi một đặc quyền mà con cái họ nên có, đó là quyền được chọn lựa và hơn hết, con cái họ phải có cơ hội được vấp ngã, chỉ có vấp ngã mới tạo nên sự trưởng thành.
Là cha mẹ, chúng ta nên để cho con cái của chúng ta được phép mạo hiểm, được phép sai, và tự mình đứng dậy.
Là cha mẹ, chúng ta phải chấp nhận việc con cái của chúng ta sẽ “hư hỏng”, sẽ cứng đầu, ương bướng và bất trị.
Nếu con cái chúng ta không có cái dũng khí để cứng đầu, để “hư hỏng”, chúng ta phải khuyến khích con cái chúng ta cứ sai đi vì đời cho phép.
Là cha mẹ, chúng ta đừng tạo ra môi trường vô nhiễm, mà hãy đặt con cái chúng ta vào môi trường có ít nhiều rủi ro để cho chúng lớn lên.
Là cha mẹ, chúng ta đừng lấy tình yêu thương để tạo áp lực và là cái lồng để nhốt con cái vào trong đó.
Khi thấy con mình quá ngoan ngoãn, bạn phải biết giật mình để xem lại mình và thay đổi.
Bởi nếu không, con của bạn mãi luôn là những đứa trẻ luôn cố gắng ép mình để làm vừa lòng tất cả những người khác. Con cái của bạn sẽ luôn cố gắng để “fit in” (hòa hợp) mà không bao giờ dám nói lên đều chúng thực sự muốn. Con cái của bạn sẽ luôn chìm nghỉm trong những nỗi đau, và không bao giờ thoát ra nổi, bởi chúng thà hy sinh tính mạng của mình còn hơn làm đau người khác. Chúng mắc kẹt giữa những mối quan hệ và giữa những người mà chúng yêu thương, đến lúc đó, cho dù bạn có bảo chúng hãy mạnh mẽ lên để ra một quyết định đau đớn đi nữa, chúng cũng khó lòng mà thực hiện được. Con cái của bạn chỉ có thể làm được điều đó khi tình yêu bản thân của chúng đủ lớn và lớn hơn những thứ còn lại.
Bạn sẽ nghĩ rằng, ai lại không yêu bản thân mình nhất cơ chứ? Nhưng bạn nhầm rồi, có khi bạn đã giáo dục con mình phải hy sinh vì người khác đến độ chúng quên mất bản thân đấy!
Hãy dừng lại khi còn có thể!
Sài Gòn, ngày 16 tháng 01 năm 2020