Ngày xưa, cái tôi của tôi nó to lắm, nó to đến nỗi tôi luôn cho rằng mình là giỏi giang, mình ít có khuyết điểm, và vì thế tôi thường tỏ ra có vẻ vượt trội so với người khác, nhưng sau nhiều chuyện, sau nhiều trải nghiệm đớn đau, tôi mới hiểu ra, đa phần những sự nổi trội mà tôi có đến từ may mắn, ngoài ra thì tôi cũng chưa có nhiều thành tựu đến từ nỗ lực cá nhân lắm, và tất cả chỉ mới là sự khởi đầu (dù tôi ở độ tuổi 38), và giờ đối với tôi, sống một cuộc đời có ý nghĩa và hữu ích là một cuộc đời thành công chứ không nhất thiết phải tạo ra điều gì đó kỳ vỹ. Trong hai mươi năm gần đây, tôi thường gặp nhiều trúc trắc, nhưng nhờ đó tôi mới nhận ra những ngộ nhận của bản thân, và tôi cũng nhận ra, muốn có quyết định đúng đắn, tôi cần có thời gian để suy nghĩ thấu đáo và sau đó ra quyết định dứt khoát, để làm được điều đó, trước tiên tôi cần có được một tâm hồn tĩnh lặng.
Tôi xem tâm tĩnh lặng (gọi là tĩnh tâm) là trạng thái của tâm hồn như một hồ nước rộng và sâu, tâm không tĩnh như một vũng nước nông hoặc như một tấm gương. Khi bạn ném đá vào tấm gương, gương sẽ nứt vỡ và không bao giờ liền lại được. Khi bạn ném đà vào vũng nước, viên đá sẽ làm nước bắn đi, và viên đá vẫn hiển hiện. Nhưng khi tâm bạn là một mặt hồ lớn, viên đá sẽ tạo ra những vòng gợn sóng và lan tỏa ra xa, nhưng sau đó sẽ yếu dần và mặt hồ lại trờ nên yên tĩnh như cũ, còn đá sẽ chìm xuống dưới đáy hồ. Chiếc hồ lớn nhất trên thế giới mà chúng ta biết chính là đại dương bao la. Bạn có thể chọn hình thái của tâm hồn bạn, có thể là tấm gương, có thể là hồ nhỏ, có thể là đại dương và cũng có thể là một tấm nệm lò xo. Hay nói cách khác, bạn có thể chọn cách đối xử với những điều mà bạn tiếp nhận từ bên ngoài, và tùy theo cách đối xử, bạn sẽ thu được kết quả khác nhau.
Mọi lời khen, chê, phê bình, góp ý, chỉ trích, thậm chí là thóa mạ đều có mặt phải và mặt trái của nó. Việc của bạn là phải tĩnh tâm để chắt lọc những điều tốt đẹp từ những thứ mà bạn đón nhận. Khen chưa hẳn là tốt và chê chưa hẳn là vì người ta ghét mình. Người ta có câu “có lửa mới có khỏi”, hay “thing happens for a reason”, nên bạn cứ bình thản tiếp nhận, tĩnh tâm chờ mọi thứ lắng đọng và sau đó đón nhận những điều tích cực chắt lọc từ đó. Đừng vội phản kháng, đừng vội chê trách, bình thản tiếp nhận tất cả, và học hỏi từ đó. Bộ não của chúng ta dù là những cỗ máy siêu hạng, nhưng nó cũng cần có một khoảng thời gian để xử lý ra quyết định đúng đắn. Tùy tình huống mà bạn có thể chon khoảng thời gian giúp tâm tĩnh lặng ngắn hay dài rồi sau đó ra quyết định. Nóng vội phản ứng sẽ làm chúng ta tiêu tốn năng lượng, tạo ra chấn thương cho bản thân và khó phục hồi. Tĩnh tâm để bỏ qua những thứ vô ích và tập trung trí tuệ vào những điều hữu ích.
Tĩnh tâm để gạn đục, khơi trong.
Bất cứ ai trong chúng ta cũng có vô số nhu cầu, nhu cầu mong muốn phát triển, nhu cầu an yên, thể hiện bản thân… Nói một cách gần gũi hơn, trong trường hợp của tôi chẳng hạn, tôi muốn an bình, nhưng tôi cũng muốn phát triển, tôi cần tiền để có thể làm được nhiều việc – mua được những thứ tôi thích (khá đắt tiền), tôi cần có thời gian để có thể làm việc mình thích và chăm sóc gia đình, tôi cũng muốn được thăng tiến – được xem trọng, tôi thích học hỏi những điều mới mẻ, tôi cũng mong có thể tạo được những kiệt tác của riêng mình, tôi cũng thích giao du. Nghĩa là, mong muốn thì vô chừng, nhưng thời gian và sức người thì hữu hạn, tôi không thể đòi có cả thế giới, không thể mong làm được điều kỳ vỹ nhưng chỉ làm tám tiếng mỗi ngày, hoặc không thể mong muốn phát triển nhưng đêm về chỉ xem phim và đọc tin tức, tôi phải biết chọn lựa và có chiến lược sử dụng tài nguyên hợp lý để có kết quả tốt nhất mà tôi có khả năng làm được. Tài nguyên ở đây là thời gian, sức khỏe, trí tuệ, tiền bạc, mối quan hệ và tất cả những thứ mà tôi sở hữu. Để ra được quyết định đầu tư đúng đắn, tôi cần có khoảng lặng để suy nghĩ, hay nói cách khác, tôi cần lắng đọng mọi thứ, sắp sếp trật tự của các nhu cầu và sau đó chọn chiến lược để đầu tư tài nguyên mình có để tôi có thể đạt được kết quả tối ưu theo ý muốn của tôi. Chúng ta không thể có được mọi thứ, thế nên chúng ta cần phải đủ tỉnh táo để chọn lựa. Theo tôi, mỗi ngày chúng ta nên để dành cỡ một tiếng để tĩnh tâm và sau đó quan sát chính bản thân, suy nghĩ về những điều đã xảy ra, và đưa ra chiến lược hành động sắp tới.
Tâm càng tĩnh lặng, quyết định càng chín chắn.
Với dạng người hiếu thắng, thích thành tích như tôi, việc luyện tập để có tâm tĩnh không hề dễ dàng, nhưng một khi đã đạt tời thì sự hiếu thắng cũng sẽ không còn, thay vào đó là một lòng biết ơn vô hạn với trời đất và tất cả mọi người về những điều tốt đẹp mà tôi được tiếp nhận. Và hơn hết thảy, tôi yêu tất cả mọi thứ xung quanh mình, và yêu tất cả mọi người.
Những người xung quanh bạn phản ánh chính bạn đấy.
Sài Gòn, ngày 29 tháng 07 năm 2020