Huấn luyện trí não

Bạn và tôi khi được sinh ra trên cõi đời này, được may mắn làm người cũng đã là một một kỳ tích bởi chúng ta là sinh vật hiếm hoi có khả năng tư duy và có thể làm nên được những điều kỳ vỹ. Khi là một động vật có khả năng tư duy, ngoài những niềm vui mà chỉ duy nhất loài người có được như sáng tạo, yêu thương, sẻ chia, chiến thắng… con người còn phải chịu đựng những nỗi đau mà các giống loại khác không bao giờ phải cảm nhận.

Bộ não của con người có thể được xem như là một hệ thống tính toán cực kỳ phức tạp, nó có khả năng phân tích các tín hiệu từ các cơ quan cảm giác để tạo ra cảm giác và càm xúc cho cho con người. Nó còn có thể giúp con người suy nghĩ một cách có logic để có thể ra quyết định cho những vẫn đề khó khăn. Não người giúp cho con người có phản xạ nhanh khi ông chủ của nó không kịp ra quyết định, vì dụ như né một vật rơi vào người trong tíc tắc, lúc đó não chưa kịp ra quyết định. Hoặc tạo nên các xúc cảm như yêu thương, chán ghét, thù hận… theo cái cách mà con người chúng ta bằng lý trí vẫn không có thể kiểm soát hết được hoàn toàn. Có những cơn giận khiến cho tội phạm ra tay giết người trong chớp mắt, dù về mặt nhận thức, họ đều biết rằng giết người là phạm tội và cần phải dừng lại. Hoặc khi thấy một người khác phái, bạn trở nên yêu người ta say đắm, dù bạn chưa thể xác định được lý do tại vì sao bạn lại để ý rồi yêu người ta. Bộ não của chúng ta là một cỗ máy cực kỳ phức tạp, nó giống như một con rồng ẩn mình, nó có thể tạo ra những thứ mà bản thân chúng ta không thể tưởng tượng hết được. Còn chúng ta, với suy nghĩ logic, có thể chiếm quyền điều khiển não bộ để ghi đè lên những tính toán mặc định của trí não để yêu cầu trí não hoạt động theo ý của mình. Nhưng đôi khi chúng ta bất lực bởi hành vi của chính bản thân chúng ta, chẳng hạn như đau khổ cùng cực vì mất mát người thân hoặc do thất tình, bị stressed khi gặp áp lực cao và gặp khó khăn khi muốn hồi phục, quá ghét hoặc quá yêu một ai đó dù không rõ lý do, lười làm việc vì một lý do gì đó mà mình không thể nhận ra dù lý trí bảo rằng phải nên chăm chỉ làm việc đi. Hay nói một cách khác, chúng ta chưa hiểu được cách thức mà bộ não của chúng ta làm việc và ra quyết định để có thể thực sự làm chủ nó. Làm chủ được hoạt động của bộ não cũng giống như học cách điều khiển một con rồng. Khi bạn đã làm chủ được não bộ của mình, bạn có thể sử dụng nó để tập trung vào một mục đích cụ thể và có thể làm nên những điều phi thường. Hoặc chí ít, bạn có thể điều khiển được bản thân để không làm những điều không tốt cho những người khác, và chí ít là không tự làm hại chính bản thân của mình.

Những người càng nhạy cảm với cuộc sống với thế giới xung quanh mình, họ càng có khả năng cao của một người nghệ sỹ, bởi xúc cảm là thứ giúp nghệ sỹ thăng hoa. Nhưng càng nhạy cảm, họ càng dễ dàng tổn thương và đau đớn bởi những cảm xúc mà nó mang lại. Một người nhạy cảm sẽ yêu say đắm gấp nhiều lần người thường và cũng tổn thương sâu sắc khi phải chia tay một mối tình. Một người nhạy cảm sẽ đau một nỗi đau với thương tổn lớn hơn nhiều lần so với người thông thường. Nếu những người nhạy cảm không biết cách điều khiển hoạt động của trí não, họ sẽ rơi vào những cơn phiền não, u uất và không thể thoát ra được. Tệ nhất, họ có thể tìm đến cái chết để giải thoát.

Thứ mà chúng ta thường muốn khống chế nhất về mặt xúc cảm đó là khống chế cơn giận, bởi ông cha ta nói “giận mất khôn”, giận quá khiến con người chúng ta có những hành vi mất kiểm soát. Có thể bạn sẽ là những lời nói gây đau đớn, những vết thương tinh thần cho đối phương. Nặng hơn thì là dùng vũ lực để thõa mãn cơn giận. Đã có bao nhiêu cơn cuồng sát đã diễn ra mà bạn phải nghe hàng ngày. Đã có biết bao nhiêu người tự mình hủy đi sinh mạng của mình chỉ bởi vì thất vọng về tình yêu và cuộc sống. Mất khống chế bộ não về mặt cảm xúc, dẫn tới hành vy hủy hoại bản thân và gây tổn thương cho những người khác.

Từ ngàn xưa đến nay, để giúp các cá thể có thể khống chế sự bùng phát và những quyết định gây tổn thương cho chính bản thân và xã  hội, người ta đã sinh ra hệ thống luật pháp và đạo đức để giúp con người chấn chỉnh hành vi, vì họ được dạy về đạo đức và luật pháp trong hai mươi năm đầu đời. Tuy nhiên, con người thường dễ dàng bỏ qua luật pháp và đạo đức để làm điều mình muốn, bởi hai thứ đó không tạo nên niềm tin, nó chỉ tạo nên sự sợ hãi cho con người. Bởi nếu vi phạm pháp luật, họ sẽ bị xét xử và bỏ tù. Nếu làm trái đạo đức, họ sẽ bị xã hội lên án và phê phán. Nhưng con người sẽ vượt rào, nếu họ tin rằng họ làm đúng và họ chấp nhận cái giá phải trả cho hành vi của họ.

Khi luật pháp và đạo đức không đủ để neo giữ con người đi quá xa so với chuẩn mực xã hội. Tôi giáo sẽ đóng vai trò cứu cánh để giúp cho con người lạc lối có được đức tin và có niềm tin vào những điều chân – thiện – mỹ. Tôn giáo đúng đắn sẽ giúp con người yêu cái đẹp, ghét cái xấu, làm những điều tốt cho gia đình và cho xã hôi. Tôn giáo với những bài răn dạy của mình giúp cho con người định hình nên một nền tảng về nhân sinh quan và giúp cho họ có khả năng điều khiển bộ não của mình sống và thực tập theo nhân sinh quan đó. Việc đi nghe giảng đạo mỗi tuần, rồi thường xuyên cầu nguyện sẽ giúp các con chiên ngoan đạo không bị lạc lối, và có thể sống tốt để một ngày nào đó có thể lên được “thiên đàng”.

Những sứ giả của thượng đế như chúa Jesus, đức Phật, hay nhà tiên tri Muhammad là những bậc vỹ nhân đã tạo ra nền tảng giúp cho con người có thể khống chế được những hoạt động tưởng như mất kiểm soát của bộ não bằng niềm tin tôn giáo, bằng hệ thống giáo lý và triết thuyết hướng thiện, và bằng những câu chuyện mang tính chất ẩn dụ khiến người ta không thể quên.

Bản thân tôi, khi quan sát các nhà truyền đạo, các hoạt động tôn giáo, và khi tự soi chiếu vào bản thân, tôi đã nhìn ra một số cách thức giúp chúng ta có thể từng bước điều chỉnh hành vi và suy nghĩ mình theo lối mình mong muốn. Ngay cả những nhà chính trị vĩ đại cũng giúp dân tộc của họ đi cùng một hướng bằng cách y hệt như những truyền đạo sử dụng. Ở đây, tôi chỉ bàn về địa hạt cá nhân, khi bạn muốn định hướng cho bộ não của mình hoạt động theo định hướng của bạn.

Trước tiên, chúng ta hãy nhìn bộ não như một cỗ máy xử lý thông tin. Từ lúc chúng ta nằm trong bụng mẹ, não của chúng ta đã tiêu hóa một lượng thông tin khổng lồ, từ những lời mẹ chúng ta và mọi người khi nói chuyện cùng nhau, đến âm nhạc, sau đó chúng ta ra đời, chiếc não đang ở giai đoạn học tập và hình thành nếp nhan, với đôi mắt của trẻ sơ sinh và thiếu nhi chúng ta quan sát và học mọi thứ, suy nghĩ của chúng ta hình thành các kết luận khác nhau dựa vào sự hỗ trợ điều chỉnh của ba mẹ, thầy cô giáo và xã hội. Tất nhiên, những sự điều chỉnh đó không phải lúc nào cũng chính xác, có những định kiến đưa vào đầu chúng ta từ lúc bé thơ và không may nó trở thành rào cản cho chúng ta trở thành công trong tương lai mà chúng ta không biết. Ví dụ như định kiến đa phần người giàu là những kẻ bóc lột, hoặc muốn giàu thì phải học thật giỏi, trong khi bộ kỹ năng để mọi người có thể trở nên giàu có không được mọi người quan tâm và dù rằng học hỏi vẫn là yếu tố tiên quyết để giúp một người trở nên hữu ích và giàu có, nhưng học cái gì thì không được dạy rõ, ngay cả những cuốn sách làm giàu cũng thường không nói rõ rằng giàu có không nên là mục đích, giàu có chỉ nên là hệ quả từ việc bạn thực sự muốn mang lại giải pháp cho những nhu cầu của con người. Có nhiều “tiên đề” sai đã được nhét vào đầu chúng ta khiến cho chúng ta hiểu sai về cuộc sống, và từ đó hình thành những quyết định sai lầm.

Để sửa chữa những lỗi lầm về nhận thức từ quá khứ, chúng ta cần phải nhìn rõ được cách nghĩ của chúng ta sai từ đâu. Mọi định kiến, cách nghĩ sai đều cần phải được điều chỉnh. Nhưng con người không dễ nhìn ra lối nghĩ lệch của mình, mà buộc họ phải thường xuyên tự suy ngẫm, chiêm nghiệm về bản thân và về mọi người để nhìn ra tập tánh của mình. Khi nhìn ra được tập tánh và phán đoán được nguyên nhân, chúng ta đã giải quyết được 50% vấn đề. Cái khó là chúng ta phải đưa những “tiên đề” mới vào và làm sao cho bộ não của chúng ta chấp nhận nó. Tiếp theo đó là làm sao để thay đổi thói quen và lề lối suy nghĩ của mình để có thể tạo ra những kết quả khác biệt.

Người ta bảo “tư tưởng không thông, xách bi đông không nổi”. Nên trước tiên phải có những hiểu biết đúng đắn về nguồn cơn những hành động của bản thân và những tiên đề đúng. Ví dụ, tôi phát hiện ra, tự tôi tạo ra rất nhiều ràng buộc cho suy nghĩ của bản thân, ví dụ như, muốn làm được việc A cần phải có điều kiện B, nhưng suy nghĩ đó nó hạn chế chúng ta lắm, bởi chúng ta phải kiếm cái điều kiện B, mà để đạt điều kiện B, chúng ta phải làm những việc chưa chắc chúng ta đã thực sự yêu thích và muốn làm, chưa kể để đạt điều kiện B, chúng ta phải thõa điều kiện C, nếu cái dãy điều kiện đó dài ra, gần như chúng ta muốn bỏ cuộc ngay phút đầu tiên. Với tôi, suy nghĩ đúng nên là, tình trạng hiện tại của tôi bây giờ là gì, có gia đình như thế nào, có bao nhiêu tiền, tri thức đã có những gì, tôi có thể làm gì với điều kiện đó, và tôi sẽ bắt đầu làm ngay. Đúng là phải có ước mơ và mục đích, nhưng ước mơ và mục đích phải phù hợp với hiện trạng đang có. Không thể ở Việt Nam và muốn thành Bill Gates ngay được, nên phải định hình giấc mơ không quá khả năng thực hiện với thực trạng chúng ta đang sống. Có thể bạn sẽ bảo, thế thì làm sao có được Jack Ma, nhưng tôi nghĩ, khi mới bắt đầu, Jack Ma cũng chẳng nghĩ xa đến vậy đâu, ông ta sẽ bắt đầu thực hiện những thứ ông ta có thể làm được trước, tầm nhìn không thể có trong ngày một ngày hai, tầm nhìn là một quá trình tích lũy và điều chỉnh. Nếu ai đó được sinh ra, và biết rõ rằng đích đến của mình là điểm B nào đó, đi trên con đường từ A đến B chả chán lắm sao, khi cuộc sống là vô thường, biết bao biến cố ngẫu nhiên đến với mình, điểm B chúng ta tưởng tượng và điểm B chúng ta đến có lẽ chả giống nhau đâu, nhưng việc đầu tiên cần làm phải là tiến bước, vì phải có vận động mới có thay đổi được.

Khi bạn soi chiếu bản thân, suy nghiệm về mình và về thế giới, bạn sẽ tìm ra được những nguyên lý để áp dụng cho cuộc đời mình. Suy nghiệm càng nhiều bạn càng có niềm tin vào điều mình nghĩ. Nhưng bước tiếp theo, bạn cần làm nhiều hơn đó là trao đổi và thảo luận về tư tưởng của mình với những người khác bởi tranh luận giúp bạn làm tư duy trở nên sắc bén. Nhiều ý tưởng hay sẽ đến với bạn qua những cuộc tranh luận. Thiếu thảo luận và tranh luận, bạn đang tước đi khả năng xây dựng tri thức bằng cách học hỏi cả thiên hạ.

Vấn đề tiếp theo đó là để suy nghĩ được những điều đúng đắn, não cần được nạp thông tin đúng và hữu ích. Những thông tin đó không thể tìm thấy dễ dàng qua facebook hoặc chỉ tìm trên Google, mà bạn phải chọn lựa và đọc sách, những cuốn sách được khẳng định về mặt giá trị của các giải thường hoặc mức độ trường tồn với thời gian. Đọc và xem là quá trình làm giàu tri thức và làm tăng nguồn vốn cho não để có thể sản sinh ra những ý tưởng hoặc những suy nghĩ hay ho. Bạn không thể nghĩ được gì nhiều nếu suốt ngày bạn chỉ ngồi coi tin sốc – hiếp – giết. Nếu bạn chỉ coi thông tin về thời trang thì thứ bạn rành chỉ là thời trang mà thôi. Thế nên, phải chọn thứ để đọc, để xem và để thảo luận. Chọn nguồn tin để nuôi dưỡng trí óc là việc làm vô cùng quan trọng.

Bạn cần phải có những nguyên tắc và những nguyên lý làm kim chỉ nam của cuộc đời. Chọn ra những nguyên tắc và nguyên lý đó, và triệt để tuân thủ nó giúp bạn sẽ không bị lạc lối nữa. Nói thì dễ, nhưng đó là một quá trình tìm kiếm dài hạn, có thể là năm năm, mười năm hoặc nhiều hơn nữa. Đôi khi bạn chưa có được triết thuyết của mình nhưng bạn đã thành công về danh vọng và tiền tài, nhưng sự thành công đó có thể sẽ làm khó bạn và khiến cho bạn không thể an lạc và hạnh phúc được về lâu dài. Thành công mang lại cho bạn sự tự tin và cả sự kiêu ngạo nữa. Thất bại có thể làm bạn đau và làm bạn gục ngã, nhưng nếu bạn có tư tưởng tốt, rằng nếu chưa chết thì vẫn có thể thay đổi, vẫn có thể làm lại, như các bậc anh hùng xưa, đến năm sáu mươi tuổi khởi nghiệp trở lại vẫn không muộn, thì bạn giống như một chiến binh bất tử vậy đó, bởi lúc đó không ai có thể đánh bại bạn ngoại trừ chính bạn. Còn nếu bạn trở thành bậc vĩ nhân thì chết chưa hẳn là chết, trò chơi bạn xây dựng nên có thể dài vài thế kỷ mà người chơi vẫn không thể rời cuộc chơi của bạn.

Huấn luyện trí não là một cuộc chơi kéo dài cả cuộc đời. Bạn không nên nóng vội nếu thấy não mình không tuân theo mình, những thứ mình muốn làm nhưng mình luôn bỏ cuộc nữa chừng. Huấn luyện não cũng như sự kiên nhẫn khi dạy con cái vậy đó, bạn cần phải kiên trì và không được phép bỏ cuộc. Mỗi lần làm một điều gì đó không như ý, hãy dành thời gian phân tích, chiêm nghiệm và suy ngẫm tại sao mình lại có hành vi như vậy. Sau đó cần chỉ ra kết luận và hành động tiếp theo để điều chỉnh. Ở đây, bạn cần nhớ rằng, ngay cả thánh nhân cũng không tìm ra con đường của mình lúc còn trẻ. Nhà tiên tri Muhammad đến 40 tuổi mới thực sự sáng tạo ra kinh Koran và bắt đầu truyền đạo Islam. Dù ngài ấy nói rằng ngài nghe từ thiên thần Grabiel, nhưng nói gì thì nói, những chuyện đó cũng chỉ xảy ra bên trong bộ não của ngài mà thôi. Đức Phật Thích Ca, 29 tuổi mới bỏ đi tu, 35 tuổi mới thực sự giác ngộ. Giesu thực sự bắt đầu giảng đạo từ năm 30 tuổi. Điều này cho thấy không có ai đạt tới mức giác ngộ, nhìn ra bản thân mình và hiểu được dòng chảy của cuộc sống khi mới sinh ra hoặc khi còn niên thiếu cả, tất cả là một quá trình chiêm nghiệm, luyện tập, nói và tranh luận. Các vị ấy đều là những người kể chuyện đại tại và là những nhà hùng biện tuyệt luân. Trước khi là nhà thiết giáo và sáng lập ra một giáo phái, họ đã là một nhà triết học, có hệ tư tưởng riêng và phổ biến tư tưởng đó cho mọi người.

Chúng ta không cần phấn đấu để trở thành Jesus, Bill Gates hay Hitler. Nhưng nếu chúng ta có trí não, chúng ta nên tối ưu hóa khả năng của nó. Khi bạn tối ưu hóa được công năng của não, bạn đã có siêu năng lực mà thượng đế trao tặng rồi đấy, chứ bạn không cần phải như Iron man hoặc Thor gì đâu.

Với tôi, tuổi 36 chỉ là sự khởi đầu cho quá trình trưởng thành. Tất cả chỉ mới là sự bắt đầu.

Sài Gòn, ngày 03 tháng 11 năm 2019