Căn bệnh nghiện của tôi

Tôi có một căn bệnh chữa hoài mà chưa lành, đó là bệnh nghiện mua sắm thiết bị nhiếp ảnh và nghiện cafe. Tôi đã từng phân tích nhiều lần vì sao tôi mãi không bỏ được cơn nghiện này, tại vì sao tôi vẫn cứ mãi uống cafe dù cafe nó ảnh hưởng đến bệnh viêm xoang mãn tính của tôi rất nhiều và vì sao tôi cứ thích trải nghiệm thiết bị, mua đi mua lại một chiếc lens, hoặc thử rất nhiều máy ảnh và lens khác nhau. Tôi đang gặp vấn đề gì?

Tôi bắt đầu uống cafe ở quán từ lúc học lớp chín vì tôi thích nghe Rock, và thời đó tôi chưa có nhiều tiền để mua CD nhạc, thế nên đi ngồi đồng nghe nhạc Rock là thói quen của tôi. Dần dà tôi quen thuộc với việc ngồi quán cafe làm việc, và đương nhiên, khi vào quán cafe, tôi phải kêu một thứ nước gì đó để uống. Do tôi ghét uống đồ ngọt và dạ dày lại dị ứng với những thứ nước có axit (chanh, cam), thế nên tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài cafe. Tôi trở thành con nghiện cafe từ lúc nào không hay, mỗi ngày tôi uống từ ba đến bốn ly cafe, và vẫn giữ thói quen đó tới bây giờ. Có phải uống cafe giúp tôi tỉnh táo hơn? Tôi hoàn toàn không nghĩ vậy, bởi nhiều khi uống cafe còn làm tôi mệt hơn, vậy lý do gì khiến tôi uống cafe nhiều tới vậy?

Tôi bắt đầu chơi nhiếp ảnh từ cuối năm 2015, và từ đó tôi bắt đầu cuộc mua sắm và thay đổi thiết bị liên tục cho tới tận bây giờ. Tôi thường xuyên sắm đi sắm lại những món đồ mà tôi xài chỉ một hai tuần là đã chán. Trước đây tôi lý giải việc mua sắm nhằm giải stress, nhưng có lẽ nó vẫn không đủ để giải thích mọi thứ. Phải có một điều gì đó khác hơn khiến tôi trở nên như vậy.

Tôi cần tìm nguyên nhân cốt lõi khiến cho tôi nghiện cafe và nghiện mua sắm, nếu tôi không tìm ra được nguyên nhân cốt lõi tôi sẽ không ngừng lại được. Và tới hôm nay, tôi nghĩ tôi đã nhìn nhận ra nguyên nhân cốt lõi của vấn đề.

Thứ nhất, tôi uống cafe vì tôi thích cảm giác hưng phấn. Cafe hay ăn uống đều giúp tôi có nhiều năng lượng. Tôi ăn rất nhiều từ nhỏ đến bây giờ, và cứ mỗi lần ăn no, tôi lại buồn ngủ đến rục rã vì dạ dày phải làm việc để tiêu hóa đống thức ăn mà tôi đã nuốt vào, thế nhưng tôi vẫn cứ ăn. Chỉ cho đến khi tôi phát hiện ra việc ăn ít lại làm cho tôi tỉnh táo hơn và khao khát làm việc hơn. Tôi đã dừng việc ăn uống vô độ và giảm được 14kg chỉ trong bốn tháng. Còn nghiện cafe thì tôi chưa bỏ được cho đến tuần vừa rồi. Cafe nó giúp tôi cảm thấy hưng phấn, như cách mà thuốc lá mang lại cho những người nghiện hút thuốc. Thế nhưng bản thân cafe không mang lại năng lượng cho chúng ta, cafe chỉ giúp chùng ta bòn rút năng lượng trong cơ thể. Việc uống cafe liên tục khiến cho tôi dễ xúc động hơn bình thường. Thế nên, nếu tôi muốn quản lý được xúc cảm của mình tốt hơn và để có thể đảm bảo sức khỏe của mình hơn, tôi chỉ nên uống đúng một ly cafe mỗi ngày. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc tôi cần thay đổi thói quen, đó là không đi quán cafe quá nhiều lần trong ngày để kiếm chỗ ngồi làm việc. Việc dựa dẫm vào chất kích thích để tăng hưng phẩn hoặc tăng sự tỉnh táo một cách thái quá là không tốt, thế nên tôi đã thay đổi, và chỉ uống từ 1 đến hai ly cafe mỗi ngày. Kết quả là tôi không còn bị nhức đầu, da dẻ trở nên đẹp hơn và tôi vẫn có thể làm việc đến khuya (đến 2-3 giờ sáng) mà không hoàn toàn không thấy mỏi mệt, tôi có thể thức thoải mái mà không phụ thuộc vào cafe, nên có lẽ việc uống cafe chỉ là thói quen mà thôi. Bây giờ để khỏi buồn miệng, tôi chọn ăn trái cây như ổi, mận thay vì uống cafe, và nó tỏ ra khá hiệu quả. Cảm giác không còn bị lệ thuộc vào một thứ gì đó nữa thật thích, vì lúc đó tôi có quyện chọn không sử dụng mà không bị thèm thuồng khó chịu trong người nữa.

Cơn nghiện thứ hai là nghiện mua sắm thiết bị máy ảnh, với cơn nghiện này tôi hoàn toàn không cắt cơn được cho tới lúc này, nhưng tôi đã nhận ra nguyên nhân sâu xa khiến cho tôi luôn thích mua sắm, đó là vì tôi thích trải nghiệm, trải nghiệm nó giúp mang lại niềm vui. Tuy nhiên, mua sắm chỉ là một trong những cách trải nghiệm mà thôi. Có người thích đi du lịch thật nhiều nơi, để có thể thăm thú các địa phương khác nhau, khám phá và làm quen với các nền văn hóa mới, đó cũng là một cách trải nghiệm. Có người lại thích giao du với nhiều bạn bè, gặp mặt nhiều con người, nhiều cá tính khác nhau, nên đó cũng là một cách trải nghiệm. Như tôi, tôi có nhiều cách để có được trải nghiệm mới, bao gồm: đọc sách và xem những nội dung tôi quan tâm như triết học, tâm lý học, kinh tế, tiểu thuyết …, viết blog về những chủ đề tôi rành, chụp ảnh và lập trình. Nhưng có lẽ bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để làm tôi thỏa mãn, đó chính là lý do khiến tôi cảm thấy thiếu thốn trải nghiệm. Nếu tôi làm một phần mềm thực sự đủ gây nghiện, tôi sẽ quên đi tất cả. Nếu thực hiện một dự án ảnh khiến tôi dấn thân, tôi sẽ quên đi thói quen mua sắm và sưu tầm.

Ngày xưa, tôi vốn thích sưu tầm sách, tem và đia nhạc. Ở nhà tôi ở Huế, tôi có 800 cuốn sách, 500 đĩa nhạc và 3 tập sách đựng rất nhiều tem. Có lẽ tôi là một người yêu thích sưu tầm. Và nếu để ý kỹ, chụp ảnh và lưu ảnh lại chẳng phải cũng là một thói quen của người thích sưu tầm hay sao. Nếu người ta thích tích lũy thật nhiều tiền, tôi lại thích tích lũy kiến thức, âm nhạc, hình ảnh và các bài viết của chính mình. Tích lũy trí thức, hình ảnh là thói quen tốt. Sưu tầm quá nhiều sách, máy ảnh, đĩa nhạc là thói quen không hữu ích lắm, cần phải giảm bớt. Vì vậy, tôi cần phải tạo ra những dự án đủ hấp dẫn, đủ gây nghiện để tôi có thể theo, dấn thân và quên đi cái niềm vui hao tiền tốn của này.

Để hiểu được nguồn cơn của những cơn nghiện, tôi cần phải hiểu rõ bản thân, và điểu hiểu rõ bản thân tôi phải đầu tư nhiều thời gian để tự nhìn lại chính mình và phân tích các thói quen của mình. Tôi viết về cơn nghiện mua sắm của mình trong ít nhất năm bài viết, và đến lúc này, tôi mới thực sự tự tin rằng mình có thể vượt qua được nó. Nhưng để làm được điều đó, tôi cần phải cố gắng rất nhiều và nó cũng có nghĩa rằng, tôi sẽ có thêm dự án mới trong tương lai, những dự án đủ vui vẻ để tôi không còn nghĩ đến chuyện mua sắm nữa, hy vọng tôi sẽ sớm chia sẻ các thành quả của mình cho mọi người (vì tuyệt đại đa số những thứ tôi làm chỉ để phục vụ cho mọi người mà thôi).

Sài Gòn, ngày 12 tháng 04 năm 2020