Hôm nay trong một cuộc nói chuyện với một bạn senior manager, người bạn đó hỏi tôi rằng “Cậu chuyên về quản lý và phát triển con người, thế khi gặp người khó ở và có issues, cậu quản lý người ta như thế nào để cho công việc vẫn chạy?”
Với kinh nghiệm hạn chế của mình, tôi chia sẻ với bạn ấy như sau:
Khi làm việc trong cùng một nhóm, điều kiện quan trọng để giúp mình làm việc với người ta đó là sự tin tưởng, cảm giác thân thuộc và sự phụ thuộc lẫn nhau (người này thực sự hữu ích và có giá trị với người kia và người lại).
Để đạt được sự tin tưởng, bạn phải làm cho người ta nhận ra rằng bạn và người ta đang ở trên cùng một chiếc thuyền, cùng một mục đích và đang đi cùng một cuộc phiêu lưu, và hơn nữa, bạn phải chứng mình được rằng bạn đã thực sự mở lòng với bạn. Tin tưởng chỉ có thể có khi người ta cùng làm chuyện mà nếu không tin sẽ không làm chung, và biết được những chuyện mà chỉ khi tin tưởng ta mới cho đồng bọn biết, tức là nếu bạn không cởi mở, thì không thể trong mong người ta cởi mở với bạn, và nếu bạn không tin người ta thì cũng đừng mong người ta tin bạn.
Trong đời, bạn khó có thể kiếm được hai người có tính cách gần giống nhau và có những giá trị, quy chuẩn đạo đức giống hệt nhau. Hai người khác nhau sẽ có các quy chuẩn đạo đức khác nhau. Bạn có thể hơi khô khan, không mẫn cảm, nhưng người ta có thể là một người thực sự rất nhạy cảm. Thế nên, khi làm việc với con người, đừng nghĩ mọi người đều như bạn, thay vào đó hãy quan sát họ, nắm bắt được vùng an toàn của họ để giúp họ cảm thấy thoải mái với công việc, và sau đó hãy giúp họ gia tăng sự tự tin và nới rộng vùng an toàn.
Có nhiều người cứ hay nghĩ rằng đồng nghiệp mình khó ở là vì chính bản thân họ, nhưng đôi khi sự khó ở của họ lại xuất phát từ phía mình thì sao? Nếu đồng nghiệp của bạn làm điều gì đó chưa chuẩn mực, nhưng bạn quá “nice”, chỉ nói phớt qua mà không thực sự đi thẳng vào vấn đề, cho đến một hôm mọi chuyện thực sự xấu đi, bạn mới phê phán người ta, người ta sẽ sốc vì cho rằng mọi thứ lâu nay vẫn “tốt”. Muốn các mối quan hệ thực sự tốt, bạn cần phải rõ ràng, và luôn chia sẽ cảm nghĩ của bạn về những vấn đề đối phương ngay khi có dấu hiệu có thể tạo ra những vấn đề lớn hơn trong tương lai. Nói sớm, vấn đề nhỏ, người ta dễ chấp nhận. Nói muộn, vấn đề lớn, ai cũng sốc.
Thứ nữa, khi gặp đồng nghiệp quá nhạy cảm, hãy tôn trọng cảm giác của họ, hãy xem như mình đang có một “mối quan hệ” với người đó. Quan hệ đồng nghiệp đâu đó cũng có phần tương đồng với quan hệ “hôn nhân”, bởi bạn chung đụng với người ta tám tiếng mỗi ngày, năm ngày mỗi tuần, nếu không có sự đồng cảm, chia sẻ và bỏ qua cho nhau, bạn sẽ không làm việc với người ta lâu dài được. Nếu người ta nhạy cảm quá, mà bạn lại quá cứng nhắc, bạn sẽ mất đồng nghiệp sớm thôi. Thế nên phải hài hòa, cũng giống như làm chồng, đôi khi phải lùi bước và xin lỗi dù trong thâm tâm biết rằng mình không sai, nhưng mình xuống thang người ta mới xuống thang theo. Khi người ta bình tĩnh rồi, mình mới có thể nói thẳng nói thật với người ta được. Nói thẳng nói thật là điều nên làm, nhưng phải làm sao cho khéo, chứ không phải vì người ta khó mà tránh nói thật với người ta.
Cuối cùng, nếu bạn hữu ích với người ta, người ta sẽ tôn trọng bạn và lắng nghe bạn. Hãy chứng minh sự hữu ích của bạn thân, hãy hỗ trợ mọi người, và khi đó bạn sẽ có tiếng nói với nhóm của bạn. Khi bạn có tiếng nói rồi, thì việc chia sẽ những điều khó nói sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Bài viết này là một góc nhìn khác về việc đối đãi với đồng nghiệp khó ở hoặc nhạy cảm quá như thế nào cho tốt. Nó chỉ là kinh nghiệm của chính tôi. Xin chia sẻ cùng mọi người.
Sài Gòn, ngày 27 tháng 05 năm 2020