Học thêm tấm bằng đại học

Tất nhiên, đó là chuyện không xảy ra vì tôi đã hơn 38 tuổi, và tôi đã từng thi đậu hai trường đại học ngay lần thi đầu tiên và sau đó đã hoàn thành bằng cử nhân rồi. Nhưng tôi muốn chia sẻ một chút suy nghiệm từ câu chuyện của tôi về câu chuyện của chúng ta ở trong mùa dịch bệnh Covid-19 hiện tại.

Dịch Covid-19 làm người ta đổ bệnh và chết, nhưng không chỉ thế, nó còn mang đến một hệ lụy kinh khủng không kém, đó là suy thoái kinh tế. Mà suy thoái kinh tế có nghĩa là gì? Nó là giai đoạn mà nhu cầu tiêu dùng của người dân xuống thấp, khả năng sản xuất ra của cải của nền kinh tế kém và hậu quả là người dân bị suy giảm thu nhập và thất nghiệp gia tăng. Có những người đang vui vẻ vì ăn nên làm ra, chỉ trong chốc lát đã phá sản vì bết bát trong kinh doanh, cũng có những người đang chắc chân trong các công ty với thu nhập cao, nhưng chỉ sau một đêm đã ngồi nhà chầu rìa chờ cơm vợ nuôi. Nói chung, bi kịch thường đến bất ngờ, nhưng năm nay, bi kịch đến với cả nền kinh tế thế giới, và dù Việt Nam làm rất tốt, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng thôi. Thời đại toàn cầu hóa mà!

Vậy nó có gì liên quan đến câu chuyện thi đại học?

Thi đại học có lẽ là một trong những câu chuyện tiếu lâm mà tôi thường hay đem ra làm chuyện đùa để kể. Bởi ở thời học cấp ba, dù học giỏi và luôn đứng top trong lớp và trong khối phố thông (tôi không dám cạnh tranh với các bạn khối chuyên đâu), thì tôi vẫn là một kẻ lười học chảy thây. Ba năm cấp ba của tôi được đánh dấu bởi mấy chuyện, thứ nhất là luyện được chữ đẹp, thứ hai là lần đầu tiên tôi được loại giỏi ba năm liền vì chỉ muốn được ba tôi cho phép đi sinh hoạt đội Công tác xã hội thành phố, nên tôi phải đảm bảo không rớt xuống loại khá nếu không sẽ bị cấm đi CTXH, thứ ba là đọc sách và thứ tư là la cà tất cả các quán cafe rock ở Huế trong khung giờ đi học thêm (tôi bỏ các loại học thêm) để đi nghe rock, thứ tư là sinh hoạt CLB Thời trang Hoa Học Đường để tổ chức các buổi thời trang cho học sinh. Nói cách khác, thì tôi thuộc lịch sử thế giới, văn chương và lời nhạc rock nhiều hơn so với nội dung tôi được học ở trên trường rất nhiều. Và tôi chưa bao giờ nghiêm túc với chuyện thi đại học cho đến ngày tôi có kết quả thi tốt nghiệp PTTH. Tới thời điểm đó tôi chỉ có đúng một tháng để ôn thi đại học, và tôi cuống cuồng lên đi mua 15 cuốn sách luyện thi cho ba môn Toán – Lý – Hóa, và tự mình luyện thi trong vòng một tháng từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối với thời gian tập trung 100%, và tôi thi đậu hai trường đại học, một là khoa Quản Trị Kinh Doanh đại học Kinh Tế HCM và hai là khoa CNTT. Thời đó tôi thậm chí không dám thi các trường hàng top như Khoa học Tự nhiên TP. HCM hoặc Đại học Bưu chính viễn thông vì … sợ rớt. Mà nếu thi chắc chắn tôi sẽ rớt, vì tôi không thể nào đậu được chỉ với một tháng ôn thi. Nhưng thi trường các như Đại học Kinh Tế TP HCM thì tôi dư được 6-7 điểm so với điểm chuẩn, như vậy cũng tạm ổn.

Nếu bạn đọc ngang đây, có thể bạn sẽ nghĩ rằng tôi coi nhẹ việc thi Đại học. Nhưng tôi cũng chả biết thực sự tôi có coi nhẹ hay không, nhưng chuyện thi Đại học đã trở thành giấc mơ ám ảnh tôi cho tới năm tôi ba mươi tuổi. Tôi thường hay mơ mình đi thi đại học và gặp trúc trắc gì đó. Hay nói cách khác, trong một tháng ôn thi đó, thực sự tôi đã lo lắng đến thế nào tôi không tưởng tượng nổi. Nhưng ở thời điểm ôn thi, tôi chả có cảm giác sợ sệt hay lo lắng gì cả, tôi học ôn một cách rất bình thản nhưng tập trung, và chỉ đơn giản là rà bài tập, nghĩ cách giải và đọc đáp án để xem cách của mình có phù hợp không chứ tôi chả đặt bút xuống để làm bài. Dẫu tôi đậu ĐH, nhưng nó vẫn là ám ảnh lâu dài. Nó còn ảm ảnh dữ dội hơn cả những ngày tôi bị thất nghiệp do công ty tôi làm bị phá sản. Chưa bao giờ tôi nằm mơ về việc thất nghiệp, như lại mơ về chuyện đi thi, thật là kỳ cục.

Sau này, tôi có thi một vài thứ, và tôi vẫn dùng bổn cũ soạn lại, đó là ôn thi tốc hành và đi thi. Thi IELTS, tôi mất một ngày ôn thi ở trên tàu. Thi bốn chứng chỉ của Microsoft, tôi chọn thi trong 2 tháng, cứ 2 tuần tôi lấy một chứng chỉ và sau đó tôi trở thành một Kiến trúc sư về Azure được Microsoft chứng nhận dù không có bất kỳ kinh nghiệm nào với Azure (xin lỗi phải thú thật như vậy), và tôi là người đầu tiên ở VN có bộ chứng chỉ đó. Có vẻ như tôi coi chuyện thi cử là trò chơi trẻ nít, và tôi thích tập trung vào những thứ tôi thích hơn.  Hay nói cách khác, tôi thích lấy bằng đại học do chính mình chọn các môn học hơn, và tôi trưởng thành theo lối của mình nhưng tôi vẫn sợ mình không “đẹp” trong mắt của người khác. Tôi vẫn cố gắng làm theo mong đợi của người xung quanh, dù thấy rằng “nó không quan trọng lắm”. Cũng may từ lâu tôi đã không còn mơ về chuyện đi thi đại học, về việc trễ giờ thi các kiểu nữa, điều đó cũng có nghĩa rằng, cái nhu cầu làm hài lòng người khác không còn nhiều nữa, thay vào đó là nhu cầu phát triển tự thân.

Năm nay tôi đã bắt đầu qua tuổi 39, và tôi đã có hơn 16 năm kinh nghiệm kể từ ngày tốt nghiệp đại học và tự nhiên tôi đã nghĩ về một ý tưởng thú vị, đó là có lẽ tôi nên tự mình lấy cho mình nhiều “tấm bằng đại học”. Một tấm bằng đại học tương đương với 4 năm đi học, và nếu tôi làm điều gì đó thường xuyên trong bốn năm, cộng thêm khoảng thời gian đầu tư cho nghiên cứu, có thể nói tôi cũng đã tích lũy cho mình một kỹ năng mới, một hệ thống tri thức mới.

Nghĩ lại, tôi sinh hoạt CTXH từ cuối năm lớp 9 cho đến năm 27 tuổi, từ vị trí thành viên, rồi đội phó, đội trưởng, sau đó là chủ tịch HSV, và các vị trí khác, hay nói cách khác tôi có một bằng đại học về hoạt động xã hội rồi đấy chứ, bởi tôi có tới 11 năm trui rèn với công tác hội.

Năm 2010, tôi nghĩ mình cần phải làm được vị trí kiến trúc sư phần mềm, trong khi tôi chỉ có 9 tháng kinh nghiệm làm lập trình viên (Java), và sau đó tôi thất nghiệp. TIếp theo đó là những tháng ngày tôi làm quản lý cho một công ty về giáo dục và tiếp đó là cho một doanh nghiệp phần mềm ở TP HCM. Nhưng đến đầu năm 2011, tôi đã huấn luyện mình để trở thành một Microsoft MVP, và đầu năm 2012, tôi chính thức trở thành một kiến trúc sư phần mềm (công nghệ .NET). Tôi đã tự huấn luyện mình và đã tự tốt nghiệp.

Từ năm 2013 cho đến 2018, tôi chuyên làm về quản lý con người (quản lý kỹ thuật), và tôi lại xây dựng cho mình một bộ kỹ năng mới về hiểu và quản lý con người. Có lẽ đây chính là bằng đại học thứ tư của tôi.

Từ năm 2015 cho đến nay, tôi đã có hơn 4 năm chụp hình, và khi nhìn vào khối lượng hình và chất lượng các bức hình tôi chụp qua từng thời kỳ, tôi tin mình đã “tốt nghiệp đại học nhiếp ảnh” theo cách của chính mình. Và tôi vẫn tiếp tục chơi nhiếp ảnh, bởi bằng tốt nghiệp thôi chưa đủ, những trải nghiệm sau khi tốt nghiệp mới thực sự là điều đáng quý.

Từ năm 2007 đến nay, tôi đã có kinh nghiệm 12 năm viết blog với 150 bài viết kỹ thuật (đã xóa) và 350 bài viết khác (tâm lý, tự sự, truyện ngắn, nhiếp ảnh). Nên cũng có thể xem tôi đã tự tốt nghiệp trường viết của chính mình. Tôi vẫn tiếp tục viết, bởi “bằng cấp” không nói lên được gì. Quan trọng là những thứ tôi viết ra có thực sự giá trị hay không.

Giờ đây, khi ở năm 2020, khi tôi đã bước qua tuổi 39, khi mà cơn đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới, tôi có cảm giác mình cần phải tự trang cấp cho mình một “bằng đại học” mới, bởi hoàn cảnh mới cần có bộ tri thức và kỹ năng mới. Học cái gì, trang cấp kỹ năng gì, tôi xin tự giữ cho riêng mình. Nhưng có một thứ tôi nghĩ tôi phải cần tốt nghiệp, đó là về tài chính và kinh tế, bởi tôi vốn thích ngành kinh tế, nhưng tôi chưa bao giờ thực sự trải nghiệm nó một cách đúng nghĩa. Dù tôi đã từng lập công ty, nhưng tôi lại giao cái mớ sổ sách cho người khác. Dù tôi đã từng có nhiều năm kinh nghiệm làm quản lý, nhưng tôi luôn né tránh những gì có liên quan đến dòng tiền. Mùa Covid-19 đã thực sự khiến tôi phải suy nghĩ và nhận ra mình cần phải thay đổi để hợp với thời thế. Sau đại dịch, thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn, và để vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị. Xây dựng khả năng mới cũng là một cách thức chuẩn bị.

Đừng hoài nghi về khả năng bản thân, thay vào đó, hãy tập trung để phát triển khả năng và tìm cách áp dụng nó. Trong khó khăn luôn ẩn chứa cơ hội. Nhưng cơ hội sẽ trôi tuột qua kẽ tay nếu chúng ta không có sự chuẩn bị kỹ càng. Nếu bạn không học cách câu cá, không mang theo cần câu và mồi, thì cho dù bạn có thấy một con cá to dưới hồ, bạn làm sao có thể bắt được nó đem về được cơ chứ. Chuẩn bị thật kỹ để gia tăng xác suất thành công.

Năm 2020 và 2021 sẽ xảy ra nhiều điều thú vị, tôi hào hứng đón chờ!

Sài Gòn, ngày 21 tháng 04 năm 2020