Hôm nọ, trong một cuộc trò chuyện với một đồng nghiệp, cậu ấy nói với tôi rằng “Chuyện người ta nghĩ mình như thế nào không quan trọng, quan trọng là mình hiểu mình là đủ rồi. Nếu người ta không hiểu mình cũng không sao, chỉ cần mình hiểu mình là được rồi.”, tôi mới cười và bảo rằng “Thế khi không ai hiểu mình, mình phải làm sao?”, cậu ta lại đáp “Thì mình ở một mình, một mình thật thoải mái”. Tôi đáp lời “Nếu ta ở một mình, ta không là ai cả”. Phải mất đến cỡ mười lăm phút ngẫm nghĩ, cậu ấy mới lờ mờ hiểu được điều tôi muốn nói là gì.
Con người chúng ta là những sinh vật xã hội, và dù chúng ta có quyền để được sống riêng tư, nhưng chúng ta vẫn cần kết nối xã hội, chỉ khi có được kết nối xã hội, chúng ta mới thực sự phát triển và khẳng định được bản ngã của bản thân. Bất cứ ai trong chúng ta cũng mong đợi rất nhiều từ bản thân, và hướng đến những điều tốt đẹp, nhưng trên thực tế, chúng ta không hoàn toàn như đa phần chúng ta mong đợi, và nếu không sống trong các mối quan hệ xã hội, chúng ta khó lòng nhìn nhận được thực sự chúng ta là ai, hoặc liệu chúng ta có thực sự có những đặc điểm tính cách mà chúng ta tự “gán nhãn” cho mình hay không.
Cũng có những lúc bạn như tôi, sẽ cho rằng mình như thế này hoặc như thế kia, nhưng đến khi những người đủ thân ở bên cạnh bảo rằng “cậu không thực sự như vậy đâu”, thì lúc đó mới bàng hoàng nhận ra, có những điều ta không giống như ta nghĩ. Có những thứ “ta muốn là” nhưng ta không thể trở thành. Có những điều ta biết “ta chính là”, nhưng xem ra mọi người không thể nhìn ra.
Thời niên thiếu, tôi thường nhốt mình ở trong nhà để đọc sách (chủ yếu là tiểu thuyết, sách về tự nhiên..) và bị các gia đình hàng xóm cho rằng tôi là “gà công nghiệp”, chỉ biết học chứ không biết chơi. Thế nhưng chả ai biết khi tôi nhốt mình trong nhà đọc sách, là tôi đang chơi, chứ có học hành gì đâu, nhưng thứ tôi chơi đó là đi dạo trong những thế giới mà các nhà văn tạo nên. Và cũng vì thế tôi thường được xem như đứa trẻ ngoan, hiền, và nhút nhát. Nhưng khi lớn lên, tôi lại là một người hoạt động xã hội rất hoạt bát và năng nổ, tới độ những người bạn của tôi khi tôi học cấp ba thường nghĩ rằng tôi chắc chẳng “hướng nội, hay sâu sắc gì mấy”. Bởi vậy, không ít người bạn đã ngạc nhiên khi đọc blog của tôi. Và không ít người bạn khác lại cảm thấy hụt hẫng khi tôi sống tương đối khép kín và ít khi giao du như hồi tôi ở độ tuổi hai mươi. Đối với họ “tôi đã thay đổi, và tôi không còn là tôi”, và tôi cũng tin một điều như họ, tôi luôn thay đổi, và tôi hôm qua với tôi hôm nay không bao giờ hoàn toàn giống nhau.
Tôi là ai?
Tôi có thể dễ dàng cho bạn biết tôi của ngày hôm qua là ai, nhưng không đễ để nói cho bạn biết rằng, tôi hôm nay có đôi chút khác đi so với ngày hôm qua và không thể nói cho bạn biết tôi ở thì tương lai sẽ như thế nào. Tôi nghĩ rằng, đa phần mọi người, không tưởng tượng nổi họ đang thay đổi, và bản tính của họ cũng đang có sự thay đổi. Người ta thường bảo “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, với ý rằng con người ta hiếm khi thay đổi bản tính, nhưng tôi tin rằng, bản tính của con người sẽ thay đổi nếu môi trường thay đổi, và cũng vì vậy, người ta sẽ tự đặt ra những yêu cầu mới cho bản thân, và họ sẽ thay đổi để đáp ứng những nhu cầu đó.
Liệu tôi có thể định hình cho bản thân tôi trong tương lai không?
Với tôi, câu trả lời là “đương nhiên là có thể”. Trong cuộc sống, bạn luôn luôn được quyền lựa chọn bạn là ai, là kẻ hèn nhát hay là người dũng cảm, là người tình cảm hay là người khô khan, là người sống cần kiếm hay tiêu xài hoang phí. Bạn có thể suy nghĩ đến người khác rất nhiều, nhưng khi hành động của bạn luôn thể hiện rằng bạn ơ hờ, không quan tâm thì đa phần mọi người sẽ nghĩ rằng bạn là người ít tình cảm, hay lạnh nhạt với người khác. Và nếu bạn thích ngồi ăn trưa một mình, uống cafe một mình, mọi người sẽ cho rằng bạn là người hướng nội, bất kể bạn có muốn làm người hướng ngoại hay không. Nếu bạn hăng hái trong công việc, làm gì cũng cố gắng để thực hiện cho bằng được, mọi người nói rằng bạn là người rất tham vọng, trong khi đó bạn cứ cãi cố rằng “tớ không tham vọng cá nhân, tớ chỉ muốn làm điều tốt công ty mà thôi”, đương nhiên là chả ai tin vào điều đó, bởi muốn làm điều tốt cho công ty cũng đã là tham vọng, mà tham vọng đương nhiên là xuất phát từ chính bạn thì nó cũng đã là tham vọng cá nhân rồi. Vì vậy, theo thiển ý của tôi, thì bạn muốn định hình cho tương lai, việc đầu tiên cần làm là phải trung thực với chính bản thân mình trước tiên, hãy thẳng thắng đánh giá xem thử bản thân bạn của ngày hôm qua như thế nào, và hiện tại ra sao, sau đó đặt mục tiêu cho tương lai bạn sẽ trở nên như thế nào.
Tiếp theo, để bạn trở thành “chính bạn trong tương lai”, bạn cần phải bắt đầu hành động và suy nghĩ như “nhân vật” mà bạn muốn trở thành. Nếu bạn muốn trở thành một người mạnh mẽ, có ý chí, quảng giao, có nhiều bạn bè, bạn hãy hành động như thể bạn đã có hết những tố chất như vậy, hãy ra quyết định và trung thành với sự chọn lựa của bạn, làm gì bạn cũng sẽ làm tới nơi tới chốn vì bạn luôn nhắc mình “tôi là một người có ý chí”, và bạn tăng cường kết nối với mọi người vì bạn là “người quảng giao”. Người ta thường bảo “cuộc đời là một vở diễn lớn nhất, trong đó ta làm diễn viên chính cho vở diễn của cuộc đời ta”, nhận định đó thật chính xác, bạn thể hiện hình ảnh mà bạn mong muốn trở thành và như thế bạn mới khẳng định được “cái tôi mong muốn” và “cái tôi thực tế” của bạn là một được.
Tuy nhiên, bạn cũng cần nhớ rằng, cái bạn cố diễn với mọi người, nhưng hành động trái ngược khi không có mặt mọi người thì bạn cũng không thay đổi được “cái tôi” của chính bạn. Trong vở diễn của cuộc đời, bạn vừa là diễn viên nhưng bạn cũng chính là khán giả, và vì thế, bạn sẽ nhận ra được bạn đang đánh lừa mọi người như thế nào, và nếu chịu khó trung thực với bản thân, bạn sẽ luôn biết rõ bạn là ai.
Vì sao tôi cần phải thể hiện cho mọi người biết tôi là ai?
Câu hỏi này thật dễ để trả lời, nếu bạn muốn trở thành “người nham hiểm, có dã tâm lớn”, bạn sẽ không thể hiện điều đó cho mọi người đâu, nhưng bạn sẽ rất trung thực với bản thân, và bạn sẽ làm mọi cách để đạt được dã tâm của mình bất chấp rào cản của đạo đức. Nhưng nếu bạn chỉ muốn mọi người nhìn nhận “cái tôi” của chính bạn, bạn cần phải thể hiện ra, nói ra cho mọi người nghe suy nghĩ “trông có vẻ khác biệt” của chính bạn, và nhờ vậy bạn mới có thể tìm được những người đồng cảm, quan tâm tâm đến những kẻ như bạn.
Những nghệ sỹ lớn là những người “dị biệt”, nhưng họ trung thực với bản thân và sẵn sàng thế hiện sự cá biệt của mình với cả xã hội. Họ không ngại che dấu sự khác biệt của mình và sẵn sàng thể hiện cái tôi bất chấp tác động tiêu cực đến họ khi mọi người “ném đá” khi có những “cái tôi” quá khác biệt so với số đông, và vì thế họ lại có một lượng người hâm hộ riêng khi họ thực sự sống như là chính họ. Nhiếp ảnh gia Ren Hang, người thể hiện những ý tưởng điên rồ nhất trong nhiếp ảnh, sống như là chính mình, và dù anh chọn ra đi ở độ tuổi 29, nhưng tôi tin là anh đã sống thực sự như cách anh ấy muốn, và người ta nhìn về anh như chính “cái tôi” mà anh chọn lựa.
Nước ta có thi sĩ Bùi Giáng, với sự “ngông và điên” của ông khiến cho thiên hạ tốn không biết bao nhiêu bút mực. Với tôi, ông không điên chút nào, ông chỉ đang sống theo lối ông muốn mà thôi. Một người tự nhận là mình “điên rực rỡ”, nghĩa là họ không điên chút nào. Hãy thử đọc bài thơ “Người con gái mặc quần của ông” nhé
Người con gái hôm nay mặc quần đỏ
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen
Đen và đỏ là hai màu rồi đó
Cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên
Người con gái hôm nay mặc quần trắng
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần hồng
Hồng và trắng là hai màu bẽn lẽn
Cũng như núi và rừng đều rất mực chênh vênh
Người con gái hôm nay mặc quần tím
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần vàng
Vàng và tím là hai màu mỉm miệng
Mím môi cười và chúm chím nhe răng
Người con gái hôm nay mặc quần rách
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành
Lành và rách đều vô cùng trong sạch
Bởi vì là lành rách cũng long lanh.
Sống như Bùi Giáng, thích gì làm nấy, nghĩ gì viết nấy thật tuyệt, dù lắm kẻ gọi Bùi Giáng là kẻ điên, nhưng có hàng trăm ngàn người đồng cảm và mến mộ ông. Bùi Giáng cho cả thế gian biết ông là ai. Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy cũng y hệt như vậy.
Còn bạn, còn tôi thì sao?
Sài Gòn, ngày 16 tháng 08 năm 2020