Điểm cân bằng (cốc nước chênh vênh)

Bạn có từng bị quá tải trong công việc? Bạn có từng cảm thấy mệt mỏi vì phải chăm lo quá nhiều cho người khác nhưng không có đủ thời gian cho bản thân? Bạn đã từng nghiệm game, thích ăn nhậu? Bạn hẳn đã từng cảm thấy trống rỗng, không còn biết mình phải nên làm gì? Những lúc đó, hẳn bạn sẽ như tôi, trong lòng tràn ngập cảm giác bất an, “chênh vênh”. Cái cảm giác “chênh vênh” chính là cảm giác mất cân bằng đấy bạn ạ.  

Những năm tôi đi dạy, bước lên bục giảng là tôi có sinh khí, nhưng đến khi rời bục giảng, tôi như con mắm nằm yên trong hũ vì chán, dường như tôi không tìm được nguồn vui trong phần còn lại của công việc, thế là tôi lao vào chơi game để kiếm niềm vui. Những năm gần đây, có những lúc chông chênh, có những thời điểm tưởng như bế tắc trong công việc hoặc cuộc sống, tôi bị mất đi niềm vui, và thế là tôi chọn nhiếp ảnh như một thú chơi, và đâu đó, nó hữu ích hơn nhiều so với việc chơi game, tôi có được những bức ảnh đẹp, và có thể lưu giữ được mọi khoảnh khắc, những điều đẹp nhất mà tôi từng thấy trong đời. Một số người ngày lao đầu vào công việc, tranh đua, bon chen, thì họ sẽ tìm hội bạn thân để tìm cảm giác vui vẻ, trút bớt muộn phiền, hoặc xây dựng những góc nhỏ ở nhà như một góc thiền, có thể ngồi nhâm nhi tách trà, chăm cây, nhìn hoa nở để lòng bớt ưu phiền. Đó là một cách để họ tìm lại điểm cân bằng của cuộc sống.  

Tâm hồn của chúng ta cũng giống như ly nước, khi bạn để ly nước lên mặt phẳng, nước sẽ tĩnh lặng, cân bằng, Khi bạn nghiêng cốc nước, nước sẽ chảy từ điểm cao về điểm thấp hơn để tìm kiếm trạng thái cân bằng. Nhưng nếu bạn nghiêng cốc nước nhiều quá, nước sẽ đổ ra khỏi cốc, và rồi nó cũng sẽ đạt được trạng thái cân bằng, nhưng cốc sẽ ít nước hơn. Nếu bạn chọn cho chiếc cốc một ví trí quá mất cân bằng, toàn bộ nước sẽ bị đổ đi hết, chiếc cốc bây giờ sẽ cạn nước, không còn gì cả, cũng giống như con người, khi bị rơi vào trạng thái quá cực đoan sau đó dẫn đến trầm cảm nặng nề, và rồi con người gần như trống rỗng, thất thần, và không còn năng lượng để níu giữ cuộc sống nữa, lúc đó chúng ta mất thăng bằng hoàn toàn, tinh thần như cốc nước bị đổ, nước tràn ra ngoài đất và thấm vào đất sâu vậy đó. Tâm hồn của chúng ta như những cốc nước, nó có thể nghiêng ngả, cũng có thể vơi bớt, và cũng có thể không còn giọt nước nào.  

Nếu chúng ta không cẩn thận, những điều chúng ta làm để tìm sự cân bằng lại là thứ đẩy chúng ta đi xa điểm cân bằng hơn, chênh vênh hơn. Những người gặp niềm đau trong cuộc sống, tìm đến rượu, thuốc lắc để quên sầu, sẽ khiến cho niềm đau càng trầm trọng hơn. Những người bị tổn thương, tìm cách né tránh những thứ gây ra xung đột, khiến cho vùng an toàn càng lúc càng nhỏ dần đi, lại khiến cho họ càng mong manh dễ vỡ hơn nữa. Những người ban đầu thiếu thốn vật chất, nên luôn tìm cách làm cho túi càng lúc càng dày lên, nhưng lại không tìm cách đáp ứng những nhu cầu khác của bản thân sẽ cũng bị đẩy đến thái cực.  

Ai cũng cần được cân bằng, như vậy mới có thể sống lành mạnh được, nhưng điểm khó nhất đó là làm sao để xác định được đâu là trạng thái cân bằng. Nếu muốn thiết lập được trạng thái đó, việc đầu tiên bạn cần đạt tới đó là hiểu được bản thân, mà cụ thể ở đây là hiểu rõ được các nhu cầu cơ bản của bản thân. Khi hiểu rõ được các nhu cầu đó, bạn sẽ điều phối được thời gian, tiền tài vật lực để tìm ra được điểm cân bằng. Tôi đã viết bài phân tích về các nhu cầu cơ bản ở bài viết “Cân bằng cuộc sống – khó mà dễ, dễ mà khó”, bài viết ấy có thể hữu ích cho các bạn đi tìm điểm cân bằng cho chính mình.  

Bài viết này chưa đề cập đến việc làm sao để đổ đầy cho cốc nước đã bị vơi đi, mong là tôi sẽ sớm có thời gian để viết về cách làm đầy cốc nước.  

Chúc bạn đọc luôn đạt được trạng thái cân bằng và có cuộc sống bình an!  

Sài Gòn, ngày 07 tháng 08 năm 2020