Tôi mới cho bình thường mới

Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả! Tôi đã viết một và bài viết về những tác động của Covid-19 đến xã hội, nền kinh tế và ngành công nghệ thông tin ở tháng ba, lúc chưa có mấy tờ báo nói chuyện về những ảnh hưởng sâu rộng của virus Corona tới cuộc sống. Và giờ đây, người ta đề cập đến khái niệm “bình thường mời” (new normal), và điều đó có nghĩa là, trong và sau đại dịch Covid-19, cuộc sống không trở lại bình thường như trước đây nữa. “Bình thường mới” khác với cái bình thường ngày xưa, và vì vậy, mỗi người chúng ta cần phải thích nghi với bình thường mới đó. 

Nhưng bình thường mới là gì? Có phải là cảm giác bất an hơn, và những rủi ro mình tưởng không bao giờ đến lại đến? Cuộc sống trở nên bất tường và con người trở nên mong manh dễ vỡ hơn. Người ta quý trọng cuộc sống bình thường không có bệnh dịch hơn, con người cũng trở nên bao dung và vì mọi người hơn. Mọi người đã quen hơn với việc ở một mình và làm việc một mình. Nhiều công ty đã nhận ra rằng, làm việc từ xa là hoàn toàn có thể. Và thay vì tập trung mọi người lại một chỗ, các công ty đã sẵn sàng cho việc thiết lập một cấu trúc mới giúp nhân viên có thể làm việc từ xa. 

Trên thế giới, các doanh nghiệp bắt đầu tạo ra những chuỗi cung ứng song hành để đối phó với tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Nước Mỹ vẫn còn chao đảo bởi đại dịch và số lượng người thất nghiệp đã quá con số 20 triệu người và có thể đạt đỉnh với số lượng 10% dân số. Tất cả các nước bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch đều bị ám ảnh bởi con số 10%, con số này là ước tính chung cho sự co hẹp của nền kinh tế các nước này, và cho dù bị ảnh hưởng nhẹ, tôi nghĩ Việt Nam cũng không là ngoại lệ, nhưng Việt Nam có đủ các điều kiện để phục hồi nhanh chóng sau dịch. 

Trong thế giới bất toàn đó, tôi phải làm gì, có nên tự nhủ rằng mọi thứ sẽ qua, không có gì ảnh hưởng đến mình, hay lo lắng quá độ tới mức không còn tin vào khả năng của mình? Với tôi, một người rất nhạy cảm và bị ảnh hưởng không nhẹ bởi Covid, tôi cũng đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng cuối cùng tôi đã chọn thay đổi, và tôi dám nói “new normal, new me”, đã có một “tôi mới”, để có thể sống tốt hơn với “bình thường mới” của ngày hôm nay. 

Bạn biết không, ai cũng sẽ lo lắng cho công việc của mình, và sẽ lo lắng cho gia đình và những người phụ thuộc của mình vì những ảnh hưởng của Covid đến ngành kinh tế, và đặc biệt với ngành CNTT, là một ngành nghề phát triển cực thịnh nhờ sự phát triển của nền kinh tế, nên khi kinh tế thế giới bị thu hẹp, ngành CNTT sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Đơn cử như câu chuyện của tôi, lý ra giờ này tôi đang đảm nhận một nhiệm vụ mới và thú vị, nhưng Covid-19 đã khiến nhiệm vụ đó bị hoãn và tôi đã có chút chơi vơi trong lòng. 

Thế nhưng khi nhìn vào covid, về tất cả những rủi ro có thể xảy ra. Tôi nghĩ trong lòng, nếu cuộc sống là bất tường, nếu lỡ như ngày mai tôi mắc bệnh và không thể qua khỏi, thì liệu hôm nay tôi có nên lo lắng sợ hãi? Và tôi nhận ra, lo lắng chả mang lại được gì, thay vào đó tôi nghĩ mình sẽ thực sự tiếc nuối bởi những “trì hoãn” của mình, bởi những dự định tôi chưa từng bắt tay vào làm. Tôi không sợ thất nghiệp, không sợ nghèo đi, nhưng tôi sợ nhất là mình trở nên yếu ớt, yếm thế và không dám làm bất cứ điều gì. Và thế là tôi ra một quyết định vô cùng đơn giản, đó là nhìn thẳng vào những lo lắng, những ước mơ dang dở, những ngọn núi cản đường tôi. Đối diện với nỗi lo, đối diện với nỗi sợ hãi và vượt qua nó. Cái gì mong ước làm mà chưa dám làm, hãy làm điều đó. Và thay vì sợ hãi, trì hoãn, tôi đã như trở lại tuổi hai mươi, khao khát cháy bỏng được là chính mình và khao khát thực hiện những điều tưởng chừng như đã bỏ dở. Ngã ở đâu, tôi sẽ đứng lên lại ở chỗ đó. Sợ phải làm điều gì, tôi sẽ thực hiện công việc đó. Tôi không còn thời gian để suy nghĩ như một kẻ thua cuộc, mà thay vào đó, tôi cứ lầm lũi tiến lên mà thôi. Tôi thường nói chơi với mọi người tôi 28 tuổi trở lại, và thực sự tôi đã trở lại với tuổi 28, với những thất bại đã từng làm tôi trở nên bớt khát khao hơn, và giờ đây, tôi trở lại tuổi 28 với tâm thế khác, một tâm thế của kẻ “bất bại”. Bởi nếu những cú ngã không giết chết bạn, thì bạn đã trở nên “bất bại” rồi. 

Té ra, tuổi tác không làm chúng ta yếu kém đi, mà chính là vì tâm thế của chúng ta khiến cho chúng ta trở nên hèn kém hẳn đi. Ở tuổi 80, Lã Vọng vẫn ngồi câu cá chờ cơ hội kinh bang tế thế. Lưu Bị bắt đầu khởi binh từ loạn khăn vàng năm 184, và lao đao trong suốt 23 năm cho tới 207 mới cầu được Khổng Minh và bắt đầu sự nghiệp thành công của mình ở tuổi ngoài bốn mươi. Nhắc tới vĩ nhân có lẽ xa xôi quá, nhưng nếu ai từng đọc câu chuyện về người tài xế Grab người Huế, đi chiếc xe hai tỷ chạy xe cho vui với thu nhập cỡ 700 triệu mỗi tháng nhờ cửa hàng thức ăn Huế ở trung tâm quận nhất  với sự nghiệp được xây dựng bằng hai bàn tay trắng từ tuổi 38 sau khi vỡ nợ và phải vào Sài Gòn trốn chủ nợ, thì mới biết là ở tuổi nào cũng có thể làm lại và khởi nghiệp. Huống gì, kẻ như tôi, nợ thì chẳng nợ ai, công việc vẫn ổn định, chả có lý do gì phải yếm thế, mà thay vào đó, phải nhìn thẳng vào những điểm chưa được của mình, khắc phục để tiến lên. 

Ngẫm nghĩ, nếu đến một ngày tôi biết mình sắp ra đi, tôi sẽ không nuối tiếc vì những thất bại của mình, mà tôi sẽ nuối tiếc vì những điều tôi muốn làm mà chưa thực sự làm, chưa thực sự sống cùng với ước mơ. 

“Tôi mới” của “bình thường mới” chỉ đơn giản là vậy. Đời tùy không dài, nhưng cũng chẳng ngắn, quan trọng là mình sử dụng thời gian như thế nào. Tôi chỉ mới 38 thôi, và nghĩa là tôi vẫn còn thời gian để làm được khối chuyện. Nhưng tôi sẽ chẳng có gì nếu không xắn tay vào mà làm. 

Chúc mọi người có một tâm thế mới – tốt hơn cho “bình thường mới” sau mùa Covid-19. 

Sài Gòn, ngày 30 tháng 05 năm 2020