Thành công không đến với người hời hợt

Có một câu nói mà tôi khá thích “If it hurts, do it more often!”, nghĩa là nếu bạn làm việc gì mà thấy khó khăn, mệt mỏi, bạn nên thực hành nhiều hơn để vượt qua nó. Kiểu như chạy bộ là một hoạt động vô cùng mệt mỏi và gây đau nhức đối với những người ít vận động, nhưng nếu bạn vận động đủ nhiều và thường xuyên, bạn sẽ không còn gặp nhiều khó khăn nữa, thay vào đó sẽ là cảm giác sảng khoái và tràn ngập năng lượng sau những chuyến đi bộ tập thể dục buổi sáng. 

Năm 2013 tôi rất béo, thế nên tôi quyết định đạp xe đạp đi làm mỗi ngày để luyện tập giảm béo. Tôi nặng hơn 90kg, nhưng lại đi một chiếc xe đạp địa hình bánh xe lớn. Ngày đầu tiên chạy xe thử vào buổi sáng sớm đối với tôi là một cực hình dù chỉ đạp tầm 6km, cả người tôi mệt rã rời, mỗi khi chạy lên dốc là tôi cảm giác như không để đạp nối, thế nhưng sau tầm một tháng rưỡi chạy xe liên tục, tôi không còn cảm thấy mệt mỏi và có thể đạp xe đi làm với quãng đường hơn 20km mỗi ngày. Như vậy, việc đạp xe chỉ khó khi chúng ta chưa luyện tập đủ nhiều và chưa có kỹ năng, nhưng khi bạn có kỹ năng và có sức bền, nó không còn là việc khó khăn nữa. 

Trong cuộc sống và công việc cũng vậy, những việc làm cho chúng ta stress hoặc ngại làm thông thường là những việc mà chúng ta chưa quen làm. Vì chưa quen, nên chúng ta gặp trúc trắc liên tục và gây cho chúng ta cảm giác ngại vì sợ gây ra lỗi, sợ bị người khác chê cười. Thế nhưng, nếu chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi đó, dấn thân, làm điều chưa bao giờ làm, chấp nhận rằng mình đang còn yếu chưa có kỹ năng, và luyện tập liên tục để trở nên tiến bộ hơn, mọi thứ sẽ khác hẳn và bạn sẽ có kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc khó đó. Nhờ thái độ dám dấn thân với những việc khó như vậy, bạn sẽ có khả năng vượt trội so với những người khác và bạn sẽ hữu ích với mọi người hơn. 

Trước đây tôi thường “dán nhãn” cho chính bản thân là người có bản tính nghệ sỹ, chỉ làm điều mình thích, tôi còn cho rằng mình tính lơ đãng, hay quên và chấp nhận điều đó một cách khá dễ dàng. Nhưng càng lúc tôi càng nhận ra nếu tôi chấp nhận tôi như vây thì sẽ rất khó khăn nếu tôi làm vị trí quản lý. Khi tôi làm quản lý về con người hoặc về kỹ thuật, nhờ yêu thích con người và kỹ thuật nên tôi có thể vui vẻ làm mọi việc và nhớ những việc cần thực hiện. Thế nhưng khi cần phải làm những công việc mà tôi không thích, tôi sẽ “quên” (bỏ qua) và để lại một đống “nợ” ngập đầu, chưa bao giờ giải quyết. Qua vài năm như vậy, tôi nhận ra mình không thể mãi như vậy được, bởi có những việc dù không thích nhưng vẫn cần được thực hiện, và tôi đã quyết định thay đổi. Tôi treo slogan “khó mới thích” và nhận những việc mà tôi thường không thích để làm. Năm 2019 tôi đảm nhận vị trí quản lý và điều phối nguồn lực cho một công ty hơn cả ngàn người và tôi dần quen được với áp lực khoảng từ 100 đến 200 email mỗi ngày, và tôi cũng quen dần với những cuộc họp liên miên, các thể loại báo cáo, những việc tưởng như tủn mủn nhỏ nhặt như xác nhận ký tiếp hợp đồng cho nhân viên hay xác nhận để một ứng viên được tuyển vào công ty. Năm nay, tôi tiếp tục với một thách thức lớn hơn, với những báo cáo về hóa đơn – chứng từ với khách hàng và bộ phận tài chính, hay những cuộc họp với bên kiểm soát nội bộ về các chỉ tiêu cho các dự án..v.v Đã muốn thì phải làm được, và từ sự ngập ngụa ban đầu, từ sự “nản chí”, tôi dần dần kiểm soát được phần nào khối lượng công việc lớn và xây dựng kỹ năng quản lý tác vụ và quản lý thời gian một cách hiệu quả hơn so với trước đây. Và tôi chợt nhận ra, những người quản lý cũng là những nghệ sỹ, họ giỏi trong nghệ thuật sắp xếp thời gian, nghệ thuật ủy nhiệm công việc cho những người khác, kỹ năng giao tiếp và ghi nhận thông tin. Hay nói cách khác, không chỉ làm kiến trúc sư, kỹ sư phần mềm, hay designer mới gọi là công việc sáng tạo, công việc quản lý cũng đòi hỏi sự sáng tạo và cải tiến không ngừng. Người quản lý đạt được trình độ cao nhất đó là khi họ “làm mà như chơi” nhưng vẫn đạt được hiệu suất cao. Chắc còn khá lâu tôi mới có thể đạt được tới trình độ đó, hiện tại hiệu suất của tôi vẫn còn thấp và chưa như ý, nhưng nếu thực hiện đúng phương châm “nếu cái gì khó thì nên làm nhiều hơn”, tôi nghĩ tôi sẽ đạt được mục tiêu mà mình muốn. 

Ngay trong lĩnh vực kỹ thuật, nghệ thuật cũng vậy, để đạt tới một cảnh giới cao, đòi hỏi chúng ta phải kiên trì tập luyện và thực hành liên tục. Dám làm, dám thất bại, và dám làm lại, như vậy mới có thể đạt được thành công. Những người làm kinh doanh cũng y hệt như vậy, cái gì khó và chán, họ càng chăm làm, và nhờ khác biệt với những người khác, họ mới trở nên thành công. Nếu như ai cũng mở cửa hàng, thì những người chịu khó chăm sóc khách hàng sẽ thành công hơn. Nếu bạn quay vlog, nếu bạn chịu khó bỏ nhiều thời gian hơn để làm cho clip của bạn thực sự bắt mắt và chỉn chu, lượt view của bạn sẽ cao hơn. Nếu bạn làm một bài thuyết trình, bạn chịu bỏ ra thời gian để viết kịch bản, làm slide thật đẹp – gọn gàng – xúc tích và chịu khó tập nói, bạn sẽ thuyết trình thu hút hơn. Nếu bạn là blogger, chỉ cần bạn chịu khó viết, chịu khó đọc lại và chỉnh các lỗi chính tả rồi đều chỉnh các câu viết chưa tốt, chất lượng bài viết của bạn sẽ tốt hơn nhiều và sẽ có nhiều người đọc và quan tâm đến blog của bạn hơn. Một lập trình viên chỉ làm ra phần mềm tốt nếu anh ấy thực sự khắc khe với bản thân và kiên trì giải quyết những vấn đề khó. 

Thành công không đến với những người hời hợt, và nó cũng sẽ không đến với những người sớm bỏ cuộc chỉ vì những khó khăn trước mắt. Thành công sẽ đến với những người kiên trì, chịu khó làm những việc mà ít ai muốn làm (nhưng có giá trị).

Chúc bạn sớm thành công với công việc của mình! 

Sài Gòn, ngày 17 tháng 09 năm 2020