Cân bằng cuộc sống – Khó mà dễ, Dễ Mà Khó

Chông chênh, chênh vênh, mất cân bằng… là những cụm từ mà chúng ta thường nói đến cảm giác của bản thân khi phải tập trung quá nhiều cho một thái cực nào đó và dẫn tới sự mất cân bằng trong cuộc sống. Nhưng như thế nào là mất cân bằng, và như thế nào gọi là cân bằng? Chúng ta phải trả lời được câu hỏi đó trước đi tìm một giải pháp tốt để có thể có được một cuộc sống cân bằng hơn. 

Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng có nhiều nhu cầu dành cho bản thân. Nếu bạn để dành một ít phút để suy nghĩ xem thử bạn cần gì, bạn sẽ phát hiện ra mình cần rất nhiều thứ, tuy nhiên, tùy mỗi thời điểm, bạn sẽ muốn thứ này nhiều hơn thứ khác, nhưng nhìn chung, nếu các nhu cầu đó được thõa mãn phần nào, bạn sẽ thấy cân bằng, nhưng nếu có một hoặc một vài nhu cầu không được đáp ứng bạn sẽ thấy chông chênh ngay. 

Nếu bạn rời xa gia đình đi đến một thành phố lớn để làm việc kiếm sống bạn sẽ có nhu cầu có nhà ở đủ tốt, có thu nhập ổn định, và vì thế nếu thu nhập của bạn chưa được cao, hoặc bạn chưa có nhà, bạn sẽ cảm thấy trong lòng bất an, và do đó bạn sẽ luôn ước ao có thu nhập cao hơn, và ước ao bản thân được sở hữu một ngôi nhà chứ không phải sống kiếp ở thuê, và thế là bạn lao vào công việc, mong kiếm được thật nhiều tiền, bạn sẽ làm việc cả ngày lẫn đêm để có thể tích lũy được nhiều hơn, nhưng điều đó cũng có thể dẫn đến trạng thái mất cân bằng, bởi bạn còn có những nhu cầu khác như là được giao lưu cùng bạn bè, đi du lịch hoặc chỉ đơn giản là có đủ thời gian để dành cho một thú vui nào đó (độ xe máy chẳng hạn). Kể cả khi kiếm được nhiều tiền hơn, có thể bạn vẫn không muốn bớt làm việc đi bởi nối sợ cuộc sống không dễ dàng sẽ quay trở lại càng làm bạn phải lao động cật lực hơn, thế nhưng bạn vẫn cảm giác mọi thứ không cân bằng, bạn cần phải được nghỉ ngơi, bạn cần có nhiều thời gian hơn để dành cho gia đình, nhưng mặc khác bạn lại luôn tự nhủ rằng chỉ cần cố thêm một chút nữa, bạn sẽ đến được cái đích về tài chính bạn muốn, và lúc đó bạn sẽ được thảnh thơi hơn, nhưng có lẽ thời điểm đó không bao giờ đến cả, bởi bạn sẽ đặt ra mục tiêu tài chính lớn hơn sau mỗi năm, và cái vòng lặp đó không bao giờ dừng lại cả. Tôi còn nhớ cái ngày tôi ở trường đại học đi dạy với mức lương 1.1 triệu một tháng, tôi mơ ước một công việc có thu nhập ổn định tầm 5 triệu đồng một tháng, sau đó tôi có công việc thu nhập 5 triệu một tháng, tôi lại mơ ước công việc có thu nhập tốt hơn nữa (vì lúc đó tôi bắt đầu phải nghĩ đến việc lập gia đình)… Đến giờ, thu nhập của tôi cao hơn khá nhiều lần thu nhập 5-10 triệu thuở xưa, nhưng liệu tôi đã dừng lại, hay vẫn mong nhiều hơn? 

Cũng có khi bạn mong chờ được mọi công ty và xã hội ghi nhận sự đóng góp của bạn, nên bạn tự nhủ rằng bạn cần phải nỗ lực nhiều hơn, thế là bạn làm việc bất kể ngày đêm, bạn mang việc về nhà, bạn thức khuya để có thể hoàn thành công việc và bạn quên luôn cái khái niệm “cuối tuần thảnh thơi” là như thế nào vì bạn thực sự muốn hoàn thành công việc và được sự tưởng thưởng. Bạn không quên rằng con cái bạn vẫn cần bạn, bạn cũng không quên rằng sức khỏe bạn đang gióng hồi chuông báo động, nhưng biết sao được, nếu muốn vượt trội hơn, bạn phải cố gắng hơn. Nếu bạn thấy quen quen với chuyện này, bạn đang mất cân bằng đấy.

Cũng có những lúc bạn mất cân bằng theo hướng ngược lại, bạn có một cuộc sống vui vẻ, bạn có nhiều bạn bè, bạn thường tham gia các buổi nhậu vào buổi chiều tối, đêm về bạn giải trí với các tựa game trên máy PS4 thế nhưng ở công ty, bạn chỉ làm việc làn nhàn và không được đánh giá cao, bạn khá lo lắng về tương lai của chính bạn, thế nhưng bạn không dứt ra khỏi được một cuộc sống thoải mái như vậy được. Làm việc quá giờ là điều bạn không chấp nhận. Bỏ thêm thời gian để học tập vào buổi tối là việc của thời sinh viên chứ không phải bây giờ. Nếu bạn thấy hiện tượng này quen thuộc, bạn cũng đang mất cân bằng đấy, bởi bạn có thừa sự vui vẻ nhưng cũng không thiếu nỗi âu lo về địa vị, chẳng qua là bạn không dũng cảm thú nhận mà thôi. 

 Có những người vì quá lo cho gia đình nên dành hết thời gian quán xuyến tất cả mọi thứ, từ kinh tế cho đến việc nhà, rồi chăm con và vì vậy họ không còn chút thời gian nào để chăm chút cho bản thân và cũng không có thời gian để làm những điều họ thích. Ngày xưa họ có thể ngồi gảy đàn guitar, hoặc đi cafe với bạn bè. Ngày nay, mỗi khi xong việc nhà thì cũng đã gần đến nữa đêm, thế nên họ tặc lưỡi cho qua nhưng trong lòng vẫn thấy cân cấn và thiêu thiếu điều gì đó. Bạn sẽ tự nhủ, hy sinh một chút rồi cũng sẽ đến ngày thảnh thơi. Ngày thảnh thơi có thể sẽ đến, nhưng nó còn rất xa, và bạn sẽ phải đối diện với cảm giác mất cân bằng mỗi ngày. 

Bạn thành đạt ở công ty, thu nhập cao nhưng bạn không có người yêu. Ai hỏi, bạn bảo bận biết bao nhiêu là việc nên cũng không quan tâm lắm. Bạn thường xuyên đi du lịch và đi chơi với hội bạn, nhưng bạn vẫn có cảm giác thiếu thốn điều gì đó, bởi khi đêm về, ai về nhà nấy, tụi bạn bận tâm sự với người yêu, đứa có gia đình thì đang vui vầy với chông con, còn bạn nằm trong căn phòng trống với một con gấu teddy to tướng không biết nói, bạn ôm nó và thoáng nghĩ, phải chi đây là một bàn tay – một khuôn ngực ấm áp. Bạn cần có sự quan tâm, bạn cần được săn sóc, bạn cần có một ánh mắt yêu thương, và bạn đã mất cân bằng từ lúc nào mà chẳng hay.

Làm sao để có cảm giác cân bằng?

Làm sao để có thể thỏa mãn mọi nhu cầu? Liệu bạn có nhận thức được bạn cần gì nhất không? Đâu là những nhu cầu cơ bản nhất của bạn? 

Bạn có thể nghiên cứu về tháp Maslow, về những chủ thuyết khác về nhu cầu của con người, và bạn phát hiện ra, dù nhìn ra nhu cầu của mình rồi đó, nhưng tự bản thân bạn không đáp ứng được với khoảng thời gian giới hạn mà bạn có. Thật bế tắc phải không? 

Với tôi, mỗi con người có một số nhu cầu cơ bản cần được đáp ứng:

  • Một là nhu cầu được an toàn, tức là có cơm ăn, áo mặt, có chỗ để ngủ, chăn ấm, nệm êm, nơi sống không có gì nguy hiểm đến tính mạng, không lo lắng nhiều về trộm cướp, bóc lột, ức hiếp.. Khi bạn đi làm, bạn cần có cảm giác an toàn để có thể làm những công việc bạn được giao, bạn mong chờ có được những sự trợ giúp vừa đủ để bạn có thể làm tốt được việc của mình. 
  • Hai là nhu cầu được quan tâm, nghĩa là bạn phải thực sự hiện hữu trong mắt người khác. Bạn cần được những người bạn quan tâm quan tâm đến bạn, bạn muốn có cảm giác được chăm sóc bởi những người đó. Bạn yêu ai, bạn sẽ mong được người đó yêu lại. Bạn thích kết bạn với ai, bạn sẽ mong chờ người đó sẽ xem bạn như là bạn bè. Bạn là sinh vật xã hội nên cần ai đó để trò chuyện. 
  • Thứ ba, bạn có nhu cầu được sống theo cách của bạn và bạn là duy nhất. Bạn sẽ buồn nếu bạn giống y hệt ai đó. Bạn nên được sống đời của bạn theo cách của bạn. Tất nhiên, có một số người cố sao cho giống thần tượng của mình, nhưng đó lại là một câu chuyện khác, bởi có cố bạn cũng không thể giống người ta được.
  • Bốn là nhu cầu cống hiến và được ghi nhận về sự cống hiến đó, tôi tạm gọi đó là cảm giác “hữu ích”. Cảm giác hữu ích chỉ đến khi bạn biết mọi người cần bạn bởi bạn có thể đóng góp điều gì đó cho người thân, bạn bè, công ty, cho mọi người và cho xã hội và bạn nhận được sự ghi nhận của họ. Ai cũng mong muốn được xem là “hữu ích” trong mắt người khác, nếu bạn cảm thấy bạn là kẻ “vô dụng”, bạn sẽ cảm thấy mình không thật sự cần thiết cho cuộc sống này nữa. Cải cảm giác mình là người thừa thật kinh khủng phải không bạn. 
  • Thứ năm, bạn cần đáp ứng được nhu cầu tiến hóa và phát triển, nghĩa là, bạn cần phải nhìn thấy được sự tiến bộ của bản thân. Khi bạn phát triển, bạn cảm nhận được mình đang thực sự “sống”. Nếu bạn sống một đời mà không có sự thay đổi đáng kể nào trong nhận thức, nghĩa là bạn dậm chân tại chỗ, thì bạn sẽ cảm thấy không vui vì sự trì trệ của bản thân.  
  • Thứ sáu, đó là nhu cầu được sáng tạo (hay còn gọi là tự do). Sáng tạo là khả năng riêng nhất của loài người và nó làm cho loài người khác với các giống loài khác, thế nên, nếu bạn sống một cuộc sống mà ở đó bạn không được sáng tạo, hoặc không thể sáng tạo, bạn sẽ có cảm giác thiếu thốn và mất cân bằng ngay. Ví dụ, bạn luôn phải làm theo lời người khác bảo, và chỉ được phép làm đúng và làm đủ chứ không cần phải làm tốt hơn, bạn sẽ thấy không vui ngay. Hoặc nếu ba mẹ bạn luôn áp đặt bạn phải làm gì, sống như thế nào, ăn mặc ra sao, bạn cũng sẽ không vui ngay. Nếu ngày mỗi ngày, bạn đều phải làm những việc lặp đi lặp lại không có gì mới mẻ, bạn sẽ cảm thấy ngột ngạt bí bức ngay.
  • Thứ bảy, bạn có nhu cầu đạt tới giới hạn của bản thân và thực hiện được “sứ mệnh” mà bạn chọn. Thông thường khả năng mà bạn mong chờ có và sứ mệnh bạn chọn là hai thứ thường có sự liên hệ mật thiết với nhau. Người thợ thủ công mong muốn tạo ra được những vật dụng tân kỳ nhưng hữu dụng. Có người mong mở được tiêm bún ngon nhất cho mọi người. Người khác lại mong trở thành ca sĩ, được cất giọng ca trước khán giả mến mộ mình. Còn tôi, tôi mong mình giỏi lên để có thể giúp người khác có thể phát triển phù hợp với tiềm năng của họ. 

Trong bảy nhu cầu đó, mọi người thường nhận thức được bốn nhu cầu đầu tiên và không ít người không nhìn ra được ba nhu cầu sau, bởi khi và chỉ khi bốn nhu cầu đầu tiên được thỏa mãn phần nào, người ta mới để tâm tới những nhu cầu “sang chảnh” hơn.  Khi bạn có thu nhập ổn định, thỏa mãn được các nhu cầu cơ bản, thì bạn mới dám nghĩ nhiều hơn đến những công việc bạn thực sự thích và để bạn được chính là bạn. Nói tới đây bạn sẽ nhận ra ngay là tôi đang nói đến nhu cầu thứ bảy, đó là đạt được giới hạn của bản thân và làm điều bạn thích. Tưởng xa, hóa ra lại gần. Bảy nhu cầu đó luôn tồn tại trong bạn, nhưng vì bạn là cá thể tối ưu, bạn sẽ ưu tiên chọn những nhu cầu bức thiết nhất để xử lý và tạm quên những nhu cầu không quá bức thiết. Khốn khổ là, bạn là đồng sở hữu não bộ của bạn, và bộ não của bạn cũng làm chủ chính nó, bạn tự huấn luyện não bộ của bạn ưu tiên một số nhu cầu chính yếu bạn quan tâm, nhưng mặt khác, cái tôi của bạn (thứ mà bạn chưa nắm bắt được hoàn toàn) lại kêu gào cho những nhu cầu còn lại, điều đó dẫn đến nghịch cảnh là bạn cảm thấy không đủ đầy và hạnh phúc cho dù bạn đã làm được những điều mà bạn đã lên kế hoạch để làm (để phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu và quan trọng mà bạn nhận thức được và đặt ưu tiên cao cho cho chúng). Khi ý chí của bạn càng mạnh, bạn càng dễ quên đi những nhu cầu cơ bản khác của mình, nhưng nếu bạn nhận thức được những nhu cầu cơ bản của bản thân, nếu bạn biết rằng dù tạm gác một số nhu cầu sang một bên để bạn có thể tập trung giải quyết một số nhu cầu bức bách thì chúng vẫn còn đó, thì bạn sẽ cảm nhận được lý do tại sao bạn cảm thấy không được cân bằng và từ đó bạn sẽ biết phân bổ thời gian và tiền bạc một cách hợp lý hơn để giúp cuộc sống của bạn trở nên cân bằng hơn. 

Cuộc sống của tôi đã trở nên cân bằng hơn hẳn khi tôi biết điều phối nguồn lực của mình cho các nhu cầu mà mình có, tôi không còn cố trở thành người giỏi nhất trong mắt người khác, thay vào đó tôi sống làm sao để chính tôi cảm thấy hài lòng. Trong cuộc sống mà tôi thấy hài lòng đó, tôi có thu nhập đủ tốt, công việc đủ tốt (làm việc được ghi nhận, được mọi người tôn trọng), tôi được mọi người yêu thương, tôi hữu ích, tôi sáng tạo (chụp hình, viết lách, viết phần mềm nếu cần), tôi luôn tiến bộ (phát triển về trí tuệ, khả năng về nhìn nhận và phát triển con người, tâm lý học, triết học), và tôi sống theo cách của tôi, theo lối mà tôi thấy rằng nó tốt nhất cho tôi. Nói cách khác, dù cuộc sống có khó khăn này kia, tôi vẫn cảm thấy ổn vì mình được là chính mình và các nhu cầu cơ bản của tôi được đáp ứng tương đối đầy đủ, và tôi hài lòng về điều đó. 

Bạn có thể chọn “go extreme” (đi tới hạn) cho một nhu cầu nào đó. Bạn có thể chọn mục tiêu trở thành người giàu nhất, hoặc thành công nhất, nhưng bạn cần phải biết rằng mình sẽ rất khó để cân bằng cuộc sống vì mỗi người chỉ có chừng đó thời gian thời gian mà thôi, đầu tư thời gian cho thứ này thì sẽ không đủ thời gian cho những thứ khác. Bạn cần cân nhắc kỹ, và bạn cũng biết rằng, hiếm ai thành công rực rỡ mà dám tuyên bố rằng cuộc sống của họ rất cân bằng. Khi đã lựa chọn kỹ, bạn hiểu và chấp nhận những hệ lụy từ chính những lựa chọn của bạn, ví dụ như tôi chấp nhận những hệ lụy từ việc thức rất khuya để có thêm thời gian thành cho thú vui sáng tạo của chính mình (lúc tôi viết dòng này là 2:30 sáng, và tôi thường xuyên thức đến ba giờ sáng mỗi ngày).

Nói chung, quỹ thời gian bạn có thuộc về quyền sở hữu của bạn, hãy dùng theo cách của bạn và làm sao cho thỏa mãn được những nhu cầu cốt yếu mà bạn mong muốn. Hiểu biết hơn về nhu cầu của chính bản thân sẽ giúp bạn “đầu tư” một cách thông thái hơn. 

Chúc bạn có chiến lược đầu tư thông minh với quỹ thời gian hạn chế của chính bạn! 

Sài Gòn, ngày 22 tháng 07 năm 2020