Quốc gia – Dân Tộc

Nếu bạn quan tâm đến lịch sử và các thể chế chính trị, bạn sẽ nhận ra con người đã tiến hóa xa đến thế nào trong việc tổ chức bộ máy hành chính để quản lý một đất nước và con người giỏi như thế nào để có thể quản trị được đất nước và chính doanh nghiệp của mình. 

Một ví dụ điển hình về tổ chức hành chính là so sánh nước Tàu thời Đông Chu và thời Tần Thủy Hoàng. Nước Tàu thuở xưa đông, nhưng chia ra hàng trăm vùng miền khác nhau và được quản lý bởi những quy tắc vô cùng lỏng lẻo. Trong vùng đất rộng lớn của China, đứng đầu mỗi nước là một dòng họ, người đứng đầu dòng họ đó sẽ là vua, nhiều nước gộp lại với nhau cùng xưng hầu với một nước lớn, thời đó người ta gọi là thời Đông Chu, tức là nhà Chu trị vì thiên hạ của Trung Quốc. Nói là vậy, nhưng nhà Chu suy yếu, và vì không ai đủ mạnh để tiếm quyền và quản lý nên các nước chư hầu vẫn cống nộp và duy trì trật tự xã hội đó. Cát cứ một phương thì dễ, nhưng có đủ thực lực để xưng vương và trấn áp mấy chục nước ở thời Đông Chu không phải dễ dàng. Suốt cả vài trăm năm thời Đông Chu, cũng có những nước mạnh tới mức trở thành bá chủ, hoặc có nước tự tiếm hiệu xưng vương như nước Sở, nhưng chưa có nước nào thực sự có khả năng khống chế được cả Trung Quốc thời bấy giờ. Chỉ có Tần Thủy Hoàng, sau khi thắng được lục quốc và cải cách thể chế chính trị, bãi bỏ việc phong đất cho chư hầu và lập ra các quận huyện, đứng đầu các quận huyện là quận thú, và huyện lệnh, do chính quyền trung ương bổ nhiệm và có thể điều động đi bất cứ đâu. Nói cách khác, không còn chư hầu và không còn cha truyền con nối nữa. Nước Trung Quốc mà chúng ta biết hiện tại vẫn giữ cách quản lý đó. Cái tên China mà phương Tây nhắc tới được bắt đầu bởi chữ Cin (nhà Tần) của Tần Thủy Hoàng. 

Ngẫm lại, để quản trị được một đất nước Trung Quốc rộng lớn, thì cần phải có một thể chế chính trị phù hợp. Và tương tự như vậy, các nước như Mỹ hoặc Ấn Độ cũng phải có thể chế chính trị phù hợp để quản lý được đất nước với vùng lãnh thổ rộng lớn và có nhiều sắc tộc. Khả năng chia rẽ luôn có thể xảy ra, và các nước này luôn phải có chính sách để đối phó với xu hướng đó, nếu không Trung Quốc sẽ không còn là Trung Quốc, và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng sẽ không còn tồn tại. 

Chúng ta từng biết đến đội quân Mông Cổ đánh thắng và xâm chiếm đến Châu Âu và là để quốc lớn nhất thế giới khi chiếm được cả Trung Quốc, nước Nga, và ½ Châu Âu, nhưng họ không duy trì được đế quốc của họ trong thời gian dài vì bị đồng hóa và mâu thuẫn của bên trong các bộ tộc của người Mông Cổ, nhưng theo tôi, họ không có được một thể chế chính trị đủ tốt để quản lý được một đế quốc lớn đến nhường đó. Đế quốc Nguyên Mông được lập ra nhờ học tập thể chế chính trị của đất nước Trung Hoa cũng không tồn tại được lâu. 

Đến nay, chỉ có nước Mỹ là một đất nước đa sắc tộc, nhiều tiểu bang mà vẫn tồn tại và tồn tại lâu đời nhất, đó chính là điểm mạnh và cũng là điểm yếu tiềm tàng của nước Mỹ. Nước Mỹ dù là đất nước mạnh nhất thế giới về mặt kinh tế – chính trị cho đến hiện tại, nhưng họ cũng có thể bị chia rẽ, bởi họ là hợp chủng quốc và đa sắc tộc. Người da trắng chiếm đa số ở Mỹ, trong đó người da trắng chiếm 74% dân số, người da trắng không nói tiếng Tây Ban Nha chiếm 65% dân số, trong đó người gốc Đức, Ái Nhĩ Lan và Anh chiếm 37.4% dân số. Sắc tộc là yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của các quốc gia, vì tỷ lệ dân số như vậy, nước Mỹ luôn duy trì đồng minh với các nước châu Âu và đặc biệt là nước Đức và nước Anh, vì họ có lợi ích thiết thân với nhau, hay nói cách khác, đa phần các sắc tộc người Anh và người Đức đang chiếm quyền kiểm soát nước Mỹ. Sự đang dạng về sắc tộc tạo nên thế mạnh của nước Mỹ, nhưng nếu người da trắng bị mất thế mạnh đa số thì nước Mỹ sẽ bị dẫn đến tình trạng chia rẽ. Duy trì sắc tộc ưu thế phải là chính sách của nước Mỹ nếu muốn tạo ra sự nhất quán dù vẫn ủng hộ đa sắc sắc tộc và di dân. 

Nước Trung Quốc có dân tộc Hán chiếm gần 98% dân số và họ gần như không thể bị tiêu diệt hoặc chia tách, bởi tính chất dân tộc sẽ lôi kéo họ lại gần nhau. Các dân tộc khác đã bị đồng hóa và thôn tính bởi người Hán, trong đó có thể kể đến người Bách Việt, người Hung Nô. Người Việt Nam chúng ta là một sắc tộc lớn không bị người Hán đồng hóa và thôn tính. Bên cạnh chúng ta còn có người Nhật Bản, người Ấn… Có thể nói sắc tộc đảm bảo cho tính trường tồn của các quốc gia. Trên thế giới vẫn có những dân tộc lớn nhưng không có tổ quốc như người Kurd, và họ vẫn đang đấu tranh để có được một đất nước của riêng họ, bởi chỉ như vậy họ mới có thể có được quyền lợi cạnh tranh so với các sắc dân khác. Người Đức là một sắc dân lớn với tổng cộng hơn 180 triệu người trên toàn thế giới, người Nhật cũng là một sắc dân lớn với 130 triệu người. Nhưng nếu nói đến các dân tộc lớn nhất thế giới, chúng ta phải kể đến người Hán và người Ấn. Người Hán chiếm 20% dân số thế giới, khoảng 1.3 tỷ, kế đó là người Ấn 1.2 tỷ. Người Việt chúng ta có khoảng 85 triệu người trên toàn thế giới, và con số đó vẫn sẽ còn tăng, và đó chính là điều kiện tiên quyết giúp Việt Nam trở thành một dân tộc lớn và có tiếng nói có trọng lượng đáng kể trên vũ đài chính trị của thế giới.

Tôi không phải là một người làm chính trị, nhưng trong một đêm nhàn rỗi, ngồi đọc một chút về các nước lớn, tôi nhận ra rằng điều kiện tạo nên một nước lớn trường tồn thường bao gồm hai yếu tố chính, đó là sắc dân chiếm vị trí chủ đạo và thế chế chính trị (cách thức quản trị đất nước) phù hợp. Nếu không có được hai yếu tố đó, các đế chế sẽ sớm suy tàn. Nếu nhìn ở khía cạnh đó, dân tộc Việt là một dân tộc lớn vì nó là một dân tộc bất khuất, nhưng cái mà người Việt ta có thể chưa mạnh và chưa phải là lợi thế là sự sáng tạo và cải tiến trong sản xuất. Khi chúng ta làm ra nguồn của cải lớn, có thể đem đi trao đổi với toàn thế giới thì văn hóa Việt mới trở thành một thứ văn hóa phổ biến được.

Sài Gòn, ngày 12 tháng 08 năm 2020