Khi gặp bất kỳ ai, tôi thường hỏi họ về ước mơ của của họ và hiện tại họ đang đi đến bước nào để thực hiện ước mơ đó, và câu trả lời của tôi thường gặp là “mình chưa đủ điều kiện để bắt đầu” hoặc “hoàn cảnh hiện tại của mình không cho phép mình mạo hiểm”. Thoặt nghe, cứ tưởng như ước mơ của những người đó vĩ đại lắm, nhưng té ra, ước mơ của họ cũng giống bao người khác mà thôi, có người muốn mở quán cafe, có người mơ ước sản xuất túi xách, người khác mơ tự mở doanh nghiệp gia công phần mềm… Khổ nỗi, ít người dám bắt đầu vì họ cho rằng họ chưa đủ mạnh (nghĩa là chưa đủ điều kiện).
Thực ra, sự trì hoãn cho việc bắt đầu thực hiện ước mơ là tư duy của những người tâm lý yếu, và những người thành công là bởi vì họ có tư duy của kẻ mạnh.
Tôi gặp nhiều bạn thích viết văn, bản thân tôi cũng là người từng có mơ ước sẽ trở thành nhà văn, nhưng không ai bắt đầu viết cả, mọi người luôn có đủ lý do để không bắt đầu viết. Nhưng cách đây nhiều năm, có một kẻ tay ngang chập chững viết văn và cuốn sách đầu tay có tên là “Quẩn quanh trong tổ”, ngày ra mắt cuốn sách đó, tôi tình cờ có mặt ở quán cafe mà bạn ấy (Phan An) tổ chức giới thiệu sách. Và khi đọc vài chương đầu của Phan An, tôi là người đầu tiên chỉ trích lối viết còn non tay của bạn ấy với những dòng nhận xét như sau:
“Cả tháng nay bác ấy nổi như cồn với cuốn sách đầu tay “Quẩn quanh trong tổ”. Chưa nhận xét đến câu chữ, thì ít nhất cuốn sách này cũng đem đến sự mới lạ cho nền văn học Việt Nam đang hồi ảm đạm. Tôi đọc qua thì trong bụng cứ nghĩ thầm “Ồ, có Ngô Tất Tố mới đây!”. Tất nhiên PA ko phải là Ngô Tất Tố, cũng không có giọng văn nhẹ nhàng của thế kỷ XIX, văn của PA là một mớ nỗi niềm chất chứa, cứ phun ra ào ạt như một anh bị uống quá nhiều nước mà lại nín tiểu lâu ngày. Đọc blog của PA hay sách của PA, ta cần chuẩn bị trước cho lối văn không giống ai, bạn ấy giỏi sử dụng “điển tích”, đưa hơi thở của ngôn từ thường ngày vào trong văn, khiến ta cứ đọc văn của bạn ấy thì có thể liên tưởng đến trăm nghìn chuyện đã trôi qua trước mặt mà ta vốn không để ý.”
Dù chê Phan An viết còn non tay, nhưng tôi chưa bao giờ bắt đầu cho cuốn tiểu thuyết mà tôi nghĩ đến, thậm chí tôi còn ngừng viết truyện ngắn nữa cơ vì luôn nghĩ rằng mình chưa đủ tốt. Đến ngày tôi còn cho rằng mình viết chưa đến đâu thì Phan An đã xuất bản cuốn sách thứ ba và chất văn của bạn ấy đã thực sự chỉn chu và tôi không có gì để chê bạn ấy nữa rồi. Với tôi bạn ấy có tư duy của kẻ mạnh.
Câu chuyện thứ hai là về một cậu bạn đồng nghiệp của tôi, cách đây vài năm cậu ấy để dành tiền để mua một căn hộ chung cư, bỗng dưng cậu ấy bán căn hộ chung cư đi rồi cho cả nhà đi ở nhà thuê, còn cậu ấy thì trích một số tiền từ khoản tiền bán nhà để bắt đầu công việc làm và phát hành phần mềm của mình, cậu ấy học cách chơi và kiểm soát dòng tiền, và đến bây giờ cậu ấy đã độc lập tài chính, có nhiều dòng tiền để nuôi sống bản thân và gia đình, các dòng tiền đó còn tạo ra tiền để cấu ấy phiêu lưu với những trò chơi mới. Nếu cậu ấy không bán căn hộ giá trị 1.9 tỷ, có lẽ hiện tại cậu ấy vẫn có trong tay một căn hộ chung cư và một hai tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm, nhưng cậu ấy sẽ không có những phần mềm đang bán chạy, không có nhiều dòng tiền chảy vào túi, và cậu ấy cũng chỉ là người bình thường như bao người khác mà thôi. Với tôi, cậu bạn này có tư duy của kẻ mạnh.
Ví dụ thứ ba là về một bạn nhỏ tôi vừa gặp cách đây mấy hôm, bạn ấy chỉ mới 21 tuổi, nhưng đã và đang xây dựng một thương hiệu thời trang, liên hệ bên gia công để sản xuất, tự mình lo khâu thiết kế, quảng cáo và phát hành, và dù chỉ mới là bước khởi đầu với nhiều chông gai, nhưng bạn ấy đã bắt đầu. Bật mí với tôi, bạn ấy cho biết đã vay gia đình và bắt đầu tất cả với khoản nợ 57 triệu đồng. Áo quần mà bạn ấy thiết kế đẹp, dù có thể chưa bán được với số lượng lớn, nhưng tôi tin là với thái độ quyết liệt, không ngại khó, không sợ thất bại và ham học hỏi bạn ấy sẽ tiến tới. Với tôi, bạn ấy là kẻ mạnh.
Tôi lại có những đồng nghiệp khác, có trong tay hàng chục tỷ, luôn bàn về những ước mơ kinh doanh cái này cái kia, nhưng chưa bao giờ bắt đầu. Họ có tiền, có địa vị, nhưng họ lại không bắt đầu với trò chơi mà họ trông đợi, mặc dù đôi ba tỷ đồng đối với họ chỉ như một chiếc máy ảnh mà tôi sở hữu đối với tôi mà thôi. Khi bạn ở vị trí quản lý, bạn sẽ hiểu rằng, một người có đủ khả năng để kinh doanh hoặc quản trị nhiều công ty khác nhau cùng một lúc, thế nên, mọi lý do để biện minh cho sự trì hoãn đều không hợp lý trừ hai lý do: một là do ước mơ đó không phải là ước mơ thực sự của họ, hai là họ không có đủ dũng khí để thử làm và chấp nhận thất bại. Với tôi, dù họ giàu, giỏi và tiềm lực tái chính mạnh, họ vẫn chưa có tư duy của kẻ mạnh.
Tư duy của kẻ mạnh, đối với tôi, là tư duy dám đặt mình ngang hàng với những người mà mình cảm thấy được truyền cảm hứng từ phía họ, và là tư duy dám bắt đầu và kiên trì theo đuổi ước mơ của chính mình. Người mạnh là người không sử dụng “tư tưởng nạn nhân” để làm rào cản cho việc thực hiện những mục tiêu của mình. Người mạnh là người không thần tượng người khác quá đà và cho họ đứng trên bệ thờ rồi tự cho mình không bao giờ có thể làm được những điều như thần tượng mình có thể làm được.
Con người ai cũng có hai bốn tiếng mỗi ngày, bảy mươi năm cuộc đời để sống, học tập và làm việc. Là con người, xuất phát điểm có thể khác nhau, nhưng không phải ai có xuất phát điểm giống nhau đều có kết quả như nhau. Thực tế chứng minh, có nhiều người xuất thân hèn kém nhưng đã thành công rực rỡ, và có nhiều người sinh ra trong lầu son gác tía nhưng cuộc đời chả đi đến đâu. Vậy sự thành công đến từ điều kiện ban đầu hay đến từ sự trưởng thành và vững chãi của tư duy?
Nếu Lý Tiểu Long không ham học hỏi, không dám phá vỡ thông lệ, đi học nhiều môn võ, rồi dạy võ thuật cho người nước ngoài, sau đó tự mình phát triển một môn võ mới và xem mình như nhất đại tông sư cho một phái võ thuật thì Triệt Quyền Đạo và triết học võ thuật của Lý Tiểu Long không bao giờ tồn tại, may ra thì người ta chỉ biết đến Lý Tiểu Long như là một đệ tử tài năng của Diệp Vấn và Vịnh Xuân Quyền mà thôi. Nên nhớ, Lý Tiểu Long có được những thành tựu phi thường đó khi ở độ tuổi ba mươi đấy bạn ạ.
Hãy thử nghĩ, nếu như tôi yêu thích triết học và tâm lý học, nhưng không bao giờ dám suy nghĩ độc lập và nói lên chính kiến của mình, thay vào đó tôi chỉ suốt ngày đọc hết sách này tới sách khác rồi chỉ trích dẫn lời của các bậc thầy trong những bộ môn đó, thì đến bao giờ tôi mới có thể nói được những lời của chính tôi? Tôi có thể tham khảo triết lý của Bụt, Seneca, Lão Tử, Marcus Aurelius, Schopenhauer, Nietzsche hay của Plato, nhưng nếu tôi chỉ suốt ngày nói lên chính kiến của họ mà không nói chính kiến của chính tôi, vậy thì tới lúc nào tôi mới có thể tự viết được một tiểu luận của riêng mình?
Dù tư duy của chúng ta non nớt, dù ta có thể nói sai hoặc lý thuyết của chúng ta chưa hoàn thiện, nhưng đừng vì vậy mà yếm thế, đừng vì vậy mà không dám bắt đầu. Kẻ mạnh không phải vì họ có đầy đủ điều kiện, kẻ mạnh là kẻ dám thực hiện điều mà họ muốn làm.
Hồ Chí Minh không thể lãnh đạo thành công cuộc cách mạng vì độc lập tổ quốc nếu ông ấy không bắt đầu với việc tạo ra một đội ngũ vài chục người yêu nước và nuôi chí lớn cho ngày giành được độc lập cho dân tộc Việt Nam. Ông Vượng sẽ không có Vingroup nếu ổng chỉ có tư duy duy lợi, và chỉ bán mỳ tôm ở Nga. Ông Đoàn Nguyên Đức cũng chỉ sẽ đừng lại ở việc làm xưởng gỗ nếu ông ấy không có ước mơ và tư duy của kẻ mạnh.
Bạn yếu trước tiên là vì bạn cho rằng bạn yếu mà thôi.
Muốn mạnh thì trước tiên phải có tư duy của kẻ mạnh đã!
Sài Gòn, ngày 28 tháng 07 năm 2020