Đối phó với khủng hoảng

Trong cuộc đời, chúng ta sẽ nhiều lần gặp chuyện khó khăn, nhưng khó khăn nào mới thực sự tạo cơn khủng hoảng cho chúng ta? Câu hỏi đặt ra, liệu rằng chúng ta có nên “khủng hoảng” hay không? Và khi nào thì nên khủng hoảng? Nỗi sợ lớn đến mức “khủng hoảng” tốt hay xấu? Chúng ta nên có thái độ như thế nào khi có những nguy cơ không tốt cho mình xảy ra?

Xin kể cho bạn nghe vài câu chuyện nhỏ để cùng suy ngẫm nhé!

Lúc nhỏ, tôi sống ở nhà vườn, cái hay của nhà vườn là được thấy nhiều cây con các loại, điểm dở là có những con vật ngoài ý muốn xuất hiện trong nhà. Cái giống mê vào nhà người khác nhất là rắn. Thứ nhất là vì bên trong nhà mát hơn bên ngoài, thứ hai là vì trong nhà có chuột nên rắn rất ưng bụng để vào. Không chỉ gặp rắn ở trong nhà, rắn còn có mặt ở các bụi rậm, treo mình ở bụi cây, rắn ở hồ nước. Ngày trước khi mới đầu gặp rắn, tôi tương đối hoảng sợ, và vì vậy tôi thường dùng cây chổi quét trần để tấn công những con rắn và đánh cho chúng chết. Trong những lần đánh rắn đó, tôi thường làm bể gạch men ốp tường vì quá manh động. Lớn hơn một chút, tôi thường khéo léo lùa rắn ra khỏi nhà hơn là cố tình đánh cho chúng chết, bởi có khi tôi gặp rắn hổ đất to bằng bắp tay của tôi, và tôi thậm chí không dám chọc giận nó quá, bởi nếu không cẩn thận có thể tôi là nạn nhân. Hẳn có nhiều người khi đọc đoạn này sẽ bảo sao tôi gan thế, nhưng theo tôi, con rắn mới là con vật hoảng sợ khi gặp con người, vì con người mạnh mẽ và thông minh hơn rắn rất nhiều, và rắn lúng túng khi gặp phải khủng hoảng, nó không biết lối ra, và nếu ai dẫm phải nó, hoặc tấn công, bản năng tự vệ của rắn sẽ khiến nó co cụm và có xu hướng chống lại. Nếu tôi hoảng sợ trước những con rắn, thể nào tôi cũng sẽ cuống cuồng lên, và tôi sẽ có xu hướng bối rối, hoảng sợ và làm những trò liều mạng, nhưng may mắn thay tôi vốn là người tương đổi biết giữ bình tĩnh và không sợ hãi. Có lần bà nội tôi đang nằm ngủ, phía trên con rắn hổ đất treo mình trên khung cửa sổ, nội tôi hoảng sợ khi mở mắt thấy con rắn rất to, tôi bảo nội cứ nhẹ nhàng rời khỏi giường, rồi tôi mới dùng cây chổi quét trần gõ nhè nhẹ để con rắn thấy động mà bỏ đi, ai dè nó chui vào phòng ba mẹ tôi, tôi không biết phải làm sao, nên mở cửa phòng để đuổi con rắn to king khủng đó, hay đợi ba mẹ về. Tôi chọn phương án đợi ba mẹ, gõ mạnh ở bên ngoài để cho rắn tự bỏ đi, bởi phòng của ba mẹ rất nhỏ, tôi không dễ bề xoay sở ở trong đó, và quả thật đến khi tối về, con rắn to khủng khiếp đó đã bỏ đi. Thưa với các bạn, tôi là con nít thành phố, chứ không phải là con nít ở quê, nên tôi không biết chơi với rắn đâu, nhưng Huế là đất lũ, một năm lũ đến cả chục lần, rắn rít các kiểu tới thăm nhà là siêu nhiều, nếu gặp con gì tôi cũng hoảng sợ thì chỉ có chết tới chết mà thôi.

Cách đây mấy hôm, nhà tôi bị hỏng máy nước nóng, thế là tôi tìm trên google và gọi cho một dịch vụ được quảng cáo bởi Google, sau đó có hai người đàn ông tìm đến nhà tôi, một người là thợ chính, một người khác đi theo cùng có vẻ là thợ phụ, nhưng người theo cùng mặt rất gian, môi thâm sì, có vẻ thích quan sát. Khi anh thợ kia bận sửa chữa, anh chàng này thường chọn đứng hoặc ngồi ở các góc ê ke, tức là, nếu cả hai người ập vào tôi sẽ rất khó bề đối phó. Vợ tôi vốn ngại đàn ông nên chọn ngồi ở trong phòng với con và khóa cửa lại nên không biết tình hình bên ngoài. Khi anh thợ chính sửa máy, có lấy con dao cắt thịt của tôi để cắt miếng dãn dán, đó là một chiếc dao bầu rất sắc. Sau khi cắt xong anh chàng thứ nhất đôi con dao sang bên và ngồi tháo máy ra xem, anh chàng thứ hai liền đến sờ vào lưỡi dao rồi nắm cán con dao, đôi lúc lại nhìn tôi, tôi chột dạ, từ tư thế ngồi trên chiếc ghế, tôi đứng dậy đứng một bên ghế và nắm nhẹ ở thành ghế và quan sát hai người này, đồng thời tôi nhanh chóng chụp hình và gời vào phía trong cho vợ và nhắn đừng ra. Tiếp theo đó, tôi giữ khoảng cách đủ xa, để nếu họ tấn công, tôi có thể kip thời dùng chiếc ghế để chắn và la lên. Con dao đó tuy sắc nhưng lưỡi khá mỏng, không phải là loại dao có thể gây sát thương lớn nếu đâm trực diện. Anh chàng thứ hai có vẻ giống con nghiện đó ngắm nghía con dao, tay cầm cán có vẻ ướm thử, sau đó nhét xuống phía dưới chân. Nhưng khi anh chàng đó nhìn đến tôi, thì hẳn hắn thấy rằng tôi cũng đã có sự chuẩn bị. Tôi không đi tới để lấy dao vì tôi sợ sẽ bị khống chế và cưỡng đoạt tài sản, nhưng tôi vẫn vui vẻ nói chuyện, hỏi thăm tuổi tác quê quán, một mặt tôi đã chụp hình cả hai. Mặt khác tôi tính toán các đường để chạy nếu cần thiết. Chính nhờ giữ bình tĩnh, không hoảng sợ và không làm toáng lên không cần thiết, tôi đã canh đến gần cả tiếng đồng hồ mới thu hồi được con dao, và tôi cắt cuộc hẹn để thay phụ kiện vì tôi không tin vào những con người này. Nếu tôi hoảng sợ ra mặt, những gã này sẽ lợi dụng sự hoảng sợ đó, còn nếu tôi nhẹ dạ tin người, khi hai người đó gọi tôi tới xem đồ đã được sửa rồi, có thể tôi sẽ bị ăn một dao vào lưng mà không hay. Chính vì sự bình tĩnh đối phó mà không hoảng sợ thái quá đã khiến cho gã kia hạ dao và tôi có thế đợi đến lúc gã bỏ cuộc để thu hồi con dao và không tạo cho gã cơ hội khác. Bạn hãy nhìn bức hình tôi đã chụp lại thì sẽ hiểu tình huống. Tôi có hình cả hai người, nhưng tôi không muốn tố cáo khi chưa có chứng cứ rằng họ thực sự muốn manh động nên không đưa hình rõ mặt lên. Tuy nhiên, bài học ở đây là, khi gặp nguy cơ lớn, chúng cần bình tĩnh đối phó với nguy cơ, hơn là hoảng sợ thái quá, và tính thử xem mình hành động như thế nào thì ít gặp rủi ro nhất, trong trường hợp của tôi, tôi sẽ rút vào trong một phòng và dùng ghế để phòng thủ và la thật to để các căn hộ xung quanh đều nghe vì cửa tôi đã mở sẵn.

2020-02-17-23-40-46-189.jpg
Nếu một anh thợ cầm dao như thế này, sờ nắn lưỡi dao và thường xuyên ngó dáo dác, bạn sẽ nghĩ sao?

Mấy nay có xảy ra dịch virus Corona mới ở Trung Quốc, chúng ta đều hiểu virus có nguy cơ gây ra dịch bệnh ở Việt Nam và chúng ta nên bình tĩnh đối phó với dịch chứ không nên hoảng sợ và bị mất kiểm soát. Khi gặp những tình huống nguy hiểm, sự bình tĩnh ứng phó và không bị trí tưởng tượng quá đà làm rối mọi thứ lên sẽ giúp cho bạn phán đoán tốt tình huống và có cách thức đối phó phù hợp hơn là để cho cơn hoảng sợ và đám đông lôi chúng ta đi quá xa. Giả như dịch bệnh có tràn đến Việt Nam, cách thức chúng ta đối phó với khủng hoảng còn quan trọng hơn chính dịch bệnh Corona rất nhiều. Chúng ta cần nắm rõ thông tin, có cách ứng xử phù hợp, và quan trọng nhất đó là không nên hoảng hốt, vì hoảng hốt không giúp được gì trong những tình huống khủng hoảng. Tốt nhất là bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo và có hành động phù hợp.

Chúc mọi người luôn giữ được bình tĩnh trong những tình huống khó khăn để có cách giải quyết hợp lý!

Sài Gòn, ngày 18 tháng 02 năm 2020