Mưa lũ ở miền Trung

Ở Sài Gòn, người ta quen với triều cường và những giờ đường ngập nước khi triều cường lên, còn ở miền Trung, lũ lụt trong giai đoạn từ tháng 9 cho đến tháng 11 là chuyện như cơm bữa, còn với Huế, chuyện mưa dầm dề có khi đến cả tháng trời mới tắt mưa trong khoảng từ tháng 11 đến tháng 2 là chuyện ai cũng biết và ai cũng xem đó là chuyện thường ngày ở huyện. 

Tại sao không lũ lụt ở nơi nào khác mà luôn là miền Trung từ Quảng Nam đến Hà Tĩnh? Tại vì sao luôn lũ từ tháng chín đến tháng 11 mà không phải là những khoảng thời gian khác? Câu trả lời khá đơn giản và hầu như ai cũng biết đó là vào mùa mưa bão, nên lượng mưa sẽ lớn, mặc khác, dải Trường Sơn cao chót vót ngăn cách giữa miền trung Việt Nam và nước Lào khiến cho hơi nước không thể tràn qua phía bên kia, thay vào đó sẽ tập trung ở miền Trung và làm tăng lượng mưa ở khu vực đó. Mặc khác, miền Trung là địa hình núi cao kết hợp với dải đồng bằng nhỏ hẹp, làm cho lượng nước mưa không kịp tiêu thoát và bị ùn ứ trước khi ra biển đông. Ở mùa mưa lụt, bạn sẽ nghe đến lỡ núi, lũ lụt lên nhanh, và nước ngâm kéo dài, đó cũng là chuyện thường ngày ở huyện. 

Vì sao là chuyện thường ngày ở huyện mà vẫn có người chết, vẫn đây đó cảnh tang thương? Đơn giản là vì không phải năm nào cũng xảy ra lũ lịch sử, cơn lũ lịch sử lần gần đây nhất diễn ra năm 1999, lúc đó tôi học lớp 10, và đến tận 21 năm sau, lũ lịch sử mới diễn và còn cao hơn mức đỉnh lũ năm 1999. Sau mỗi cơn lũ lớn như thế, người dân lại gia cố nhà, xây thêm gác nếu có tiền, nhưng vẫn có những người rất nghèo không thể cải thiện được tình hình và sống theo kiểu mong chờ các năm tới lũ sẽ không to như vậy nữa. 

Trong những năm tháng sống ở Huế, tôi quen với chuyện lũ lụt, năm nào cũng được dịp dọn nhà tầm 4 lần trong mùa lũ lụt. Lũ lên thì bắt đầu khiêng tủ lạnh, xe máy lên cao, lũ vào thì ngồi canh chừng rắn rết vào nhà, rồi ngồi thấm thỏm canh lúc lũ vừa xuống chút chút là phải đẩy bùn ra khỏi nhà chứ không đợi lũ xuống hẳn mới dọn, nếu lũ xuống hẳn thì công dọn cực lắm và phải tốn nhiều khối nước nhà mới sạch được. Nước lũ thường rút vào 3-4 giờ sáng, nên chưa bao giờ tôi lại ngủ quên để không phải oằn lưng dùng xên, thuổng các kiểu để múc bùn. Nhà tôi rộng 100 mét vuông, cộng thêm vườn rất rộng và tôi thường phải dọn lũ một mình bởi mẹ tôi phải dọn lũ ở cửa hàng của mẹ, còn ba tôi đi làm xa, nhiều khi không về kịp. Tôi thường lên quán mẹ ở gần chợ Bến Ngự để phụ dọn rồi lội ngược về nhà (tầm 4km) để dọn nhà. Có năm, mẹ tôi bảo lũ cao quá, nên thôi ở lại quán đi, mặc kệ, đợi rút rồi về nhà cũng được, nhưng tôi cứ quyết về vì không muốn ông bác dượng phải ở nhà một mình, đến hai giờ sáng đem đó, cây gòn lớn tầm 7 người ôm đã đổ sụp, may là nó đổ ở hướng ngược lại, nếu không có thể ba mẹ tôi đã có thể mất con. Bão lũ luôn chực chờ nguy hiểm, dù bạn đã có một căn nhà để trú chân. 

Trong cỡ hơn mười năm trở lại đây, các trạm thủy điện giúp điều tiết nước nên người dân không còn thấy nhiều cơn lũ lớn nữa, dân Huế cũng quen dần với nhịp điệu xã lũ của thủy điện hơn là lũ thật, nghĩa là trời không mưa mà nước lên, xong rồi nước sẽ xuống khá nhanh, nhưng đến những cơn bão dồn dập trong năm nay, cộng với lượng mưa kỷ lục, người dân đã phải chịu một cơn lũ dài ngày hơn cả lũ 99. Tôi nghĩ, tất cả đều bất ngờ, và vì lâu lắm rồi không có nhiều mưa lũ kiểu vậy, người ta cũng ít phòng ngừa hơn. Nhưng đã sống ở khu vực từ Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh, thì chúng ta phải luôn sẵn sàng với bão lũ, và luôn chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất. Nhà luôn phải có vài thùng mì tôm, gạo, góc để trú ẩn nếu nước dân cao, và phương tiện để đục mái nhà và thoát ra ngoài. Không thể chỉ trông chờ vào cứu trợ, hoặc trông chờ ai đó chỉ dùm, người dân miền Trung phải nghĩ ra cách để ứng phó với bão lũ để hạn chế mất mát và có thể vượt qua những “khó khăn thường tình” này. 

Giờ sống ở Sài Gòn, nghe lũ vẫn còn thấy hãi, nhưng tôi vẫn mong tới ngày được về Huế, được sống những tháng ngày bình yên, dịu nhẹ, được sống chậm rãi, trong lành và bình an. Dân miền Trung vốn quen chịu khổ, nhưng cũng phải nghĩ cách để sống vượt khổ. Lũ mang phù sa đến nhưng cũng mang lại nhiều rủi ro. 

Là chuyện thường tình, nhưng chưa bao giờ là chuyện không đáng để bàn cả. 

Sài Gòn, ngày 21 tháng 10 năm 2020