Rùa và thỏ là câu chuyện được kể qua bao thế hệ với những bài học đắt giá cho chúng ta, nhưng tôi cũng như nhiều người khác, dù thuộc câu chuyện và hiểu ý nghĩa của nó, nhưng vẫn chưa thực sự thấm thía hết giá trị của câu chuyện cho đến độ tuổi trung niên (giờ tôi 38 tuổi).
Lúc nhỏ tôi được học về câu chuyện rùa và thỏ, trong khi các bạn tôi thường chăm chú trả lời phần ý nghĩa của câu chuyện trong vai trò của con rùa, trong khi đó tôi đề cập đến bài học cho cả chú thỏ. Bởi tôi biết, tôi có phần giống con thỏ, cái gì cũng nhanh, nhưng không giỏi chạy đường dài. Với những con thỏ, chúng dễ dàng chiến thắng rùa trong những đoạn ngắn, nhưng vì những chiến thắng dễ dàng đó, chúng dễ lơi là, dễ tự mãn và mất tập trung, và ví thế thường là kẻ đến sau trong nhiều cuộc đua quan trọng của cuộc đời.
Tôi và những người có một chút may mắn nhờ gerne của bố mẹ, thông minh, nhanh nhẹn, học giỏi các môn tự nhiên và xã hội hơn 80% số trẻ còn lại, chúng tôi là những “con thỏ”, còn phần còn lại có thể là những “chú rùa” và vì thế chúng tôi dễ rơi vào trạng thái tự mãn. Học được loại giỏi ở thời của tôi không dễ tẹo nào, và vì thế chúng tôi dễ tự mãn hơn ai hết. Đặc biệt phải kể đến các nhóm giỏi toán. Tôi còn nhớ thời cấp 1, lúc tôi học lớp 3, ba mẹ tôi vì muốn an tâm khi con ở nhà nên đã gởi tôi đi học lớp học thêm toán gần nhà, và thế là tôi đi học lớp cô Lũy, nhưng khổ một nỗi, tôi biết hết tất cả những gì cô giáo dạy, và những bài tập cô giáo ra, tôi không tốn đến mười lăm phút mỗi buổi để làm. Giải pháp dành cho sự tréo ngoe đó là cuốn sách bài tập toán nâng cao của lớp 5, cứ mỗi buổi đến lớp của cô, tôi được cho ra ngồi ở hiên lầu 1, và tự chọn ba bài toán để làm, khi nào làm xong tôi sẽ tự kiểm tra và sau đó đời hết thời gian học của lớp kia thì tôi sẽ chào cô và đi bộ về nhà của mình. Kiểu học thêm của tôi thời cấp 1 thường chỉ là như vậy.
Nhưng ở đời, chuyện học giỏi văn hóa không quyết định được tất cả, những “chú rùa” có sức mạnh tiềm ẩn của họ, họ tự nhận thức được rằng họ không nhanh nhẹn trong tính toán logic, và họ đầu tư cho những thứ còn lại (quan hệ, tương tác, kinh doanh, kỹ năng, thậm chí là mưu mẹo), còn lũ thỏ của chúng tôi cứ đinh ninh rằng học giỏi là tất cả, ra trường sẽ có việc làm lương cao, thu nhập sẽ lớn. Ngẫm lại, khi nhìn lại cuộc đời mình, tôi nhìn thấy những “chú rùa” là bạn bè, học trò của mình đã có những bước vươn lên vượt bậc, trong khi đó tôi vẫn nghễnh ngãng ngắm trời mây và vẫn còn chút tự mãn về tốc độ phi nước đại của “loài thỏ”. Tôi đã đậu đại học nhờ một tháng học ráng sau khi thi tốt nghiệp, tôi đã thành kiến trúc sư phần mềm nhờ hơn hai năm đầu tư học kiến trúc phần mềm trong khi chỉ có 9 tháng kinh nghiệm làm lập trình viên. Khả năng bức tốc và sự dẻo dai của những “con thỏ” chỉ còn khi nó còn trẻ và nếu muốn còn mãi thì nó phải thường xuyên luyện tập. Nhưng rồi cũng sẽ đến lúc khả năng bức tốc sẽ chậm lại, bởi ai cũng chỉ có một thời đỉnh cao, và thế hệ thỏ mới lại xuất hiện, lũ “thỏ già” chúng tôi cạnh tranh sao nổi. Cứ nhởn nhơ ăn cà rốt vườn bắc, rồi lại ngắm hoa bắt bướm ở khu tây, chả thế mà đến khi đời đã đi quá nữa, “con thỏ già” tôi đây nhìn lại vẫn chưa làm được gì nhiều, chỉ được biết đến như đã từng là “chú thỏ nhanh nhẹn” từng chạy nước rút kinh hoàng mà thôi.
Học trò của tôi vào Sài Gòn cùng một lần với tôi, giờ đã là PM, sắm được căn nhà, tậu được chiếc ô tô, lâu lâu biết mời thầy đi cafe, rước thầy về đến nhà, con cũng đã 7-8 tuổi, “thỏ” tôi đây trong tay chưa có gì, tuổi thì đã 38, con chỉ mới 3 tuổi thôi. Chỉ mới một ví dụ thôi đã thấy “chậm mà chắc” nó giúp mình thắng nhiều cuộc đua trong cuộc đời lắm. Hôm trước nữa, cậu học trò học trung bình khá nhờ tôi hướng dẫn đã viết được phần mềm và tiểu luận được 10 điểm, sau đó đã hoàn thành đài học với học lực khá (một nỗ lực phi thường của một cậu bé tưởng như bình thường – bởi trong 2 năm còn lại, cậu ấy phải đạt giỏi gần xuất sắc mới có thể đạt loại khá), và giờ đây cậu ấy có học vị tiến sĩ, còn tôi vẫn chỉ là anh cử nhân quèn, làm thuê ở Sài Gòn để kiếm ăn từng bữa, cái hay của cậu học trò đó là đã chiến thắng bản thân, chứ học vị tiến sĩ thì cũng không có gì là quá to tát. Lũ bạn “rùa” của tôi thành đạt rất nhiều, cái gì cũng đạt đến cả. Cô em gái thân thiết thời cấp 3, giờ đã là doanh nhân thành đạt, cách đây mấy năm còn bảo với tôi, sao anh cứ làm thuê mãi. Cái tính thỏ, giúp tôi nhởn nhơ quanh năm suốt tháng, và vì thế tôi vui, chứ còn những thứ tốn công, đòi hỏi sự kiên trì, lâu dài, tôi chả có bao nhiêu.
Ở công ty cũ của tôi, có những con người tưởng như không sáng về kỹ thuật, nhưng họ kiên trì, yêu công nghệ, sẵn lòng nhảy vào các dự án lớn và họ đã trở thành những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, còn tôi, trải qua cái này một tí, cái kia một tí, nhưng đến tuổi này, tôi chỉ là “jack of all trades” (cái gì cũng biết, nhưng không là chuyên gia bất cứ thứ gì), thế có buồn không?
Có nhiều thứ, bạn phải đứng ở tư duy của chú rùa để có để đến sớm được, tư duy đó được ba tôi thường tích gọn trong vài chữ “năng nhặt, chặt bị”, nghĩa là làm gì cũng phải tích lũy mỗi ngày, đến một lúc nào đó cái túi nó đầy mà ta chả tốn mấy sức. Còn tôi, cứ mãi sống như chú thỏ non, có gì xào nấy, thích gì chơi nấy, nên giờ túi trải nghiệm của tôi cũng lưng lưng, còn lại tôi chả có gì nhiều.
Nến tư duy như thỏ? Hay nên tư duy như rùa?
Tôi nghĩ, tốt nhất nên có kỹ năng như thỏ và có tư duy của con rùa, để mà cần mẫn tiến tới, không chỉ đi nhanh mà còn đi được thật xa.
Bạn biết không, bạn tôi có những người đã tạo và bán phần mềm cho cả thế giới dùng, có những người khác viết được phần mềm mã mở cho cả thế giới ngưỡng mộ. Họ là những con thỏ có tư duy của rùa cả đấy.
Còn tôi, giờ hết là thỏ, tư duy thỏ có thể còn nhưng chân tay không nhanh nhẹn nữa, nhưng vẫn không muộn để “steady and slow wins the race”. Cuộc đua ở đây không để thắng ai, nhưng chí ít cũng có được chút kết quả và tự mình chiến thắng bản thân mình.
“Thông minh không giúp mày đậu đại học, chỉ có những đứa chăm chỉ mới đậu đại học thôi!”
Tôi cứ ước gì, tôi rớt đại học năm đó, để có bài học đau hoặc ông thầy Tiến Anh dạy Vật Lý nói khác đi một chút “Thông minh không đủ đâu con ạ, chỉ có những người cần cù, chăm chỉ mới có thể chạm được thành thông trong cuộc đời mà thôi!”, có lẽ tôi sẽ ngộ sớm hơn.
Khi chú thỏ trưởng thành đã nhận ra, những chú rùa đã đi thật xa, nhưng mục tiêu của chú thỏ trưởng thành lúc này không phải là vượt qua những cậu bạn kia, mà thay vào đó, cậu ta phải tận dụng thời gian để làm được những điều để xứng đáng với những tiềm năng mà cậu may mắn được trời trao cho (gerne mà ba mẹ ban tặng).
Đột nhiên, trong tiềm thức, tôi chợt nghĩ, thực ra, nhỏ đến giờ, ba tôi thường không mấy quan tâm chuyện tôi học lực giỏi hay khá, chỉ quan tâm đến việc tôi có thành nhân hay không. Với con tôi, tôi cũng chung quan điểm như vậy. Chỉ mong con tôi, sẽ sớm nhận thức được bài học của thỏ và rùa.
Các bạn ra đường, đừng vội đánh giá thấp những đối thủ trông có vẻ “bình thường”, đôi khi họ mới là người đáng để các bạn học hỏi đấy.
Tuổi này, tôi không còn là thỏ, tôi có chiếc mai to, nhưng cũng như những chú rùa, tôi không chấp nhận đứng lại, chỉ có thể là kiên trì bước tiếp (theo một lối thông minh hơn nếu có thể) mà thôi.
Sài Gòn, ngày 28 tháng 12 năm 2020