Dũng khí để có được hạnh phúc

Vào dịp lễ tết, sinh nhật, người ta thường chúc nhau sức khỏe, giàu có và hạnh phúc. Sức khỏe về mặt vật lý thì ai cũng biết, chúc giàu nghĩa là chúc nhiều tiền, còn chúc hạnh phúc có thể hiểu là người ta chúc người khác có cảm giác đủ đầy, vui vẻ, hài lòng với cuộc sống của mình, khi thực sự cảm thấy hài lòng, người mới có cảm giác hạnh phúc.

Như vậy, hạnh phúc là một cảm giác mà con người muốn đạt tới được, bên cạnh hạnh phúc người ta còn có thể có cảm giác ghen tị, đau khổ, thất vọng, khao khát… Hạnh phúc chỉ là một trạng thái cảm xúc. Nếu bạn buồn, bạn không thể hạnh phúc. Nếu bạn ghen tị với ai đó, bạn cũng sẽ không cảm thấy hạnh phúc. Nếu bạn đau khổ, làm sao có thể hạnh phúc. Nếu thất vọng về cuộc sống hoặc bạn đời, hạnh phúc cũng là điều xa vời. Nếu chưa hài lòng về tiền tài, bạn cũng chả có hạnh phúc nốt. Xem ra hạnh phúc giống như cái bóng của chúng ta, có đôi khi ta lao về phía trước, bóng ở phía sau, có đôi khi bóng đổ về phía trước, thấy đó, nhưng không chạm tới được. Có khi nào chúng ta đang “thả mồi bắt bóng không?”

Nhưng nếu bạn nghĩ thật kỹ, nếu hạnh phúc chỉ là một cảm giác, chúng ta hoàn toàn có thể hạnh phúc lắm chứ. Khi còn là trẻ con, bạn luôn có thể có cảm giác vui vẻ và hạnh phúc. Đến khi lớn lên, bao nhiêu nỗi lo toan, buồn khổ, làm cho bạn ít đi cảm giác hạnh phúc. Bớt lo, bớt buồn, bớt tham, khả năng cao là cảm giác hạnh phúc sẽ đến với bạn. Nói dễ, làm mới thật khó, bởi làm sao bớt đi nổi lo cơm – áo – gạo tiền. Kể cả khi bạn có lương tiền nhiều, bạn sẽ phải lo lắng tới khả năng thất nghiệp, nếu thất nghiệp, tiền đâu nuôi con. Hoặc khi đói, bạn mơ đủ ăn, đến khi có đủ ăn, bạn lại mơ có cái nhà, khi có cái nhà, bạn mơ có chiếc xe, khi có xe ô tô, bạn lại mơ nâng cấp nhà xe cho mọi người có cuộc sống tiện lợi và hạnh phúc hơn. Hay nói cách khác, trong lòng mọi người, luôn mong muốn có được nhiều hơn và ít khi hài lòng với thứ họ đang có. Đó là động lực giúp mọi người tiến tới, nhưng nó cũng là thứ làm cho người ta không thể an yên với hiện tại được.

Điểm thứ hai khiến bạn khó hạnh phúc, đó là bạn luôn muốn làm hài lòng người xung quanh. Giả sử mẹ bạn là người phải quán xuyến gia đình, chăm lo cho cả nhà, bà luôn phải lo chuyện tiền bạc, lao động cật lực, làm việc từ sáng tinh mơ đến tối mịt, chăm chỉ nhưng chưa bao giờ thấy bà bớt căng thẳng, bởi bà là người tạo ra nguồn thu chính trong nhà và mọi người đều dựa vào bà. Bạn thấy bạn có trách nhiệm phải giúp đỡ và phụ mẹ bạn, và bạn cố gắng làm điều đó, nhiều khi bạn muốn xả hơi, muốn vui, nhưng bạn không thể. Nhiều khi bạn muốn mang chiếc áo đẹp, nhưng nhìn mẹ bạn cần kiệm từng xu một, bạn không dám khoe chiếc áo mới mua. Bạn vì mẹ bạn mà điều chỉnh hành vi, dù cảm thấy điều đó là đúng, nhưng bạn không vui hoàn toàn, vì bạn không phải là bạn. Có đôi khi bạn muốn bung lụa, muốn sống giống cá tính của mình, nhưng bạn cảm thấy làm vậy là phụ lòng mẹ cha, bạn kìm nén cái tôi, và cảm thấy đau khổ, vậy là bạn luôn trăn trở băn khoăn, bạn không cảm thấy hạnh phúc.

Có khi bạn là người quán xuyến cả gia đình, nhưng bạn lại muốn được làm điều mình thích, có thể được thoải mái đi học piano, đi chơi cầu lông, và bạn lại không thể làm điều đó vì bạn cho rằng không có đủ thời gian, và như vậy là lãng phí tiền bạc trong khi gia đình và vợ con đều cần. Và vì vậy bạn không thể có cảm giác hạnh phúc.

Ở môi trường công sở, bạn có những thành công nhất định, nhưng bạn không dám thể hiện vì sợ sự ghen tị của đồng nghiệp. Có thể bạn muốn thể hiện cá tính của mình, ví dụ như bạn là đàn ông nhưng bạn hơi bánh bèo chẳng hạn. Hoặc bạn là lập trình viên nhưng lại lãng mạn và thích chụp hình chẳng hạn. Bạn sợ bị đánh giá vì điều đó, bởi mọi người có thể sẽ nghĩ rằng, bạn không thực sự chuyên tâm cho công việc. Cảm giác hạnh phúc cũng không đến với bạn.

Nếu tôi nói rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mức nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể đạt được cảm giác hạnh phúc, bạn có tin vào điều đó không?

Sự thực, hạnh phúc chỉ là cảm giác, và nếu chúng ta có thể tạo ra được những khoảng không – thời gian ngắn thực sự rũ bỏ mọi âu lo, phiền muộn, mọi sự đánh giá của người khác, để tập trung thời gian dành cho chính mình, được là chính mình bạn sẽ thấy hạnh phúc.

Tôi là một người đàn ông của gia đình, tôi dành hầu hết thời gian cho gia đình và công việc, nhưng tôi vẫn tạo ra những khoảng thời gian cho riêng mình để mình được làm điều mình thích và như vậy tôi mới có cảm giác thoải mái và hạnh phúc. Tôi hạnh phúc khi được làm công việc sáng tạo như viết, chụp ảnh, tạo ra khóa học, vì thế, tôi luôn dành thời gian buổi khuya để làm việc mình thích, chẳng hạn tôi bắt đầu viết bài viết này từ 12:30 đêm và đến lúc này là 1:30 sáng, tôi vẫn viết cho mình và tôi thấy vui. Tạo được những khoảng thời gian ngắn, gạt bỏ tất cả âu lo, làm điều mình muốn làm, sẽ cho ta cảm giác được sống, và sau đó, chúng ta lại có thể làm những việc khác (vì trách nhiệm, vì cuộc sống) và sẽ tạo cho mình khoảng thời gian để mình được chính là mình.

Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng bạn không có đủ thời gian, hoặc không đủ tiền bạc để có thể làm điều bạn muốn làm, bởi đó chỉ là một sự bao biện mà thôi. Nếu muốn làm, chúng ta sẽ có cách để làm được. Nếu bạn làm ra cả mớ tiền, nhưng bạn chỉ dành tiền đó cho gia đình, không mua được cho mình một chiếc xe máy đủ tốt để đi, bạn cảm thấy bạn có đức hy sinh cao cả, nhưng trong tâm lại dằn vặt bởi mình không làm được điều mình muốn. Để giải quyết vấn đề này, bạn cần định nghĩa như thế nào là “vừa đủ”. Lo lắng cho mọi người như thế nào là vừa đủ? Thõa mãn nhu cầu của bản thân như thế nào là vừa đủ? Sống phóng túng như thế nào là vừa đủ? Sáng tạo như thế nào là vừa đủ để cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Khi bạn đã định nghĩa được những câu hỏi vừa đủ, bạn sẽ biết tiết chế, vừa làm được những điều bạn mong đợi trong khả năng của bạn, nhưng không làm ảnh hưởng đến các giá trị khác.

Hãy suy  nghĩ đến những gì có ý nghĩa với bạn, và hãy đầu tư cho nó, nhưng đừng quên hai chữ “cân bằng”, bởi cái gì quá đều không tốt. Hy sinh quá vì người khác là không tốt, nhưng ích kỷ quá không vì ai cũng không tốt, nên phải cân bằng giữa hai thứ đó, vừa yêu bản thân vừa sống tốt cho người khác. “Vừa đủ” và không thái quá.

Một điều nữa, để hạnh phúc và hài lòng với mọi quyết định của mình, bạn phải đặt trách nhiệm của bản thân cho những điều bạn đã chọn lựa. Nếu bạn chọn ở nhà phụ giúp gia đình vào dịp Tết thay vì đi chơi, đó là sự lựa chọn của bạn vì gia đình, nhưng nếu bạn thấy không vui, bạn hãy điều chỉnh lựa chọn của mình cho lần tới, nhưng đó là lựa chọn của bạn chứ không phải gia đình lựa chọn cho bạn, như vậy bạn sẽ không cảm thấy bị ép, và bạn sẽ cảm thấy vui với việc mình làm. Khi bạn cảm thấy được sự chủ động chính bạn cho cuộc sống của bạn, bạn sẽ gần với cảm giác hạnh phúc hơn đấy.

Muốn có hạnh phúc bạn phải có dũng khí để nhìn lại bản thân, có dũng khí để tự mình ra quyết định phù hợp với mong đợi của bản thân và phải hài lòng với quyết định cuối cùng của mình. Hơn thế nữa, bạn phải có đủ dũng khí để tạo ra không gian thời gian để có thể làm được những điều bạn thực sự muốn làm. Dũng cảm chọn lựa, dũng cảm hành động, sau đó dũng cảm chấp nhận sai sót của mình và tự điều chỉnh. Cảm giác hạnh phúc tự nó sẽ tới.

Hạnh phúc tốt nhất đến từ bên trong bạn, hơn là đến từ bên ngoài!

Chúc bạn thường xuyên có được cảm giác hạnh phúc!

Sài Gòn, ngày 06 tháng 02 năm 2020