Xây dựng tầm nhìn, phát triển sự nghiệp

Mấy hôm nay tôi được nhiều bạn hỏi về cách xây dựng và phát triển bản thân. Có bạn mắc kẹt ở tuổi ba mươi, có bạn tương đối thành công ở độ tuổi 36, có bạn khác làm trong ngành công nghệ thông tin và đã bắt đầu cảm thấy bản thân bị lạc hậu so với những bạn trẻ khác, tất cả các bạn đó đều có chung một băn khoăn: làm gì tiếp theo để có thể phát triển sự nghiệp bản thân. Khác với những bạn đó, dù tôi không làm được những điều kỳ vỹ, nhưng tôi không bao giờ rơi vào trạng thái bị động, thay vào đó tôi luôn chủ động vẽ ra được con đường của chính mình. Có thể nhiều bạn trẻ cũng đang có cảm giác lạc lối, không biết làm sao để có thể phát triển, và bị kẹt lại chính bởi sự thiếu hiểu biết của chính. Bài viết này nhằm giúp các bạn tự xây dựng kế hoạch phát triển bản thân và tự mình thực hiện nó. 

Trong một buổi ăn trưa, một bạn làm quản lý chia sẻ rằng, bạn ấy không biết nên làm gì tiếp theo, không biết phải phát triển như thế nào và khi bạn hỏi sếp, sếp ban cũng chỉ có thể đưa ra những câu trả lời chung chung về đường hướng phát triển của bạn, và nói túm lại, đó là bạn không biết mình cần phải làm gì tiếp để có thể “phát triển”. Tôi hỏi bạn ấy một câu khá đơn giản “Tầm nhìn của em về sự nghiệp của bản thân như thế nào?” và bạn gần như không biết phải trả lời làm sao, vì từ xưa đến giờ, bạn chỉ biết chăm chỉ làm những việc được giao, cố gắng hoàn thành công việc với chất lượng tốt nhất và vì thế bạn liên tục thăng tiến. Đến khi làm quản lý cho một nhóm lớn, bạn hihông biết phải chia sẻ với nhóm về con đường phát triển của nhóm và từng cá nhân như thế nào. Bạn ấy thiếu tầm nhìn, và bạn không biết làm sao có thể xây dựng được tầm nhìn đó. Tầm nhìn hay vision là một thứ gì đó xa lạ với bạn ấy. 

Tôi mới bảo với bạn ấy, nếu như một người thường được ba mẹ trò chuyện và chia sẻ rằng, con phải học thật tốt, sau nay học đại học, cố gắng kiếm một việc làm có thu nhập tốt và ổn đinh, sau đó tìm người yêu và cưới, cùng nhau xây dựng cuộc sống, sinh con và nuôi chúng lớn lên; những lời đó là gì, có phải là tầm nhìn hay không. Và nếu chính chúng ta muốn xây dựng cho chúng ta một tầm nhìn về bản thân, chúng ta phải làm gì?

Muốn xây dựng tầm nhìn về phát triển sự nghiệp của bản thân, mỗi người chúng ta phải biết xây dựng nền tảng tri thức cho chính mình, tri thức càng sâu rông thì khả năng xây dựng tầm nhìn càng tốt hơn. Một người suốt ngày chỉ chăm lái xe grab mà không chịu khó lắng nghe, quan sát và học hỏi thì sẽ không biết gì hơn ngoài công việc mình làm. Trong khi đó, những người chịu khó quan sát, học hỏi mọi thứ xung quanh, hiểu rõ các vấn đề xã hội, nắm được mục tiêu phát triển của các doanh nghiệp nơi mình làm, hiểu được những vấn đề của tổ chức, và hiểu được các điểm mạnh và yếu của bạn thân, thì họ sẽ nhìn được mình nên như thế nào để đáp ứng nhu cầu của xã hôi, tổ chức và của những người xung quanh. 

Muốn xây dựng tầm nhìn, trước tiên bạn phải luôn mong muốn bản thân thực sự là một cá thể hữu ích cho gia đình, tập thể và xã hội. Nếu bạn không có mong muốn đó, bạn sẽ thiếu đi động cơ đúng đắn để phát triển sự nghiệp cá nhân.

Thứ hai, bạn phải liên tục tiếp thu tri thức, chịu khó quan sát, chịu khó phân tích các tình huống và đặt bản thân trong ngữ cảnh đó để biết mình nên làm gì để có thể trở nên hữu ích hơn với mọi người, với công ty. Sự thăng tiến trong tổ chức chính là sự ghi nhận và đồng thời là nấc thang giúp bạn có thể tạo ra sức ảnh hưởng lớn hơn cho tổ chức đó. Với xã hội, bạn càng hữu ích thì sức ảnh hưởng của bạn càng lớn. Không ai tìm bạn nếu bạn không có gì mang lại cho họ.  Có thể họ tìm bạn vì họ muốn nhìn thấy cụ cười đẹp của bạn, cũng có thể họ tìm bạn vì bạn có thể mang lại cho họ những lời khuyên hữu ích, và cũng có thể họ tìm bạn vì bạn cung cấp được cho họ một sản phẩm hoặc một giải pháp hữu ích để giải quyết vấn đề của họ. Muốn có con đường phát triển sự nghiệp, bạn phải hình dung ra được bạn có thể mang lại gì cho mọi người trong tương lai, đó chính là tầm nhìn của bạn dành cho chính bạn. 

Khi đã có tầm nhìn, bạn phải đặt ra các mục tiêu và lộ trình cụ thể để đạt được các mục tiêu đó.  Nếu bạn muốn trở thành một quản lý dự ản giỏi, việc đầu tiên bạn phải quan sát và học hỏi những người đang làm công việc đó, tiếp đến bạn phải học và đọc để bồi bổ kiến thức từ những nguồn khác nhau. Song song với đó, bạn cần dũng cảm bước lên tự nguyện tiếp nhận những công việc liên quan để có cơ hội cọ xát và xây dựng kỹ năng. Bạn phải dám nói lên ước mơ, tìm cơ hội thực tiễn để thực hành và liên tục học hỏi để xây dựng tri thức nhằm tạo ra tiền đề cho việc phát triển kỹ năng. Chính nhờ những nỗ lực liên tục và bền bỉ như vậy, bạn sẽ dần dần đạt được những bước tiến trong quá trình phát triển sự nghiệp của mình. 

Xây dựng tầm nhìn là công việc cần phải làm thường xuyên, liên tục và suốt đời. Nhờ tiếp thu tri thức, tầm nhìn của bạn sẽ thay đổi, khi tầm nhìn thay đổi, bạn sẽ đặt cho mình những mục tiêu lớn hơn hoặc phù hợp hơn và vì thế bạn cũng sẽ liên tục cập nhật các mục tiêu sao cho phù hợp với tầm nhìn mới. 

Bạn cũng cần nhớ rằng, tầm nhìn cá nhân thôi không đủ, bạn cần phải thiết lập tầm nhìn cho tổ chức mà bạn đang phục vụ. Cho dù bạn đang tự doanh, bán hàng rau ở chợ, bạn cũng phải biết quan sát để hiểu nhu cầu của mọi người và hiểu rõ cách thức kinh doanh và tình hình buôn bán ở chợ để có thể tạo được lợi thế cạnh tranh của mình với những hàng rau khác và làm sao để thực sự mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, Những người chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà không nghĩ đến lợi ích tập thể thì cũng sẽ khó có sự phát triển vượt bậc. Thế nên, đừng ích kỷ cho riêng mình, thay vào đó hãy nghĩ và hành động cho mọi người, bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. 

Muốn phát triển sự nghiệp, bạn phải có tri thức, tầm nhìn và luôn khao khát trở nên hữu ích hơn cho những người xung quanh và cho xã hội. Bạn chỉ trở đáng giá khi bạn giúp cho mọi người giải quyết được những vấn đề của họ. Nếu bạn có năng lực, bạn có thể chọn giúp mọi người phi vụ lợi, nhưng bạn cũng có quyền đòi hỏi sự tưởng thưởng xứng đáng. Có một điều tôi luôn chắc chắn, đó là, người hữu ích không bao giờ chết đói. Càng nhiều người cần bạn, bạn càng có giá trị. 

Chúc các bạn phát triển sự nghiệp thành công! 

Sài Gòn, ngày 03 tháng 10 năm 2020