Bản thân tôi là một người cầu toàn! Ở một mặt nào đó, cầu toàn nó tốt vì cái gì bạn làm ra đều trông có vẻ chỉn chu, hoàn thiện, nhưng mặt khác, nếu không biết kiềm chế, nó cũng là một là một lực cản lớn ngăn cản sự phát triển của cá nhân và tổ chức.
Tôi sẽ minh họa bằng một vài ví dụ đơn giản.
Cá nhân tôi chẳng hạn, muốn build một trang youtube, nhưng cứ ngần ngừ mãi, nào là phải có mic, có máy quay, rồi có máy tính đủ tốt để dựng phim, thế là mãi hơn 1 năm tôi cũng chả có video nào. Bồi hồi nhớ lại, cách đây 10 năm, tôi tạo ra tầm 7 clips về lập trình để đăng lên Youtube, trong tay không có một thiết bị nào, thế mà lại quá trời người xem. Sau đó tôi lại chê bai clip của chính mình nên không làm tiếp, mất bao nhiêu cơ hội.
Tôi thường nghĩ đến việc mình phải làm một phần mềm gì đó cho ra trò, rồi cứ chuẩn bị đủ thứ, nào là máy tính, kiến thức, công nghệ, thế mà mãi chả bắt đầu. Nhưng ngày xưa, một trường học nhắn tôi làm phần mềm quản lý thư viện, sau một tháng tôi đã có cho người ta. Cách đây hơn 10 năm, một nhà hàng lớn với tầm 60 bàn nhờ tôi làm ứng dụng POS, sau sáu tháng với sức của một người cho mỗi tháng, tôi đã có sản phẩm tốt cho người ta xài, đến bây giờ vẫn xài tốt và người ta cũng không có ý định thay đổi vì nó đáp ứng mọi yêu cầu của một hệ thống POS cho nhà hàng. Do nhu cầu của khách hàng thúc ép mà tôi đã hoàn thành, còn vì tính cầu toàn, nếu không có khách hàng, tôi không bao giờ làm xong được cái phần mềm nào cả.
Ở một công ty cũ tôi từng làm việc, PM chỉ nhận người vào dự án khi các bạn đó “qualified”, tức là các bạn developers phải có kỹ năng tương đối tốt mới nhận vào dự án, và vì thế, công ty phải tốn rất nhiều chi phí để huấn luyện cho các bạn lập trình viên trước khi vào dự án. Logic có vẻ rất hợp lý vì huấn luyện càng nhiều thì rủi ro càng giảm, thế nhưng, rủi ro càng ít thì biên lợi nhuận càng thấp. Và vì thế, quy mô đội ngũ càng khó mở rộng.
Ở một công ty outsourcing lớn khác, họ rất liều lĩnh, nhận dự án lớn và tích cực nhét sinh viên thực tập vào để sử dụng, sai đâu sửa đó, họ cũng nhận rất nhiều dự án dạng fixed price (giá chốt từ đầu, làm sao tùy bạn), và thế là họ tăng tưởng rất nhanh, nhưng cũng không ít lần họ thất bại.
Tại công ty mà tôi làm khi bắt đầu sự nghiệp ở Sài Gòn, họ không có hoạt động xây dựng kỹ năng cho nhân viên ở tầm công ty, các dự án tùy cơ ứng biến, và vì thế họ không mạnh về kỹ thuật lắm, quy mô công ty vẫn nhỏ cho tới bây giờ. Sếp vẫn giàu, sống khỏe, công ty không tăng trưởng mấy.
Nhìn lại, tôi nghĩ rằng, mỗi công ty nên cầu toàn trong giới hạn cho phép nhưng đặc biệt, họ không nên quá cầu toàn về nhân lực. Có những thứ rủi ro nên chấp nhận như khả năng mất người, thị trường cạnh tranh khốc liệt nhưng không nên đua tranh về lương, thay vào đó nên đua tranh về thu nhập. (Nghe thu nhập và lương có vẻ giống nhau, thực tế nó khác nhau).
Cái giá của những thứ hoàn hảo là chi phí rất cao. Nếu có đủ sức tạo ra những thứ hoàn hảo nhưng iPhone và Macbook, bạn phải có đủ kỹ năng và sức mạnh để bán hàng với mức giá rất cao. Nếu không doanh nghiệp sẽ rơi vào bẫy biên lợi nhuận thấp, chả biết đến khi nào mới thoát ra được.
Đôi dòng suy nghĩ của một người trước đây chỉ chuyên làm về quản lý và phát triển con người!
Sài Gòn, ngày 11 tháng 1 năm 2021