Để biết một người có thực sự yêu thích một công việc hoặc một sở thích nào đó, chúng ta cần quan sát thái độ của người đó qua nhiều tình huống. Trong tám năm kinh nghiệm làm việc về quản lý con người, tôi luôn chịu khó quan sát cách mọi người ứng xử với các thành viên khác hoặc với người xung quanh để hiểu được cách họ đối xử với con người và hiểu được khả năng xây dựng và phát triển đội ngũ của họ.
Làm việc với con người không chỉ đơn giản là yêu cầu người khác “tuân thủ luật chơi”, bởi nếu chỉ đơn giản là tuyển người, yêu cầu họ tuân thủ và sau đó cứ đinh ninh rằng mọi thứ sẽ tốt thì bạn sẽ nhầm to. Nếu chúng ta cứ gặp bất cứ ca khó ở nào, chúng ta đều giải quyết bằng cách thải loại, có khả năng chúng ta không có đủ người có năng lực để sử dụng và tệ hơn, đội ngũ của chúng ta không có được sự đa dạng để có thể tạo ra được những kết quả đột biến.
Một tập thể tốt nên là một tập thể đa dạng, và có những cá nhân khác biệt có thể tạo nên đột biến cho tổ chức. Chúng ta cũng cần có những người dám nghĩ khác, đi ngược dòng, hoặc có suy nghĩ khác biệt. Nếu chúng ta không tạo ra một môi trường mà ở đó mọi người dám nói lên suy nghĩ của mình, và ai cũng chỉ cố gắng “thể hiện” làm sao cho đúng với mong chờ của sếp, chúng ta có nguy cơ gặp phải một nhóm chỉ luôn muốn làm hài lòng người khác hơn là muốn cạnh tranh.
Những người nhạy cảm cũng là những người cần cho tổ chức, bởi họ chính là những “sensor” siêu nhạy giúp tổ chức thấy được những ảnh hưởng tích cực / tiêu cực từ những chính sách, hoặc từ chính các cá nhân lãnh đạo của tổ chức đó. Sự nhạy cảm thường được đánh giá không cao, nhưng những cá thể “quá nhạy cảm” khi được huấn luyện để kiểm soát được “khả năng” của mình, họ có thể “cảm” được con người rất tốt và đoán được tâm tư tình cảm của người khác một cách dễ dàng. Khi làm công việc với con người, chúng ta cần phải có sự nhạy cảm cần thiết để có thể có được sự cảm thông với các hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta luôn mong chờ mọi người chuyên nghiệp và tách bạch giữa công việc với cuộc sống, nhưng thực tế không bao giờ giống như mong đợi, công việc và cuộc sống riêng tư luôn có sự liên hệ lẫn nhau, và nếu như cuộc sống riêng tư của một người gặp trúc trắc, chắc chắn công việc cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều và vì vậy chúng ta phải hỗ trợ đồng nghiệp của chúng ta vượt qua khó khăn, hơn là phê phán và chỉ trích họ, hoặc từ bỏ họ một cách dễ dàng. Người tài xưa nay khó kiếm, nên đôi khi chúng ta phải học cách quản họ hơn là bỏ qua người tài chỉ vì lý do này kia.
Nhẫn nại với con người cũng chính là điểm khiến cho đồng nghiệp, bạn bè hay thậm chí là người thân hiểu được bạn có thực sự quan tâm đến họ hay không. Các cô gái thường thử người yêu bằng những yêu cầu đỏng đảnh khó chiều. Các nhân viên đánh giá sếp thông qua sự quan tâm và thấu hiểu của sếp dành cho họ, và để hiểu biết được người khác, chúng ta cần có sự nhẫn nại, chịu khó quan sát và chịu khó giao tiếp.
Không có người không có tiềm năng, chỉ đơn giản là họ có chú tâm để xây dựng khả năng mà bạn mong muốn ở họ hay không mà thôi. Và vì vậy, hãy đầu tư một cách thông minh cho con người, và nhờ vậy, bạn sẽ từ từ tạo dựng một đội ngũ mạnh, đa dạng và có sự gắn kết cao (đặc biệt là gắn kết với bạn – người thủ lãnh).
Sài Gòn, ngày 08 tháng 09 năm 2020