Donald Trump luôn là một vị tổng thống gây tranh cãi, và ông càng trông có vẻ mất nhân tính hơn khi bỏ qua các cảnh báo của giới chức y tế khi muốn mở cửa thông thương trở lại sau lễ phục sinh, tức là đầu tháng bốn. Sau đó Trump ký một sắc lệnh giải ngân đến 2000 tỷ để cứu trợ nên kinh tế, và vì sao ông và cả nước Mỹ ra quyết định quyết liệt như vậy? Tới lúc này, tôi nghĩ mình nên viết một bài viết để binh vực ngài tổng thống của nước Mỹ. Đây là lần đầu tiên, một kẻ không giỏi về kinh tế, một anh lập trình viên, và là một người sống tới mười năm ở Sài Gòn mà chưa mua nổi một căn nhà viết về chủ đề mà tôi không thể tự hào là mình biết cách đầu tư và xài tiền được, tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, một số ý kiến cá nhân của tôi có thể giúp mọi người lý giải được những động thái kỳ lạ của ngài Trump và có thể giúp mọi người suy nghĩ về tác động của con virus Corona chủng mới này ảnh hưởng tiêu cực đến mức nào tới nên kinh tế thế giới. Nếu mọi người nhận thấy lập luận của tôi không hợp lý, xin cứ góp ý, tôi xin chân thành cảm ơn.
Bài viết chỉ là suy nghĩ cá nhân của tôi một người có trí tuệ bình thường và không có chuyên môn kinh tế. Thế nên, nội dung có thể không chính xác. Mong mọi người lưu tâm!
Đầu tiên chúng ta đặt cầu hỏi, rằng nền kinh tế Mỹ và toàn cầu hoạt động dựa trên điều gì. Câu trả lời nghe kỳ lạ nhưng cực kỳ đơn giản, nền kinh tế của Mỹ và toàn cầu hoạt động dựa trên niềm tin và kỳ vọng. Lấy một ví dụ đơn giản, nếu bạn tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt, công việc của bạn vẫn ổn định trong vòng từ bây giờ đến năm năm tới, và dù bạn có nghỉ việc, bạn vẫn có thể kiếm được việc mới, bạn sẽ vui vẻ mua sắm những chiếc iPhone đắt tiền và đăng ký vay mua một căn nhà có trị giá là 3 tỷ đồng, trong khi bạn chỉ có 700 triệu đồng mà thôi. Bạn dám làm điều đó vì bạn có niềm tin vào nền kinh tế, vào bản thân và có kỳ vọng tốt về thu nhập của mình. Không chỉ bạn tin vào chính bạn mà chính nhà đầu tư bất động sản, ngân hàng và cả thị trường đều tin vào điều đó. Và nó là lý do bạn được trả lương cao, bạn được cho vay để mua nhà. Toàn bộ nền kinh tế của Mỹ, Việt Nam và cả thế giới đều được dựng lên dựa trên kỳ vọng vào tương lai, vào khả năng kiếm được tiền của mọi người trong tương lai, và vì vậy nên tài chính của các quốc gia và thế giới mới có thể vận hành được. Quỹ IMF mới có thể cho các nước nghèo vay vốn để xây dựng nền kinh tế. Người Mỹ mới được chấp nhận cho vay để mua nhà và trả khoản vay đó trong 30 năm. Có một bí mật không “bí mật” lắm, đó là, tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động dựa trên vốn vay là chính, cơ cấu vốn vay trong chi phí sản xuất rất cao, và nhờ vậy họ mới có nguồn lực để gom nguyên vật liệu, tổ chức sản xuất và bán hàng. Tôi lấy một ví dụ đơn giản như sau, một công ty chuyên sản xuất giày gia công cho các công ty nước ngoài, họ ký được các hợp đồng lớn với Nike và Addidas, nên sau đó họ mang hợp đồng và nhà xưởng để vay tiền mua nguyên liệu về sản xuất, vì Nike hay Addidas có đối ứng vốn cho họ cũng không đủ để họ mở thêm nhà xưởng và huy động nhân công với số lượng lớn. Nếu xảy ra một sự cố nào đó, khiến cho cả Nike lẫn Addidas ngưng hợp đồng và trả tiền phạt với công ty gia công này, thì công ty này cũng sẽ điêu đứng vì mấy lẽ: số lượng nguyên liệu đã nhập về, nhà xưởng đang xây thêm, số lượng nhân công tuyển vào không có việc làm, chi phí kho bãi để chứa nguyên vật liệu, số lượng máy móc nhập về thêm để phục vụ sản xuất. Nói tóm lại, cả hệ thống kinh tế hoạt động dựa trên niềm tin và kỳ vọng về những đều tốt đẹp đang diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Và vì hoạt động dựa trên kỳ vọng, nên các nền kinh tế tuy trông có vẻ mạnh mẽ và hào nhoáng nhưng thực thế, chúng rất mỏng manh dễ vỡ. Chỉ cần có nhưng tai nạn kiểu như dịch bệnh, kéo dài chỉ cần trong một vài tháng, nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế là cực cao. Điều này không chỉ đúng với các nước như Việt Nam, Trung Quốc, mà còn đúng với cả các nước Âu Mỹ.
Hãy nói về nước Mỹ, nước Mỹ có một nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào niềm tin và cách mà người Mỹ bỏ tiền ra để tiêu dùng. Nghe có vẻ vô lý, nhưng với nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng nên lạc quan và tiêu càng nhiều càng tốt, bởi nếu người dân không còn lạc quan và ngừng tiêu dùng, mọi hoạt động kinh tế đều ngưng trệ, và vì vậy, các doanh nghiệp sẽ như doanh nghiệp da dày mà tôi đề cập sẽ rơi vào khủng hoảng và tạo ra hiệu ứng domino khiến cho cả nền kinh tế sẽ sụp đổ. Nếu người Mỹ ngừng mua iPhone, dân Mỹ ngừng đi Uber, và họ ngừng đặt mua xe Tesla, thì lúc đó nền kinh tế sẽ đi xuống, các doanh nghiệp phụ trợ sẽ bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp phân phối, bán lẽ, giao hàng…v.v đều bị ảnh hưởng và tiếp đó nhân công của các hãng sẽ bị ảnh hưởng về thu nhập, các ngân hàng sẽ thắt chặt việc cung cấp tín dụng, người ta sẽ lo lắng và mất niềm tin, các doanh nghiệp đầu tư tài chính sẽ đổ vỡ, rồi thị trường nhà đất sẽ đóng băng, và kịch bản đó sẽ tạo ra khủng hoảng kinh tế một cách toàn diện cho nước Mỹ, và nó sẽ lan ra toàn thế giới. Kịch bản như vậy không dễ xảy ra vì các nhà nước đều có những công cụ giúp cứu nguy cho nền kinh tế, đó là ngân hàng nhà nước với nhiệm vụ in tiền và đưa vào thị trường, có thể cho doanh nghiệp để giúp họ có thể giải quyết vấn đề về thiếu vốn và tiếp tục hoạt động sản xuất, tuy nhiên trong hoàn cảnh của đại dịch Covid-19, vấn đề không nằm ở doanh nghiệp, nó nằm ở tâm lý người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng lo lắng và hoảng sợ về tương lai, không biết mình có giữ được thu nhập không, hay sẽ bị thất nghiệp, bởi nếu chính phụ áp dụng chính sách giãn cách xã hội (social distancing) trong vài tháng, người dân không được đi làm, hàng quán đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cực cao cho dù mùa dịch có qua đi (vì ai cũng lo giữ tiền để phòng ngừa rủi ro). Lúc đó, cả nền kinh tế sẽ bị sụp hố, và sẽ rơi vào đại suy thoái trong năm năm tới mười năm, không ai có thể cứu vãn được cả. Khi đã hiểu như vậy, bạn sẽ mong chờ Trump làm điều gì? Trump và chính quyền Mỹ chỉ có một phương án thôi, đó là phải duy trì sức mua của người dân và duy trì hoạt động sản xuất để tiếp tục cung ứng hàng hóa cho thị trường. Đó là lý do khiên Trump muốn gỡ bõ các hạn chế đi lại sau lễ Phục Sinh, vì nếu giữ mọi người ở nhà quá lâu, nền kinh tế sẽ bị đóng băng, và khi đó nước Mỹ sẽ rơi vào đại suy thoái, tới thời điểm đó Trump có ba đầu sáu tay cũng khó có thể cứu vãn được trong thời gian ngắn.
Nhưng làm tổng thống cũng cần phải thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của người dân và phải vì sức khỏe người dân trước, thế nên ngài Trump mới bị chửi rủa thậm tệ do phát ngôn thể hiện “mơ ước rất thật” của ông. Việt Nam chúng ta đã chọn sức khỏe và tạm thời hy sinh lợi ích kinh tế, Mỹ và các nước Tây Âu với những cái đầu của những nhà tư bản lâu năm, họ hiểu cái gánh nặng mà họ phải gánh khi suy thoái đến, nên tôi nghĩ rằng họ đã hy vọng dịch bệnh sẽ được kiềm chế ở Trung Quốc, và như vậy họ sẽ đỡ phải lo lắng. Nhưng Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và nó giao thương với mọi nền kinh tế còn lại, doanh nhân Tây Âu luôn ưu tiên đi Trung Quốc trước tiên nếu muốn tăng doanh thu, và vì thế họ cũng là người mang mầm bệnh về mẫu quốc của họ một cách nhanh chóng nhất. Khi dịch bệnh đến, các nước Tây Âu phải tính cân đo rất kỹ giữa lợi ích sức khỏe cộng đồng và lợi ích kinh tế (cũng cho cộng đồng mà thôi). Hơn ai hết, họ hiểu rằng, cô lập và đóng cửa biên giới sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế, thế nên họ dùng dằng, chần chừ. Đáng tiếc, đại dịch Covid-19 lần này có tốc độ lây lan quá khủng khiếp, và có thể làm cho người già ở các nước phát triển dễ mất mạng hơn bao giờ hết. Dân số trẻ vẫn còn đó, nhưng khi tinh thần suy sụp, họ có thể làm được gì? Thế nên, tôi không nghĩ rằng Trump có thể nới lỏng được lệnh cô lập và cách ly xã hội với người dân Mỹ ở đầu tháng tư.
Quay trở lại với gói giải cứu kinh tế của Mỹ, vì sao Trump và chính quyền đồng ý trợ cấp cho người Mỹ thay vì chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp và các công ty sản xuất thiết bị y tế. Có hai gói chính mà Mỹ trợ cập, thứ nhất là trợ cấp thất nghiệp ($600 mỗi tuần trong vòng bốn tháng), có gói này, người ta sẽ yên tâm ở nhà vì đã có nhà nước hỗ trợ cho nhu cầu tối thiểu. Nếu tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng cao, người dân không có tiền đóng tiền mua nhà, và không có tiền để trang trải cho nhu cầu căn bản, thì nó sẽ dẫn tới đổ vỡ hàng loạt các ngành kinh tế, mà khởi đầu sẽ là nhà đất và tín dụng. Thứ hai, Mỹ hỗ trợ một người dân đang có việc làm một khoản hỗ trợ giảm thuế $1200, cái này là ngân phiếu để hỗ trợ cho mọi người nhưng nó là cách để Mỹ giảm thuế cho người dân của họ, vì bạn phải có làm và có thu nhập mới được nhận khoản này. Cái này là chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, nhưng giảm trong thời gian ngắn một năm. Nếu giờ Trump và quốc hội Mỹ thông quá luật giảm thuế thu nhập cá nhân (tính theo %) thì sẽ gây ra xáo trộn và khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn, nên bơm tiền vào hệ thống là cách nhanh nhất.
Việc bơm 2000 tỷ vào thị trường sẽ giúp Mỹ duy trì được sức mua và giảm sự sụp đổ của các doanh nghiệp. Nhưng đó là kỳ vọng của Trump và chính phủ, sự thực sẽ diễn ra như thế nào, chúng ta đợi qua mùa dịch sẽ rõ.
Tôi nghĩ, Trump đã làm phần việc của một nhà kinh tế tốt và nhanh bằng gói cứu trợ nhanh như chớp chưa từng có trong tiền lệ. Bây giờ việc của chính quyền Mỹ là phải mau chóng dập dịch, nếu họ không dập được dịch bệnh này sớm, gói cứu trợ 2000 tỷ kia sẽ như đổ sông đổ bệnh, vì bạn có nhét nhân sâm vào mồm người bệnh cũng không giúp họ hết bệnh được, mà chỉ giúp họ đỡ mệt hơn, trông khỏe lên một xiu, còn lại thì vẫn cần những liều thuốc khác. Giữ người dân ở nhà ba tuần sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây chéo, và đủ thời gian để phát hiện ra hầu hết cả các ca đang ủ bệnh, tuy nhiên, chỉ cần không cẩn trọng sau ba tuần cách ly, dịch sẽ lại bùng phát, bởi nguy cơ tái nhiễm vẫn còn và các nước khác cũng đang nếm trãi dịch bệnh theo cách tương tự. Rõ ràng giữ mọi người ở nhà sẽ không duy trì được năng lực sản xuất, và sẽ đánh chết các ngành dịch vụ, thế nên, đây sẽ là nhiệm vụ vô cùng gian nan không chỉ của Trump và Mỹ mà là của tất cả các chính quyền trên khắp thế giới. Vì vì Covid-19 lây nhanh và dễ lây như cúm mùa, nên chúng ta không thể kỳ vọng nó biến mất, mà thay vào đó, tất cả các nước đều hy vọng có phương pháp phòng bệnh và chữa trị hữu hiệu. Vacxin chính là phương thuốc sống còn của cả nền kinh tế thế giới. Nhưng vacince sẽ không có mặt trên thị trường trong ít nhất là chín tháng tới, nên việc bế quan tỏa cảng vẫn cứ xảy ra, nền kinh tế thế giới vẫn sẽ suy thoái (nặng hay nhẹ đều nhờ vào các anh lớn như Mỹ, Trung và Châu Âu giải quyết).
Ước mơ của tôi cho một phép màu hữu hiệu cho câu chuyện này là gì ư? Tôi mong người ta sẽ tìm ra vacine trong vòng sáu tháng tới, và sau đó sẽ không độc quyền hóa mà chia sẻ cho tất cả các nước trên toàn thế giới để chế tạo vacine và chấm dứt cơn khủng hoảng y tế này vào tháng 02 năm tới. Kinh tế thế giới sẽ phục hồi sau ba năm.
Có thể bạn nghĩ ước mơ của tôi trông sao mà bi quan, nhưng đó là thực tế. Việt Nam chúng ta đang làm mọi cách để giảm gánh nặng cho ngành y tế và chấp nhận suy thoái kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được sức khỏe và tính mạng cho người dân. Chúng ta phải hiểu quyết định khó khăn đó và tìm cách để tự giải quyết vấn đề của chính mình. Tôi nghĩ, Việt Nam khó có cách nào làm tốt hơn. Tất nhiên, sau đó nhà nước sẽ ra gói tiền cứu trợ kinh tế. Ngành bảo hiểm xã hội sẽ cạn quỹ vì số lượng người thất nghiệp tăng nhanh. Nhưng cái gì sẽ đến chúng sẽ đến mà thôi.
Cầu mong cho cả thể giới sớm vượt qua cơn đại hồng thủy này!
Sài Gòn, ngày 30 tháng 03 năm 2020