Trường sinh

Thế gian ai giàu có, may mắn thì sẽ thích được sống lâu, trường thọ để tận hưởng cuộc sống tươi đẹp, hoặc được tận hưởng cảm giác quyền lực mà mình đã gây dựng nên, chính vì vậy mà các bậc vua chúa ngày xưa luôn tìm cách để có thể trường sinh bất tử, nhưng đều bất thành bởi khoa học thời đó chưa cho phép, và kể cả vào thời này, người ta cũng chỉ sống tới một trăm tuổi đã là quá giỏi rồi, nhưng lúc đó trí não dù có minh mẫn thì thân thể cũng không thể như tuổi thanh niên, nên theo thiển ý của tôi, sống lâu có lẽ cũng thừa, chỉ nên sống vừa đủ, nếu sống tới bảy mươi hoặc tám mươi tuổi mà đầu óc vẫn còn minh mẫn, cơ thể vẫn mạnh khỏe thì đó đã là niềm hạnh phúc lớn lao lắm rồi, không mong gì hơn. 

Thế nhưng, là con người, ai cũng mong mình được “sống mãi”, chả thế mà khi chét đi, người ta xây lăng đắp mộ thật to, bia đá được chọn lựa kỹ để “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Các gia đình Việt Nam vẫn giữ truyền thống cúng tế đến ba đời, nghĩa là lúc lên đến cụ – kị, người ta vẫn còn được sống trong lòng con cháu, vẫn được nhắc đến. 

Thời Hy Lạp cổ đại, có một kẻ vì muốn ghi danh mãi mãi với thời gian nên đã rắp tâm đốt đền nữ thần Artemis, kẻ đó có tên là Herostratus. Và mặc dù chính quyền thời đó đã ra phán quyết không ai được nhắc đến cái tên Herostratus, cái tên đó vẫn trường tồn mãi với thời gian cho đến bây giờ. Tuy nhiên, dù mong ước đã trở thành hiện thực, gã Herostratus đã bị xử tử vì tội đốt đền thờ.

Từ câu chuyện ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, những ai có tác động đến nhân loại và lịch sử thì sẽ được nhắc đi nhắc lại mà và tên tuổi và những câu chuyện của họ sẽ trường tồn với thời gian. Sau vài ngàn năm người ta vẫn nhắc đến đức Phật, hoặc ai cũng nhớ đến câu chuyện nhà khoa học thời cổ đại Archimedes cởi truồng chạy ra phố với câu nói “Eureka” (đã tìm ra rồi), hoặc câu nói bất hữu của ông “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất này lên”. 

Trường sinh có vẻ là mục tiêu bất khả thi, nhưng tạo ra sức ảnh hướng cho muôn đời thì có lẽ là vẫn khả thi. Lão tử với một cuốn Đạo Đức Kinh vẫn sống mãi với thời gian dù không ai biết đích xác ông là ai. Tôn Vũ Tử với cuốn Nghệ thuật chiến tranh cũng còn sống mãi. Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, Lê Quý Đôn … là những tên tuổi luôn sống trong lòng mỗi người Việt. 

Không biết những người có tên tuổi sống mãi với thời gian có lẽ cũng không băn khoăn quá nhiều với chuyện trường sinh như Tần Thủy Hoàng, hay thắc mắc xem “ba trăm năm lẽ nữa có ai khóc Tố Như chăng như Nguyễn Du”, nhưng tôi chắc chắn rằng những con người đó đều có một khao khát làm điều gi đó “hữu ích” cho mọi người. Chữ “hữu ích” có thể thay đổi bởi cũng không ít người muốn tạo ra ảnh hưởng xấu hơn là hữu ích, và thực ra dùng cụm từ “tạo ra sức ảnh hưởng” nghe có vẻ đúng nhưng không đúng với những người thực sự muốn làm ra điều gì đó hữu ích cho xã hội. Chính vì vậy mà những cuốn sách hay đã được viết ra cho mọi người đọc, những triết thuyết được viết ra và vẫn luôn tồn tại với thời gian. 

Ở một góc độ khác, những người nghệ sỹ, những người muốn sử dụng nghệ thuật để thể hiện cái tôi cá nhân cũng đạt được sự trường tồn với thời gian bởi những tác phẩm mà họ để lại. Sự hữu ích của các tác phẩm đó không đến từ giá trị thực dụng nhưng có giá trị tinh thần, bởi khi chúng nhận được sự đồng cảm của một số người, chúng sẽ tồn tại cùng thời gian. Chúng ta chứng kiến những tác phẩm hội họa tồn tại hàng thế kỷ, những bài hát vẫn được hát bởi loài người năm này qua năm khác, những vần thơ đã trở nên bất tử. 

Bản thân con người không thể trường sinh bất lão được, nhưng những sản phẩm sáng tạo của họ có luôn có cơ hội trường tồn với thời gian. Những bức ảnh của Henri Cartier Breson vẫn luôn được người đời nhắc đến, truyện Tây Du Ký vẫn được nhà nhà đón đọc, những sử thi như Iliad và Odyssey, Mahabharata vẫn trường tồn với thời gian. Tôi vẫn đọc và trầm trồ trước những áng văn tuyệt tác của Heminway, Garcia Macquet… Phải chăng, phương tiện để trường sinh chính là thổi hồn vào các tác phẩm sáng tạo?

Tôi vẫn ngâm nga trong đầu những câu hát của bài “Who want to live forever” của Queen, và nhận ra, có những câu chuyện, những tình yêu đã trở thành bất tử. 

Có lẽ chúng ta không nên trông chờ cuộc sống trường sinh bất lão, mà thay vào đó hãy yêu thương bằng tất cả, hãy sống một đời sống sôi nổi – đầy tính sáng tạo để thực sự hiện hữu chứ không sống mòn. Còn việc những gì mà chúng ta làm được có trở thành câu chuyện mà mọi người kể mãi hay không thì hãy để thời gian trả lời. 

Tạo ra sức sống trường tồn cho tác phẩm không phải là nhiệm vụ của chúng ta, nhưng chúng ta phải có trách nhiệm sống một cuộc đời thực sự có ý nghĩa, làm những điều thực sự có ý nghĩa với chúng ta, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ không phải hối tiếc vì đã lãng phí thời gian quý báu của cuộc đời. 

Sài Gòn, ngày 17 tháng 08 năm 2020