Khỏe mạnh về tinh thần

Cách đây vài năm, các cô gái trong công ty tôi thường trầm trồ khi thấy một bạn nam nhân viên của công ty, bạn nam này cao gần một mét chín, thân hình tuyệt hảo, body sáu múi. Ai cũng nhìn bạn với ánh mắt ngưỡng mộ vì trông bạn ấy thật mạnh mẽ và nam tính. Lúc đó, tôi có nói với một bạn gái ở bên cạnh về anh chàng này, tôi suy đoán cậu ấy về sức khỏe tinh thần trước đây không được tốt, và body building (tập thể hình) là một quá trình giúp cậu ấy lấy lại sự tự tin cho bản thân. Tôi dự đoán cậu ấy là người khá tình cảm, và không quá mạnh mẽ. Đáng tiếc, mọi dự đoán của tôi đều đúng, cậu ấy đã từng trầm cảm kéo dài đến độ muốn tự tử đến vài lần, và đúng là việc luyện tập thể hình là một quá trình trị liệu giúp cậu ấy thoát trầm cảm. Tuy có thể hình đẹp, nhưng cậu ấy là một người yếu đuối và dễ suy sụp. Vì sao đoán được điều này? Tôi nhìn vào một số dấu hiệu khác nhau của cậu ta mà đoán thôi. Nhưng trong bài này tôi không muốn nói về những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần, tôi chỉ muốn cho những người trông có vẻ đa sầu đa cảm xem thử mình có sức khỏe tinh thần tốt hay không. Cùng phân tích về chính bạn nhé.

Một người có sức mạnh về mặt tinh thần không nhất thiết phải là người cao to, cũng không nhất thiết phải là người luôn thể hiện rằng mình có ý chí mạnh mẽ, hoặc cứng rắn đến mức vô cảm. Những người có sức mạnh tinh thần tốt là những người có thể vượt qua được những khó khăn và thử thách lớn nhất, và có sức bền tốt nhất, có thể giúp những người còn lại làm chỗ dựa tinh thần khi gặp khốn khó. Nếu bạn từng đọc cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” của bác sỹ tâm lý Viktor Emil Frank, bạn sẽ nhận ra, người có tâm hồn mạnh mẽ như vị bác sĩ tù nhân do Thái này đã vượt qua muôn vàn thách thức khi sống trong trại tập trung của Đức Quốc Xã như thế nào. Một người có sức mạnh về tinh thần vẫn được phép đa sầu đa cảm, vẫn có thể làm thơ, yêu thương, nhưng họ không bị quật ngã bởi những áp lực tinh thần từ phía bên ngoài, họ có khả năng phục hồi nhanh. Để biết một người có thực sự mạnh mẽ về mặt tinh thần hay không, chúng ta cần phải đi theo họ suốt một quãng đường đời dài, nhìn cách họ vượt qua những nỗi đau, nguy nan và cám dỗ của cuộc đời, chúng ta mới có thể biết được họ có thực sự khỏe hay không. Nhưng chúng ta cũng có thể tự nhìn vào quá trình phát triển của bản thân, nhìn vào một dấu hiệu để biết mình có thực sự mạnh mẽ hơn người khác hay không.

Bạn có thể tự hỏi, nếu bạn cho phép mình khóc nếu bạn mất người thân, thất tình, hay thậm chí thất bại một cuộc chơi, bạn có phải là người yếu đuối không? Thực ra, khi bạn cho phép mình được khóc, bạn đã giải phóng sức ép lên chính bạn, nhờ đó tim bạn sẽ ít áp lực hơn. Những người không thể khóc thường là những người không thể hiện được cảm xúc của bản thân, và đè nén cảm xúc vào bên trong, nếu dồn né quá mức bạn sẽ bực dọc với mọi thứ và với cả những người xung quanh, mất ngủ, đầu óc trống rỗng và dễ bị căng thẳng. Nếu bạn muốn khóc, hãy khóc, bởi nó giúp cho bạn thư giãn các bó cơ, và giải thoát bản thân khỏi sự căng thẳng về mặt tinh thần. Một người có thể giải phóng được cơn giận, nổi đau, sự buồn khổ theo một cách ít tạo ra áp lực cho những người xung quanh là một người mạnh mẽ. Bạn không thể nào sống cuộc đời không giận bất cứ ai, hoặc không khóc được, nhưng kiểm soát chúng như thế nào để bạn vẫn có thể phát tiết và không gây ảnh hướng đến ai mới thể hiện sức mạnh tinh thần của bạn. Đừng ngại khi bạn có nhu cầu muốn khóc, đừng nghĩ rằng bạn cứ kìm nén xúc cảm bản thân là tốt, thay vào đó hãy nghĩ bạn sẽ giải phóng xúc cảm theo cách nào. Cái gì quá đều không tốt!

Bạn có thấy những người cố gắng kiểm soát tình huống mọi lúc mọi nơ có tốt không? Bạn có cảm thấy e ngại khi người bạn dồng nghiệp của bạn làm việc như một con nghiện, cố gắng hoàn thành hết mọi công việc, giải quyết mọi thứ, lúc nào cũng thể hiện rằng mình đang kiểm soát mọi thứ không? Chúng ta thường hay nói đùa rằng “cố quá, coi chừng quá cố” là nhằm nhắc nhở những con người luôn luôn cố gắng kiểm soát mọi thứ. Người mạnh mẽ về mặt tinh thần chấp nhận rằng mình không thể kiếm soát mọi thứ, có những thứ họ phải chấp nhận cho nó diễn ra, hoặc để thời gian tự giải quyết. Đốt cháy cột năng lượng bản thân đến giọt cuối cùng chỉ vì để giữ cho mọi thứ trong kiểm soát sẽ làm cho bạn mất khả năng kiểm soát bản thân đấy. Khi bạn có giảm giác mình kiệt lực kéo dài, hoặc mình phải cố gắng quá nhiều và quá lâu, bạn đang mất kiểm soát chính bản thân bạn đấy. Người mạnh mẽ về sức mạnh tinh thần là người biết tự lượng sức mình, không cố kiểm soát mọi thứ.

Cách bạn sử dụng thời gian cũng cho thấy bạn có thực sự ổn không. Những việc lớn, quan trọng thường là những công việc đòi hỏi nỗ lực kéo dài nên bạn cần phải có cách sử dụng thời gian hợp lý. Sử dụng thời gian hợp lý không có nghĩa là bạn lề mề hoặc lười biếng hoặc chỉ nằm phễnh ra chơi, nhưng bạn cũng không nên chỉ cắm cúi làm việc cho mục tiêu mình hướng tới. Bạn cần phải nắm được chu kỳ sinh học của mình, thư giãn khi cần thiết, và giữ phong độ và hiệu suất làm việc tốt. Mỗi người có một nhịp sinh học riêng, nên bạn không nên bắt chước hoặc so sánh với ai, mà phải tự mình tìm hiểu và lựa chọn cách thức làm việc thư giãn phù hợp với mình nhất. Ví dụ như trong trường hợp của tôi, mỗi ngày chỉ cần ngủ cỡ khoảng năm tiếng là tôi thấy khỏe mạnh, nhưng bạn cần ngủ đến tám tiếng. Vì sao tôi khẳng định như vậy, bởi vì đó là một quá trình luyện tập kéo dài của tôi, và tôi đảm bảo được chu trình của mình mười mấy năm nay mà không phải hy sinh sức khỏe, không cáu gắt và ít mệt mỏi. Mỗi ngày, chúng ta cần phải dành một quỹ thời gian cho việc thư giãn, đọc sách, hoặc giao lưu với bạn bè và gia đình, thậm chí dành một hai tiếng để thư giãn cũng không có gì sai. Thời gian thư giãn của tôi là từ chin giờ tối đến mười hai giờ tối, trong khoảng thời gian đó, tôi sẽ có một giấc ngủ ngắn trong khoảng 30 phút đến 45 phút, sau đó tôi sẽ làm việc mình thích như một cách thư giãn, có thể tôi sẽ viết bài (như lúc này – 11:56pm), hoặc tôi sẽ chỉnh những bức hình mà tôi đã chụp trong những ngày trước. Khoảng thời gian thư giãn này là bất biến, bởi nếu tôi bỏ chúng đi, tôi sẽ bị mất cân bằng ngay, và nó chỉ đúng với tôi và không đúng với người khác. Sau 12 giờ, tôi có thể làm việc đến ba giờ sáng mà không hề mệt mỏi. Hãy hào phóng về thời gian với chính bạn, đảm bảo bạn không bị cạn kiệt năng lượng nhé, đó cũng là một chỉ dấu cho biết bạn có sức khỏe tinh thần tốt.

Những người có sức khỏe tốt về tinh thần là những người luôn thể hiện lòng biết ơn với những điều tốt đẹp diễn ra quanh cuộc sống của mình. Chúng ta phải tỏ lòng biết ơn vì chúng ta vẫn còn được sống, được nhìn ngắm cả thế giới, được quây quần bên người thân. Chúng ta cần biết ơn vì chúng ta vẫn có trí não và sức khỏe để lao động. Thậm chí, chúng ta cần biết ơn vì bầu trời xanh, vì tiếng chim hót, vì đóa hoa đương nở. Khi bạn không cảm thấy biết ơn về những thứ diễn ra quanh bạn, bạn có thể đang rơi vào cái bẫy “suy nghĩ nạn nhân” (victim-thinking) đấy, lúc đó bạn đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh và cho đó là nguyên nhân cho mọi khó khăn mà bạn gặp phải, bạn sẽ đổ lỗi cho gia đình, cho đồng nghiệp, và thậm chí cho một cơn mưa bất chợt, mọi thứ đều trở nên chống đối bạn – dù sự thực không phải thế. Hãy đọc bài viết Thế giới tươi đẹp của tôi để cảm thấy yêu cuộc sống này hơn nhé.

Một người có sức khỏe tinh thần tốt là người có lòng tốt với mọi người. Khi bạn thấu hiểu, cảm thông với những người xung quanh và bạn trở thành niềm cảm hứng cho moi người, là chỗ dựa tinh thần cho họ, bạn phải là một người cực kỳ mạnh mẽ. Bạn sẽ không phải là một người mạnh mẽ, nếu bạn không thể vứt bỏ cái tôi, và không sống vì mọi người mà không cần phải thu lợi gì từ họ. Cho đi, lan tỏa niềm tin tích cực về cuộc sống, yêu thương, sẻ chia chính là biểu hiện của những người có sức khỏe tinh thần tốt. Những người như vậy sẽ giúp cho mọi người cảm thấy được sự quan tâm, sự đồng cảm và thấu hiểu. Ai cũng cần những người thấu hiểu mình, để họ thấy không cô đơn với mọi thứ ở xung quanh.

Những người cởi mở, sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới lạ, chấp nhận sự khác biệt cũng là những người có sức khỏe tinh thần tốt. Đôi khi, từ bỏ một giá trị cũ và chấp nhận giá trị mới cũng thể hiện sự dũng cảm của bạn đấy. Những người đóng kín bản thân, không chấp nhận đổi mới, thường sẽ dần cô lập bản thân và không có sự đổi mới. Trái ngược với nhóm người đó, những người chấp nhận đổi mới, tự thay đổi bản thân, thích ứng mới môi trường sẽ phát triển hơn và không gặp nhiều khó khăn với sự thay đổi. Khi chúng ta thực sự mạnh mẽ, chúng ta sẽ luôn tìm cách tiến bộ và sau một quá trình tiến bộ không ngừng chúng ta sẽ tiến hóa đến một phiên bản mới của bản thân, và có khả năng giải quyết những vấn đề lớn hơn và nan giải hơn.

Nếu bạn gặp ai đó trông có vẻ hoàn hảo, không bao giờ mắc sai lầm, và ít khi tiếp nhận góp ý giúp họ trở nên tốt hơn, bạn đang gặp người có sự yếu đuối về mặt tinh thần đấy. Người khỏe mạnh về mặt tinh thần chấp nhận rằng, không có ai kể cả bản thân họ thực sự hoàn hảo, họ chấp nhận sẽ mắc sai lầm, sẽ có những lần thất bại và quỵ ngã, nhưng điều quan trọng hơn cả, đó là học được điều gì sau mỗi sai lầm đó để có thể tiến bộ hơn và không mắc sai lầm đó thêm một lần nữa. Những người mạnh mẽ là những người thường xuyên quán xét lại bản thân, soi chiếu những trải nghiệm mà bản thân trải qua trong ngày và tìm cách giải quyết những vấn đề còn tồn đọng và giúp bản thân phát triển. Ngược lại, những người thường than thân trách phận, hoặc đổ lỗi cho người khác sẽ khó mà phát triển được. Bạn hãy học cách tha thứ cho bản thân, hãy biết xin lỗi khi bạn đã làm điều gì đó không tốt, và luôn cởi mở với những góp ý để giúp bạn có thể tiến bộ hơn, như vậy bạn mới thực sự là người có sức mạnh về tinh thần.

Một dấu hiệu cho thấy bạn chưa hoàn toàn ổn về mặt tinh thần đó là bạn không kiềm chế được chi tiêu. Hãy thẳng thắn với bản thân nếu bạn vẫn thường vung tay quá trán cho những đợt khuyến mãi, hoặc thõa mãn thú vui mua sắm một cách không hợp lý. Tôi đã từng mua đi bán lại hàng trăm thiết bị nhiếp ảnh, chỉ đơn giản là vì tôi có những vấn đề khó khăn trong cuộc sống và mua sắm như là một cứu cánh tạm thời nhằm giúp mang lại niềm vui, nhưng rõ ràng, quãng thời gian kéo dài bốn năm đó là một giai đoạn khủng hoảng lớn của cuộc đời tôi, và dù tôi hoàn toàn nhận thức được mình có vấn đề, tôi vẫn không thể giải quyết được một cách rốt ráo. Chỉ đến gần đây, tôi mới giải quyết được vấn đề của mình, tới những ngày tôi thực sự gặp vấn đề, tôi vẫn mua sắm, nhưng thay vì mua thiết bị nhiếp ảnh, tôi sẽ đi mua đồ đi chợ nhiều hơn, mua thêm thịt cá để bỏ tủ lạnh và xài dần. Khi tôi nảy ra trong đầu một ý tưởng mua sắm đồ đắt tiền, tôi sẽ ghi ra trong sổ và đợi vài tuần sau xem thử tôi có thực sự cần nó không, hay tôi đã có thể đạt được kết quả tôi mong muốn mà không cần thiết bị đó. Quản lý chi tiêu không có nghĩa là nhịn không mua sắm gì, thay vào đó hãy mua sắm một cách có trách nhiệm. Chúng ta không nên sống ngập ngụa trong đống đồ chúng ta mua sắm và chỉ xài một vài lần, thay vào đó hãy mua những thứ xứng đáng và xài chúng thường xuyên. Đối với những thứ bạn chỉ cần một vài lần, bạn có thể mượn hoặc thuê chúng. Sử dụng tiền bạc có trách nhiệm cũng là mà một dấu hiệu cho thấy bạn kiểm soát tốt những vấn đề về mặt nội tâm của bạn.

Một đặc điểm khác của những người mạnh mẽ, đó là họ không phụ thuộc vào những người khác để giải quyết vấn đề của bản thân. Người mạnh mẽ là người biết soi chiếu bản thân, nhận thức được vấn đề của riêng mình và tự mình chiến đấu với chúng, và tự mình vượt qua chúng. Nói vậy không có nghĩa là bạn sẽ bỏ qua sự giúp đỡ của người khác, mà là bạn sẽ chấp nhận sự cổ vũ và giúp đỡ, nhưng bạn không phụ thuộc vào chúng. Chỉ có chính bạn mới giải quyết được vấn đề của bạn mà thôi! Không nên trông đợi vào bất cứ ai khác ngoài bạn. Những người xung quanh bạn giúp bạn nhận thấy vấn đề của bản thân, cho bạn những thông tin mang tính tham chiếu, nhưng chỉ có bạn mới chọn cách đi mà bạn muốn. Ý lại vào người khác chưa bao giờ là đặc tính của kẻ mạnh. Tận dụng sức mạnh của người khác giúp mình trở nên mạnh mẽ hơn nhưng vẫn coi trọng sức mạnh tự thân mới là điều đúng đắn.

Cuối cùng, người mạnh mẽ là người kiên trì tiến bộ, luôn luôn tìm kiếm những thay đổi nhỏ, phát triển mỗi ngày để có bước tiến lớn về lâu dài. Bền chí là tố chất của kẻ mạnh. Kẻ yếu đuối thường không bền chí và dễ bỏ cuộc. Người mạnh là người biết tập trung xây dựng thế mạnh của mình, luôn tiến về phía trước chứ không chấp nhận chỉ dậm chân tại chỗ. Với họ, mọi thất bại chỉ là tạm thời, trải nghiệm và sự tiến bộ mới là mục tiêu hướng tới của họ. Mỗi ngày đạt một bước tiến nhỏ để cả cuộc đời là một chuyến đi dài với những trải nghiệm kỳ thú. Người mạnh mẽ là người luôn tự chiến thắng bản thân và không bao giờ có tâm lý của kẻ thua cuộc.

Bạn có thực sự mạnh mẽ về tinh thần không? Nếu bạn thấy mình có những điểm có thể khắc phục được, hãy khắc phục chúng và trở nên mạnh mẽ hơn. Không ai sinh ra đã mạnh mẽ, mà đó phải là một quá trình tôi luyện bản thân.

Chúc bạn luôn có sức mạnh để đưa mình tiến về phía trước!

Sài Gòn, ngày 10 tháng 12 năm 2019