Đại dịch virus Covid-19 ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào

Chủng virus Corona mới (Covid-19) đang lây lan với tốc độ chóng mặt trên toàn cầu, và nó đang ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe của con người và đến cả kinh tế trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Thế nhưng, sự ảnh hưởng của nó sẽ như thế nào? Tôi xin mạn phép chia sẽ một vài suy nghĩ của mình để bạn đọc cùng suy ngẫm nhé.

_01
Phân bổ dịch ở Châu Á Thái Bình Dương, tính tới ngày 25 tháng 03. Nguồn: theguardian.com
_02
Phân bổ dịch ở Châu Âu, và các khu vực lân cận tính tới ngày 25 tháng 03. Nguồn: theguardian.com
_05
Tình hình dịch Covid-19, cập nhật bởi báo Tuổi Trẻ đến ngày 24 tháng 03 năm 2020
_03
Tốc độ bùng phát số ca nhiễm của dịch Covid-19 trên toàn cầu tính đến ngày 23 tháng 03, nguồn TheGuardian.com
_04
Số ca tử vong của dịch Covid-19 trên toàn cầu đến ngày 23 tháng 03, nguồn TheGuardian.com

Khi một đại dịch lan nhanh, sức khỏe con người bị ảnh hưởng là chuyện ai cũng thấy, có thể có rất nhiều người bị bệnh không qua khỏi, nhưng cơn đại dịch này còn để lại ảnh hưởng lâu dài về mặt tâm lý đối với mọi người, cho dù dịch bệnh có qua đi, ảnh hưởng của nó đến tâm lý sẽ kéo dài nhiều năm. Trong gần một thế kỷ qua, con người chưa từng chứng kiến một đại dịch lan rộng với tốc độ chóng mặt và làm nhiều người chết đến như vậy. Dù tỉ lệ chết không quá cao, nhưng nó tốc độ lan nhanh khiến cho con người sẽ khủng hoảng tâm lý trầm trọng và sẽ để lại nhiều vết thương tâm lý lâu dài cho loài người trên toàn cầu trong một khoảng thời gian tối thiểu là 5 năm.

Kinh tế toàn cầu đi xuống, và sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga

Nếu nhìn vào tình hình dịch bệnh trên toàn cầu, chúng ta thấy dịch đang lan với tốc độ cực nhanh đối với các nước phát triển (hơn là các nước đang phát triển). Một trong những lý do khiến cho các nước phát triển trở nên dễ tổn thương hơn so với các nước đang phát triển đó là do dân số già và người dân các nước phát triển tỏa ra khắp thế giới để giao thương, và khi có dịch bệnh họ quay trở về quốc tổ để tránh dịch bệnh và trở thành nguồn lây bệnh cho chính người dân đất nước của họ. Các ngành vận tải xuyên lục địa như hàng không và tàu thủy đã làm tốc độ lây lan của bệnh dịch trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết.

Điều đầu tiên khiến cho các quốc gia Tây Phương trở nên yếu ớt trước bệnh dịch đó là thái độ coi thường Trung Quốc vì cho rằng họ yếu kém trong công tác phòng dịch, trên thực tế, Trung Quốc cho thấy họ cực kỳ cứng rắn và làm hết mọi thứ có thể để dập dịch được một cách nhanh chóng. Một tỉnh Hồ Bắc với hơn 60 triệu dân và 80.000 ca bị nhiễm virus giờ đã được khống chế, chỉ 3000 chết, trong khi đó một nước Ý với dân số tương tự đã chứng kiến 6000 ngàn người chết và con số tử vong cũng như lây lan sẽ còn tăng chứ không chỉ là 60.000 ca như tình hình trong ngày hôm nay. Nước Mỹ đã chủ quan trong khi người Mỹ có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, và chỉ trong vài tuần, nước Mỹ đã có hơn 40.000 ca bệnh và hơn 500 ca tử vong. Khi Vũ Hán bị dịch bệnh, cả thế giới chỉ bàn tán về khủng hoảng nhân quyền ở Vũ Hán hơn chính dịch bênh đang xảy ra ở đó, đến khi có đủ bằng chứng về việc lây lan từ người sang người, các chính phủ vẫn chưa có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn nguồn lây, và kết quả là cả thế giới các nước phát triển phải chịu một cú sốc lớn chưa từng có trong vòng mấy chục năm qua.

Sự chủ quan này khiến cho lục địa già (Châu Âu) bị ảnh hưởng trầm trọng, và vì họ và Mỹ là những đầu tàu kinh tế của thế giới, nên sự đình trệ về mặt kinh tế lẫn nỗi sợ hãi của người dân sẽ khiến cho nền kinh tế Châu Âu có thể sẽ bị trượt dài không phanh trong năm nay và năm tới. Tâm lý sợ hãi khiến cho người dân châu Âu sẽ ngừng tiêu dùng và hạn chế đi lại trong vài năm, và điều đó khiến cho châu Âu trở nên yếu ớt hơn. Trong khi đó, Trung Quốc đã khống chế được dịch và có cơ hội phục hồi nhanh sau dịch bệnh, họ có một hơn một tỷ dân chỉ với hơn 80.000 ca bệnh, nghĩa là họ đã dập dịch rất thành công, và họ có đầy đủ điều kiện để vận hành một nền kinh tế giao thương ngay trong đất nước họ mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi các lệnh bế quan tỏa cảng. Dù Trung Quốc là một nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và ít nhiều ảnh hưởng bởi Mỹ, nhưng bản thân họ là một thị trường rất lớn mà các nước Tây Âu đều muốn chinh phục, nhưng sự tạm ngừng giao thương (do đóng biên giới) là cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc tự phục vụ cho thị trường của họ và tranh thủ để phát triển trong sự hoảng loạn của thế giới Tây phương.

Các nước Tây Phương và Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn về cả chính trị và kinh tế do sự phản ứng tương đối chậm trễ với dịch bệnh. Niềm tin vào chính phủ sẽ bị suy giảm khiến cho các chính sách về kinh tế sẽ không được ủng hộ như trước đây. Căn dịch bệnh này có thể sẽ là một cú hích khiến cho một Châu Âu không biên giới sẽ bị phân rã, bởi có lẽ Châu Âu đã không lường trước được việc dịch bệnh lan nhanh như thế nào nếu không có rào cản là biên giới giữa các nước bên trong cộng đồng chung Châu Âu. Để ngăn cản sự lây lan của dịch và kể cả khi đã khống chế được dịch, các nước châu Âu đều phải thắt chặt kiểm tra ở biên giới và làm giảm giao thương cho chính Châu Âu.

Nước Mỹ là nước chưa từng trải qua bất kỳ cuộc chiến nào trên đất Mỹ sẽ lần đầu nếm mùi thất bại trên chính đất nước của mình bởi một địch thủ vô hình và bởi một kẻ thù có tên là Chinese virus. Người Mỹ vốn là những người bất bại sẽ có cảm giác yếu đuối và dễ tổn thương, một thứ cảm giác không hề dễ có ở người Mỹ ngoại trừ ảnh hưởng từ sự cố 11 tháng 09. Khi người dân ở các nước phát triển không còn cảm thấy họ thực sự mạnh mẽ nhưng họ nghĩ, đó cũng là lúc người dân ở các nước đang phát triển nhận ra họ không yếu ớt như họ nghĩ, và niềm tin của họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ, cơn dịch bệnh này sẽ góp phần cho cán cân quyền lực trên thế giới trở nên cân bằng hơn, khi mà các nước Tây Âu bị chìm vào trong cơn khủng hoảng của chính mình. Nước Nga, ở bên cạnh Châu Âu, nhưng với những chính sách quyết liệt của Putin sẽ giúp dịch bệnh không lan nhanh ở Nga, và sẽ giúp nước Nga có cơ hội trở nên mạnh mẽ hơn. Bao giờ cũng vậy, trong khủng hoảng luôn xuất hiện cơ hội, quan trọng là người ta có đủ bình tĩnh để chớp lấy cơ hội hay không.

Năm 2020 và 2021 sẽ là hai năm chúng ta chứng kiến sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Các ngành dịch vụ và CNTT sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất, bởi khi xảy ra khủng hoảng, người ta sẽ thắt chặt hầu bao và ngại ngần đầu tư vào các các nghành dịch vụ. Ngành CNTT phát triển nhanh chóng trong mấy năm nay bởi tâm lý lạc quan của giới tài chính, vì họ muốn thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đi xuống, các doanh nghiệp sẽ tìm cách cắt giảm chi tiêu và tập trung vào các dịch vụ cốt lõi, các khoản đầu tư cho CNTT sẽ bị suy giảm, khiến cho thị trường việc làm ngành CNTT sẽ chao đảo trong ít nhất hai năm. Các ngành dịch vụ như du lịch, hàng tiêu dùng bị ảnh hưởng là đương nhiên, nhưng ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng lâu dài. Loài người sẽ có xu hướng tích lũy và hạn chế đi lại để phòng ngừa rủi ro, và đó cũng sẽ là lý do tạo ra sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu trong vài năm tới.

Dịch bệnh sẽ tạo ra những thay đổi về chính sách và quy hoạch trên toàn cầu

Căn dịch bệnh này cũng cho thấy sự hạn chế của các siêu độ thị nếu xảy ra dịch bệnh hoặc bị tấn công bởi vũ khí sinh học. Nó có thể khởi đầu cho nhiều sự thay đổi mang tính cách mạng đối với các nước, thay vì tập trung người vào những đô thị lớn, người ta sẽ tìm cách giãn dân ra các khu đô thị vệ tinh và các chính phủ sẽ xây dựng phương án để có thể nhanh chóng cách ly cục bộ các khu đô thị để ngăn chặn các dịch bệnh có khả năng lây lan trong tương lai.

Các chính sách về giới hạn đi lại sẽ không được gỡ bỏ một cách nhanh chóng mà sẽ được nới lỏng từ từ. Bởi theo tôi, dịch bệnh này là không thể tránh khỏi, các quốc gia cần kéo dài thời gian để tìm ra cách điều trị hữu hiệu và giảm thời gian điều trị để giảm sức ép lên hệ thống y tế vốn không được chuẩn bị cho các tình huống thảm họa như thế này. Khi các biên giới bị đóng kín, giao thương suy giảm, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng khá trầm trọng, các doanh nghiệp sẽ bị lao đao và có thể nói đây là một đợt sàng lọc tự nhiên lớn nhất đối với các nền kinh tế, và chúng ta sẽ chứng kiến sự ra đi hàng loạt của các công ty nhỏ và yếu về mặt tài chính. Sa thải cũng sẽ là điệp khúc mà chúng ta sẽ thấy nhiều trên mặt báo của năm 2020 và 2021 bởi ngành dịch vụ sẽ bị tổn thất nặng nề và việc sa thải số lượng lớn là điều không thể tránh khỏi. Khi ngành dịch vụ bị suy giảm, các ngành nghề khác cũng vì thế mà lao đao. Tôi chỉ hy vọng rằng các chính phủ sẽ khuyến khích người dân tiêu dùng thay vì thắt lưng buộc bụng, bởi các nền kinh tế đều dựa vào niềm tin của người tiêu dùng mà phát triển. Khi người tiêu dùng cảm thấy bất an và thiếu niềm tin, mọi nền kinh tế đều sẽ lao đao.

Các chính phủ trên toàn thế giới sẽ thiết lập lực lượng phản ứng nhanh với các tình huống khủng hoảng y tế toàn cầu. Nỗi lo sợ chiến tranh thế giới sẽ được thay thế bằng nỗi lo sợ dịch bệnh. Khi các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhau, nguy cơ chiến tranh thế giới sẽ không cao bằng nguy cơ dịch bệnh lây lan. Quân đội các nước sẽ được chuẩn bị cho những kịch bản khủng hoảng tương tự. Chúng ta có thể thấy cách mà Việt Nam huy động quân đội trong các tình huống khủng hoảng, và nó thực sự hiệu quả, thế nên, các nước cũng sẽ có chính sách tương tự.

Năm 2021 sẽ là năm mà các ngành liên quan đến tâm lý trị liệu sẽ phát triển mạnh mẽ. Tâm lý sợ hãi sẽ kéo dài, thế nên việc điều trị các sang chấn về mặt tâm lý là điều cần thiết. Năm 2021 cũng sẽ là năm mà ngành âm nhạc sẽ phát triển mạnh, bởi khi người ta lao đao về tâm lý, âm nhạc có lẽ là liều thuốc hữu hiệu để giúp mọi người được an ủi và phục hồi.

Các chính trị gia với tính cách mạnh mẽ, có những chính sách quyết đoán và nhanh chóng sẽ được yêu thích trong thời gian sắp tới. Điều đó cũng có nghĩa chúng ta sẽ thấy một thế giới có thể có nhiều mâu thuẫn hơn trong tương lai.

Đại dịch Covid-19 không phải là khủng hoảng nghiêm trọng, nó chỉ là liều thuốc thử với loại người mà thôi

Đại dịch Covid-19 không phải là khủng hoảng nghiêm trọng, nó chỉ là liều thuốc thử với loại người để chúng ta có biện pháp hữu hiệu để đối phó với các khủng hoảng lớn hơn trong tương lai. Bởi nếu nhìn kỹ, chúng ta có thể thấy rằng, Covid-19 không thực sự tạo gây ra thảm họa nhân đạo, về cơ bản, Covid-19 là dịch bệnh có thể dập tắt được nếu các chính phủ và người dân thực sự nghiêm túc trong việc phòng dịch. Hơn nữa, với tỷ lệ chết cỡ khoảng 5%, và đa phần người chết là người lớn tuổi đã có bệnh lý nền, thì đây không phải là một thứ dịch bệnh có thể làm loài người tiêu vong, mà nó chỉ là hồi chuông cảnh báo với con người về những tác hại mà con người gây ra với thiên nhiên có thể mang lại những dịch bệnh không mong muốn. Nguy cơ về những đại dịch bệnh chưa bao giờ hết, thế nên loài người cần phải nghiêm túc có những đối sách phù hợp.

Khi phải sống trong một thế giới bất toàn, chúng ta mới cảm nhận được sức mạnh của chính mình, của sự đoàn kết của con người với nhau. Và như câu nói “What doesn’t kill you make you stronger” (cái gì không giết chết bạn thì sẽ làm bạn trở nên mạnh mẽ hơn), chúng ta có thể tự tin rằng loài người sẽ đối phó tốt hơn với những nguy cơ dịch bệnh trong tương lai. Và nền kinh tế dù có suy giảm trong một hai năm tới, nhưng sẽ phục hồi nhanh sau cơn suy thoái. Chúng ta vẫn có thể hoàn toàn lạc quan về một tương lai sáng sủa. Liều thuốc thử này sẽ giúp cho người dân biết được chính phủ của họ đã thực sự sẵn sàng với khủng hoảng hay chưa. Một năm 2020 khởi đầu với một dịch bệnh lớn có lẽ cũng không hẳn là điều quá tệ.

Mong cho dịch bệnh sẽ qua mau!

Sài Gòn, ngày 25 tháng 03 năm 2020