Cách đây 2 tuần, em rể của tôi có nhắn tin rằng chính quyền Thừa Thiên Huế sẽ đón 300 người ở Sài Gòn về bằng đường máy bay, và có hỏi tôi có cân nhắc để đưa gia đình về Huế tránh dịch không vì Tỉnh có chủ trương cho ở cách ly có phí ở khách sạn nên cũng không đến nỗi cực khổ lắm, nhưng tôi trả lời là tôi không tính về lúc này.
Tôi không về là vì tôi còn công việc, và dù tôi có thể làm từ xa thì việc đi về cùng nhau như vậy cũng sẽ có nhiều rủi ro. Ai ở đâu, tốt nhất cứ ở yên ở đấy.
Tuy nhiên, có nhiều người bằng mọi giá phải về quê. Vì sao vậy?
Vì đơn giản họ mất thu nhập, họ không đủ tiền trang trải chi phí đắt đỏ ở Sài Gòn. Có thể họ trụ được một – hai tháng, nhưng nếu bệnh tật ập đến, họ sẽ không đủ sức để trang trải.
Không phải ai cũng được như dân công nghệ thông tin chúng tôi, mùa dịch vẫn có lương, lại còn có bảo hiểm y tế gọi dịch vụ và có thể có thể có đến chin tháng lương thất nghiệp để nuôi cả nhà trong mua dịch (nếu phải thất nghiệp).
Những người đi về, họ biết rủi ro bị bệnh Covid vì lây với những người đi chung xe, tiếp xúc trên đường. Họ biết họ sẽ bị phê phán. Nhưng họ đâu có cách nào khác.
Tôi chỉ lấy ví dụ về cô giữ trẻ cho con trai tôi, nếu cô ấy là người ngoại tỉnh, với hai tháng rồi cô ấy không có một đồng thu nhập nào thì việc ở lại Sài Gòn khi không biết khi nào hết dịch sẽ mang lại một cảm giác hoang mang và vô vọng.
Hàng chục ngàn con người mỗi ngày đẩy chiếc xe đi bán chuối, bán khoai, bán rau, bây giờ họ không được phép ra đường. Có một bà chị bán chuối, vào đây chỉ một mình, mà gởi tiền về nuôi cả gia đình, giờ không bán được chuối, chắc gì trong tay bà chị đó đã có đủ tiền mà trụ lại ở Sài Gòn. Và nếu bệnh tật, ai sẽ chăm sóc cho chị ấy?
Điều gì xảy ra cũng có lý do của nó. Chính quyền muốn ngăn chặn dịch bệnh nên mới áp dụng chỉ thị mười sáu. Dân nghèo vì hết cách nên mới vi phạm chỉ thị.
Vào lúc này, con người dễ hoang mang, dễ xúc động mạnh. Nên chính quyền phải dặn các công bộc của dân, hành xử thật thận trọng và suy nghĩ một cách thấu đáo, hợp tình hợp lý.
Tướng ra trận, có quyền “tiền trảm hậu tấu”, nhưng phải vì cái mục đích tối hậu sau cùng!
Tôi tin chính phủ đang ra những quyết sách đúng đắn, và hy vọng rằng những người thừa hành hiểu và thực hiện chính sách đó một cách đúng đắn như vậy.
Còn tôi, tôi ở lại Sài Gòn, tiếp tục làm việc để làm việc, còn người làm việc, nghiệp còn hoạt đồng thì nền kinh tế vẫn tiếp tục vận hành.
Cầu cho các lãnh đạo luôn sáng suốt, lực lượng công bộc của nhân dân sức khỏe và hoạt động hiệu quả để dịch bệnh qua mau. Và cầu bình an cho tất cả mọi người.
Sài Gòn, ngày 4 tháng 8 năm 2021
(Hình chụp chị bán chuối – chụp vào năm 2016)