Những năm mới ra trường, tôi được trường giữ lại làm giảng viên, được đứng lớp dạy sinh viên. Đối với mọi người, làm giảng viên là công việc biết bao người mơ ước, nhưng với tôi đó là một cảm giác chông chênh rất lớn. Tôi tự hỏi bản thân, làm sao mình có thể mang lại lợi ích cho sinh viên, giúp họ có thể thành công trong cuộc đời khi mà tôi chưa từng có cơ hội trải nghiệm thực tế trong các doanh nghiệp làm phần mềm. Vô lẽ, suốt cuộc đời tôi chỉ dạy các môn như lập trình hướng đối tượng, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, lập trình C#, Visual Foxpro mà không có kinh nghiệm gì khác để truyền lại cho sinh viên CNTT? Tôi dằn xé giữa cái nhu cầu được bước ra biển lớn, được thử làm trong các công ty phần mềm để mình hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về nghề này, mặc khác tôi do dự khi nghĩ đến việc phải từ bỏ những gì mình đã dựng xây được (bao gồm cái ghế giảng viên, cán bộ Đoàn / Hội cấp trung ương)… Nhưng rồi, tôi quyết định phải bước ra bên ngoài, bắt đầu với công việc là một lập trình viên và từng bước tìm hiểu về cái thế giới mà mình được phân công đi dạy nhưng “chưa thực sự biết gì”.
Cuộc đời tôi có nhiều khúc cua, có nhiều thăng trầm, và đa phần những thăng trầm đó là bởi tôi, do tôi chọn lựa. Tôi thường quyết định rời đi khi đang ở một vị trí thuận lợi, có quan hệ tốt, được xem trọng và sau đó bắt đầu công việc mới ở một ví trị “thấp” hơn. Sự lựa chọn của tôi luôn khiến mọi người ngạc nhiên, nhưng với tôi, điều đó không có gì lạ. Tôi không tìm kiếm chức vụ cao hơn, tôi tìm kiếm trải nghiệm mới, thách thức mới và những vấn đề mới mà tôi chưa có dịp được giải quyết. Và vì vậy, nếu nhìn vào cái danh sách công việc mà tôi từng làm, người ta sẽ thấy nó có vẻ như không liên quan đến nhau, nhưng chúng đều giống nhau ở một chổ, đó đều là những công việc tôi chưa từng được làm, và vì thế, cuộc sống của tôi luôn tươi mới, mỗi ngày đi làm của tôi đều là những ngày học hỏi mọi người. Sự thay đổi bản chất công việc, giúp cho tôi được khác đi, học hỏi được nhiều hơn và tiến bộ hơn.
Sự thay đổi trong tính chất công việc không nhất thiết là sự thay đổi đơn vị làm việc. Trong tám năm làm việc ở một công ty, tôi được trải nhiệm đến bốn nhiệm vụ khác nhau: kiến trúc sư phần mềm, quản lý con người, dẫn dắt và quản lý các hoạt động phát triển kỹ năng và phát triển đội ngũ nhân sự kỹ thuật cho nhân viên, quản lý nguồn lực…
Ngay khi chỉ làm việc ở một phạm vi nhỏ, chúng ta vẫn có thể khám phá những vùng đất mới, những công việc mới thông qua sự học hỏi. Khi tôi làm kỹ sư phần mềm, tôi luôn tìm cách học hỏi quản lý trực tiếp của mình, hiểu rõ họ đang làm gì, thách thức trong công việc của họ, giúp họ giải quyết một phần công việc, tự mình nhận định xem để giúp họ tôi cần xây dựng kỹ năng gì, sau đó tôi tự học hỏi và tự đề xuất được làm một vài việc nào đó để có thể giúp “sếp của mình”. Mặt khác, tôi luôn học hỏi và tìm hiểu các nhóm chức năng khác đang làm gì, và nhờ vậy tôi biết hiểu tính chất công việc của họ, các kỹ năng cần thiết giúp họ có thể hoạt động hiệu quả và làm sao để phối hợp với nhau để tạo ra kết quả cuối cùng, và tôi tham gia sâu và rộng hơn, để có thể hỗ trợ các nhóm khác hoàn thành công việc của họ và công việc của tổ chức.
Nếu nhìn lại, tôi nhận thấy mình thường thói quen làm những việc sau để phát triển. Thứ nhất tôi luôn cố gắng để phát triển kỹ năng bản thân và tìm cách làm cho mình hữu ích hơn, có thể đảm đương được nhiều thể loại công việc khác nhau, và có thể giúp đỡ được mọi người. Thứ hai, tôi không vạch ra biên giới giữa nhóm công việc tôi đang làm với các nhóm kỹ năng chuyên môn khác, tôi thích tham gia và hỗ trợ các nhóm khác, tôi là dân kỹ thuật, nhưng không ngại đi nói chuyện, không ngại giúp đỡ nhóm quản lý dự án, nhóm tester, đến sau này, tôi đi giúp các nhóm bộ phận của HR (tuyển dụng, HRBP, training…) và các nhóm chuyên môn khác. Thứ hai, tôi không ngại nhận việc mới, cho dù tính chất công việc mới hoàn toàn khác với công việc tôi đang làm, và vì thế, tôi đã làm giảng viên, kỹ sự lập trình, quản lý trung tâm đào tạo, làm công việc tư vấn kỹ thuật, kiến trúc sư phần mềm, quản lý phát triển con người, quản lý nguồn lực, và kể cả quản lý mọi mặt của một đơn vị kinh doanh. Thứ hai, tôi hào hứng với những thay đổi có thể tác động đến công việc, đến tổ chức mình đang làm, và tôi thích suy nghĩ để giải quyết những hệ lụy do những thay đổi đó mang lại và tranh thủ cơ hội từ những sự thay đổi đó. Tôi chưa bao giờ sợ thay đổi, không sợ những điều mới mẻ, bởi trong nguy luôn có cơ.
Con người luôn ngại thay đổi, đặc biệt là khi họ đang quá an toàn và thành công với công việc hiện tại. Nhưng sự lặp đi lặp lại thường mang lại sự nhàm chán và nó sẽ làm suy giảm hiệu suất làm việc của mọi người. Cho dù chỉ làm một công việc đến suốt đời, chúng ta cũng cần biết cách làm mới tính chất của công việc, tìm tỏi cách thức để cái tiến quy trình và cách thức làm việc của mình, nhờ vậy mà bản chất công việc có chút thay đổi, chúng ta mới có thể có niềm vui sáng tạo và khai phá cái mới.
Với tôi, động lực để tạo ra sự phát triển chính là những thay đổi và những thách thức đến từ mọi phía (khách hàng, thị trường, công nghệ, các bộ phận liên quan). Chấp nhận mọi thứ đều có sự vận động, và vận động để thích nghi, tranh thủ sự thay đổi để tạo ra thế mạnh mới cho mình. Chúng ta luôn nên tự thách thức bản thân, mở rộng phạm vi hoạt động, đón nhận mọi sự thay đổi xung quanh, làm quen và sau đó làm chủ những sự thay đổi đó và tiến lên phía trước.
Chúng ta không thể đi nhanh hơn được nếu chỉ đi mãi một con đường và không thay đổi phương tiện. Khám phá những lối đi mới, thử nghiệm những phương tiện mới. Nếu xung quanh ta không có những thay đổi, chúng ta nên tạo ra sự thay đổi để thúc đẩy sự tiến bộ. Không thay đổi nghĩa là dừng lại, là tụt hậu. Nếu tôi hôm nay vẫn y hệt như hôm qua và y hệt như những ngày trước nữa, nghĩa là tôi không có sự tiến bộ và có dấu hiệu của sự tụt hậu. Đừng chấp nhận sự tụt hậu, thay vào đó, hãy thúc đẩy sự tiến bộ cho chính bản thân, cho những người xung quanh, và cho tổ chức mình đang hoạt động.
Đón nhận những đổi thay, tạo ra thay đổi để tiến bộ!
Chúc mọi người luôn có những tiến bộ và nhờ vậy luôn có niềm vui trong công việc!
Sài Gòn, ngày 09, tháng 10 năm 2020