Trong công việc, điều mà nhân viên thường cảm thấy tổn thương nhất đó là khi sếp ngoài mặt thì khen nhưng đằng sau đó lại có những đánh giá khác đi. Các sếp có vô vàn lý do để thảo mai với nhân viên của mình, nào là phải chiều nhân viên nếu không bạn ấy sẽ nghỉ, nào là phải giữ vững tinh thần làm việc cho nhân viên vì sợ ảnh hưởng đến cả team.
Một bạn nhân viên chểnh mảng, làm việc không đến nơi đến chốn, nhưng khi sếp gặp, sếp vẫn cứ cười tươi, vui vẻ như không có gì, thậm chí còn động viên nhân viên là cậu đang làm “ổn áp” lắm, để rồi đến một lúc nào đó, cậu nhân viên lại nghe phong phanh rằng sếp mình chê rằng mình đang không ổn. Cái sự hai lời của bạn quản lý sẽ làm cho nhân viên vô cùng tổn thương. Và cái kết đắng nghét đó là “làm cả năm không thấy chê bai gì, nhưng đến cuối năm lương không tăng, bonus không thấy gì”.
Đã từ lâu, chúng ta có văn hóa nói giảm, nói tránh, và không đi thẳng vào vấn đề. Khi nhắc nhở nhân viên, chúng ta nhẹ nhàng đến độ nhân viên không cảm nhận được sự nghiêm trọng của sự việc. Đến phiên đánh giá năng lực, chúng ta thường chỉ cố gắng chú tâm vào điều dễ nói nhiều hơn. Chúng ta thường hay đổ lỗi cho “văn hóa công ty”, trong khi đó chúng ta là người định hình văn hóa đó. Nói thẳng nhưng không để bụng, góp ý khi có khuyết điểm, nhưng đồng thời phải ghi nhận sự đóng góp của nhân viên. Khi bạn cởi mở với nhân viên của mình, coi họ là bạn bè, là anh em chí cốt, họ cũng sẽ đối xử với bạn y hệt như vậy.
Nhưng các sếp ơi, cũng xin đừng chỉ trích mà thiếu đi gợi ý, đừng chê bai nhưng không có giải pháp gì. Nếu bạn chê kỹ thuật của nhân viên dở, nhưng không giải thích dở ở điểm nào, làm sao để có thể tiến bộ hơn, bạn cũng không có kế hoạch để hỗ trợ nhân viên, có khác nào bạn đẩy nhân viên vào thế “lạc lõng bơ vơ”, để rồi họ có cảm giác rằng “chắc là mình bị đì”, “ở lại nhịn nhục không bằng ra đi”.
Tôi không thích thể loại sếp thảo mai, và cũng không thích các sếp chỉ biết xài xể mà không biết chăm sóc, tưới tiêu. Bạn không thể có trái thơm, quả ngọt nếu bạn không chăm sóc cho vườn cây của mình, cũng như bạn không thể kỳ vọng vào nhân viên nếu bạn không nghĩ đến chuyện giúp họ phát triển và trở nên tốt hơn.
Khi cái mục tiêu xây dựng tổ chức trở nên mạnh hơn, mỗi cá nhân có năng lực tốt hơn nó được thực hiện một cách chuẩn mực – thực tế chứ không phải chỉ để làm màu. Nhân viên sẽ hiểu và sẽ thay đổi để bắt kịp với tổ chức. Càng nhiều hành động màu mè, nhân viên càng “lờn”, họ cũng bắt chước sếp “phô diễn” là chính chứ thực tế họ cũng chẳng cần làm gì nhiều.
Nếu nhân viên phát triển vượt mức mong đợi của tổ chức, hãy cho phép nhân viên rời đi nếu bạn không tạo được sân chơi vừa tầm với họ, nhưng hãy đặt ra câu hỏi làm sao để người tài không phải rời công ty mà vẫn có thể phát triển được. Suy cho cùng, tiền luôn luôn là hấp lực, nhưng có những thứ khác hấp dẫn người làm, đó là môi trường làm việc, khả năng học hỏi và phát triển, sếp tốt – công bằng và biết tạo cơ hội phát triển cho nhân viên, sếp biết trân quý nhân viên (nhưng không thảo mai) và một môi trường mà xung quanh là những người đồng đội giỏi – sẵn lòng hỗ trợ – và cùng chiến đấu như anh em một nhà.
Có thể bạn đánh lừa được nhân viên trong một vài tháng, hoặc cả năm rằng bạn quan tâm tới họ, rằng bạn tốt đẹp (sự thực không phải vậy), nhưng về lâu dài, nhân viên hiểu bạn hơn bạn tưởng đấy. Chỉ có điều, có đôi khi, bạn là sếp và bạn quá tự phụ đến độ không ai góp ý cho bạn nữa, bạn thảo mai với họ, và họ đối đãi bằng cách tương tự đối với bạn. Để rồi, “thảo mai” nó trở thành văn hóa, thì lúc đó, bạn sẽ ưu phiền, bởi không còn ai nói một câu thực lòng với bạn nữa, đó chính là sự khởi đầu của một tổ chức bệ rạc không lối thoát.
Buông lời khen chê thì dễ, nhưng nói sao cho hợp lý hợp tình, nói sao để cho nó tốt cho người, tốt cho mình và tốt cho tổ chức mới là điều khó. Làm sếp, mà cứ chọn đường dễ để đi, thì khó mong có thành tựu gì nổi bật lắm.
Sài Gòn, ngày 19 tháng 11 năm 2020