Đừng cố gắng

Trước đây, có những lúc tôi nhìn những người bạn thành đạt, tôi tự hỏi mình tại sao không cố gắng để được giống họ. Tôi cũng như bất cứ người bình thường khác đều có nhu cầu tài chính, muốn có nhà nọ, xe kia, nhưng mãi tôi vẫn cứ sống như kẻ lãng du, chỉ mê làm những thứ mình thích và bỏ qua mọi thứ còn lại. Xét về tiêu chuẩn tài sản, tôi là một kẻ nghèo ở thành thị, còn nếu xét về thu nhập bình quân, tôi đứng ở tầng lớp trung lưu. 

Tôi thường xuyên trách mình sao “không cố gắng”, nhưng có lẽ tôi đã sai khi tự thuyết phục mình phải cố gắng đi theo một chuẩn mực xã hội nào đó dành cho hai chữ “công thành, danh toại”, và chính vì vậy tôi chưa bao giờ thực sự làm điều mà tự trong thâm tâm tôi không cho nó là quan trọng. Tôi “nhây”, và vẫn sống, vẫn tồn tại, vẫn được mọi người yêu thương bởi nỗ lực của tôi cho những thứ mà tôi làm vì cho rằng “nó có ý nghĩa với bản thân”. 

Với một người có bản tính “cố chấp” và “cứng đầu” như tôi, có lẽ thay đổi để làm hài lòng người khác chưa bao giờ chiếm vị trí ưu tiên trong tôi. Tôi chỉ thay đổi khi thực tâm cảm thấy mình cần thay đổi. Có thể tôi đã trăm ngàn lần tự nhủ rằng tôi cần làm việc này hoặc việc kia, nhưng tôi sẽ không bao giờ đụng tay vào nếu “cái tôi thực sự” của tôi cảm thấy đó là điều cần thiết.

Và vì vậy, có lẽ, tôi không nên phải “cố gắng” làm điều mà thân tâm không thực sự mong muốn. Thay vào đó, điều tôi cần làm đó là phải làm cho hết sức điều mà trong thâm tâm thôi thúc. Làm cho đến nơi những gì mà trong con tim gào thét mỗi ngày. Khi những khao khát đó được thỏa mãn, tự dưng tôi sẽ bắt tay vào làm những việc còn lại. 

Lỡ như những thứ tôi khao khát đó nó không lành mạnh thì sao? 

Con người chúng ta được sinh ra không có sẵn mục đích nào khác ngoài mục đích phải “tồn tại”, những mục đích khác mà chúng ta có là nhờ chúng ta tự nhận thức và chọn để thực hiện hoặc do những người xung quanh và xã hội “áp đặt” cho chúng ta. 

Xã hội áp đặt rằng chúng ta phải có một việc làm cụ thể ở một công sở thì mới gọi là làm việc. Gia đình và mọi người mong đợi chúng ta phải kết hôn và lập gia đình. Mọi người xung quanh đều nghĩ rằng phải có một căn nhà, một xe ô tô, một chức phận – địa vị thì mới là đúng chuẩn. Và trong bản thân chúng ta, có những suy nghĩ thuận theo, nhưng cũng có những suy nghĩ phản kháng “tại sao tôi không được phép chọn sống theo lối tôi muốn, mà lại phải chọn sống theo lối của người khác muốn”. 

Ở trong tôi, suy nghĩ phản kháng với mong chờ của người xung quanh rất mạnh, càng bị ép buộc thì trong thâm tâm lại càng phản kháng, và có nhiều trường hợp sự phản kháng đó không hợp lý, nhưng cái tôi ngu muội của tôi vẫn lỳ lợm chọn theo cách của mình. Khi đã chọn, tôi không bao giờ hối hận, nhưng vẫn dành chút thời gian để nhìn lại và phân tích về lý do dẫn đến sự chọn lựa đó và hậu quả mà nó mang lại. 

Những điều trong tâm thôi thúc, tôi sẽ nói lên suy nghĩ và thực hiện, phải làm mới biết nó có hợp với mình không, phải làm mới hiểu được mình có thực sự mong muốn điều đó hay không. 

Những năm đi dạy ở Đại học Khoa học Huế, tôi thường ngủ gật ở trường vì cảm thấy mình chưa thực sự phù hợp với môi trường, và rồi tôi chơi game VLTK suốt ngày suốt đêm, mãi cho đến khi tôi chấp nhận sự thực rằng, tôi cần phải thay đổi công việc, phải làm điều gì đó mà tôi thấy nó hợp với mình hơn, và tôi đã trở nên vui vẻ hơn, không bao giờ chơi game một lần nữa, bởi tôi được chơi những trò chơi vui hơn rồi. 

Những năm từ 2016 đến 2020, tôi rơi vào hố vôi của người chơi máy ảnh, tôi mua rồi bán hàng trăm thiết bị, tôi tạm chấp nhận điều đó, nhưng vẫn không ngừng đặt câu hỏi “Tại sao tôi làm vậy? Tôi đang thực sự mong muốn điều gì? Tại sao tôi lại đi tìm kiếm sự thỏa mãn bằng cảm giác mua sắm?” Chính nhờ nỗ lực muốn hiều bản thân đã giúp tôi từng bước giảm dần thôi thúc phải mua gì đó để trong tâm thấy vui. Thay vào đó, tôi nhận ra, cuộc sống của tôi đã đi vào trạng thái quá nhàn, tôi cần thử thách, tôi cần được thám hiểm, và mạo hiểm, và vì thế tôi đã có những quyết định thay đổi về công việc và tôi lại tìm thấy sự tập trung, có những sứ mệnh mới. 

Tôi được dẫn dắt bởi những điều tốt đẹp cho mọi người hơn là cho bản thân tôi, nhưng trong quá trình thực hiện những sứ mệnh đó, tôi cũng được phát triển và tận hưởng những lợi ích từ những gì tôi cống hiến và vì vậy thay vì phải làm điều mà người khác muốn ở mình, tôi sẽ không quan tâm về những gì ở bên ngoài quá nhiều, thay vào đó tập trung vào những điều mà thâm tâm thôi thúc. Nếu điều thâm tâm tôi thôi thúc có sự kết nối với mọi người, lẽ dĩ nhiên, tôi sẽ làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ hài lòng. Nếu nó không có sự kết nối cũng chả sao, bởi trước tiên, tôi đã cảm thấy hài lòng với việc mình làm. 

Câu hỏi về những ao ước lành mạnh vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. 

Nhưng câu trả lời thỏa đáng nhất đó là, mọi nhu cầu về tinh thần đều được hình thành bởi bệ đỡ là tri thức. Tri thức mà chúng ta thu nạp càng sâu rộng thì chúng được gọi là người có “kiến văn” sâu sắc, khi đó chúng ta sẽ có những suy nghĩ chính chắn hơn. Cũng có những người mang trong mình cả bồ tri thức, nhưng lại chọn những con đường “lợi mình mà hại người”, điều đó là vì nền tảng giáo dục ban đầu có thể có sai lệch, dẫn đến cách thức xử lý thông tin của bộ não đi theo hướng khác. Những gì thì gì, nếu trong thâm tâm thấy lấn cấn, bạn hãy đặt câu hỏi sao mình thấy lấn cấn, từ đó mà quan sát rồi từ từ bạn sẽ có câu trả lời về nguyên do, và sau đó dù chọn lựa của bạn là gì đi nữa, bạn cũng sẽ không hối hận. Chuyện bạn được gọi là “người tốt” hay “kẻ xấu” là do thiên hạ quyết định. Nhưng chuyện bạn muốn làm và sẽ làm nên là do chính bạn chọn một cách thấu suốt. 

Khi bạn đã thấu suốt, bạn không cần phải “cố gắng” để làm điều bạn muốn. Thay vào đó, bạn thực hiện một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. 

Hằng đêm, tôi vẫn ngồi thức từ 12 giờ đêm đến ba giờ rưỡi sáng để viết bài mà không có cảm giác mỏi mệt hoặc bị bức ép, bởi đó là lựa chọn của tôi, cho tôi, dù mục tiêu của tôi viết là “cho mọi người”.

Những ngày, khi đi làm, tôi không còn băn khoăn nhiều nữa, bởi tôi thấu suốt mình đang làm việc cho mục đích nào, sứ mệnh nào. Nhưng trước đó một tuần, tôi vẫn chút băn khoăn liệu cái công việc mới mà tôi đang trong giai đoạn thử việc này có thực sự là điều mình muốn hay không. Có được điều đó là bởi vì tôi đã nhận ra và bắt đầu tin vào “sứ mệnh mới” của mình ở công ty mới hơn là số lương và thể loại tác vụ mà mình phải làm. Và như thế tôi không cần phải “cố gắng” nữa. 

Ngày ngày, tôi vẫn tìm cách “cải thiện, cải tiến” bản thân để đáp ứng nhu cầu sứ mệnh mới. Nếu tôi không giỏi làm việc nhiều tác vụ song song, tôi sẽ tìm cách để làm việc hiệu quả hơn. Nếu tôi không rành về một lĩnh vực nào đó, tôi sẽ tự học cho mình có kiến văn sâu rộng hơn. 

Tôi không cần phải “cố gắng”, và bạn cũng vậy!

Sài Gòn, ngày 22 tháng 08 năm 2020.