Mỗi năm, tôi phải trả rất nhiều chi phí để có thể duy trì các dịch vụ mà tôi sử dụng để lưu giữ nội dung mà tôi tạo ra. Có thể kể đến dịch vụ blog của WordPress, tôi phải trả gần 2 triệu đồng để duy trì trang web tumivn.com (chưa kể tiền duy trì tên miền), 3 triệu đồng mỗi năm để trả tiền lưu trữ trên Google Drive (2TB), 1 triệu đồng tiền dịch vụ office 365 đi kèm với 1 TB OneDrive, 0.8 triệu đồng cho 250GB dịch vụ iCloud, 2.5tr cho chi phí bản quyền của Adobe Creative Cloud. Chỉ tính sơ sơ, mỗi năm tôi đã phải tốn kém hơn 10 triệu đồng cho các dịch vụ lưu trữ thông tin và bản quyền giúp sáng tạo nội dung. Vì sao tôi phải tốn nhiều tiền như vậy khi tôi có thể đăng video miễn phí trên YouTube, đăng bài viết miễn phí trên các dịch vụ blogger, Facebook, đăng ảnh và lưu trữ ảnh miễn phí trên Instagram, và post bài viết miễn phí trên medium.com?
Người ta thường nói rằng “Không bao giờ có buổi ăn trưa miễn phí”, vậy khi bạn dùng cách dịch vụ “miễn phí”, bạn phải trả những gì?
Trên đời này, để kinh doanh, bạn cần có khách hàng, để có khách hàng, bạn cần có sự “chú ý” của khách hàng tiềm năng, và để có được sự chú ý của khách hàng tiềm năng, bạn cần phải quảng cáo. Nếu bạn mở hàng bán nước mía, bạn sẽ dựng biển thật to ở ngoài đường, thậm chí bạn còn thuê nhân viên đứng vẫy biển “Nước mía siêu sạch, siêu to, khổng lồ” để gây sự chú với người đi ngang. Tương tự như vậy, bạn phải làm mọi cách để gây sự chú ý với người xem TV, với cư dân mạng. Dịch vụ xem truyền hình ngày xưa là “miễn phí”, và để sử dụng dịch vụ miễn phí đó bạn phải chịu khó ngồi xem quảng cáo (bao cao su OK, mỳ gói A One, thuốc ông khỏe bà vui, đồng hồ 77 Hàng Đào…) Khi tham gia Facebook, bạn được xem “miễn phí” nội dung được tạo ra bởi người khác (bạn bè, những người trong network của bạn), nhưng thực ra bạn cũng phải xem kèm quảng cáo, những nội dung mang tính định hướng. Khi bạn xem các video clips “miễn phí” trên YouTube, bạn sẽ nghe các influencers định hướng cho bạn mua sắm bằng những đoạn quảng cáo nhỏ xinh không gây phiền hà nhưng đi thẳng vào trong tâm thức của bạn. Chả phải bạn được xem clip của Tùng Núi “miễn phí” đính kèm nhãn hiệu BItis trong clip và một mớ quảng cáo mà Google hiển thị đính kèm? Chẳng phải bạn xem bài hát đầy cảm động của Đen Vâu về Tết và đi về nhà với thương hiệu xe máy Honda? Và khi bạn xem clip của mấy cô nàng người mẫu xinh đẹp, bạn sẽ nghe một lô lốc các thứ liên quan tới mỹ phẩm, túi xách, hàng hiệu, dịch vụ spa, nhà hàng, khách sạn các kiểu.
Những nội dung “miễn phí” không hề miễn phí. Thứ bạn trả là sự chú ý (attention) của bạn vào các nhãn hiệu hàng hóa. Bạn chú ý đến các người sáng tạo nội dung kiêm thần tượng và những người sáng tạo nội dung đó sẽ hướng sự chú ý của bạn đến các sản phẩm tiêu dùng. Thật đơn giản đúng không. Và thế là trong đầu của bạn chỉ toàn là tên các sản phẩm, các thương hiệu và các nhu cầu mà thậm chí trước đây bạn chưa từng nghĩ tới. Ví dụ như máy lọc nước tinh khiết giúp cho bạn có thể sử dụng nước thực sự sạch hơn hẳn việc đun nước sôi chẳng hạn, hoặc cái ổ khóa thông minh giúp bạn dùng vân tay để mở khóa, hoặc chiếc máy ảnh hoài cổ đẹp tới mức bạn chỉ muốn cầm nó đi chụp hình thay vì chiếc máy ảnh hiện đại nhưng thiếu cảm xúc mà bạn đang có chẳng hạn.
Đây là thời đại mà mọi thứ trải nghiệm đều “tuyệt vời”, dâng đến tận nơi cho bạn. Bạn chỉ cần chăm chỉ làm việc, chịu khó tạo ra nội dung miễn phí (cái này là miễn phí thật sự) và tiêu thụ nội dung “miễn phí”, sau đó bạn sẽ dùng những đồng tiền bạn kiếm được để trải nghiệm những dịch vụ mà bạn nghe được từ các influencers. Thật tuyệt đúng không?
Riêng với tôi, tôi nhận ra mình mất thời gian và bị hack não với các thể loại quảng cáo xuất hiện nhan nhãn khắp nơi, từ facebook, đến một vài thứ xuất hiện trong những bức ảnh trên instagram, từ clip đi chụp hình của một photographer nổi tiếng, từ dòng feed liên tu bất tận của facebook. Tôi đang tiêu phí thời gian và tâm trí vào những sản phẩm, tôi là người tiêu dùng bị/được dẫn dắt.
Liệu những điều tôi viết ở đây có đáng để bạn suy nghĩ không?
Có thể là không, bởi đó là cách thế giới vận hành. Nhưng nếu bạn thực sự muốn có một không gian sạch sẽ, do chính bạn làm chủ và tự bạn quyết định mọi quyết định mua sắm / du lịch của mình, thì bạn cần nhận thức được cái cách mà những nhà sản xuất dẫn dắt bạn. Và nói theo một nghĩa nào đó, khi bạn sử dụng dịch vụ miễn phí, bạn chấp nhận trở thành mặt hàng cho các công ty đằng sau những dịch vụ miễn phí đó bán cho kẻ khác. Sự chú tâm và thời gian của bạn là một mặt hàng đắt giá được bạn bán rẻ cho các dịch vụ mạng xã hội và các dịch vụ cung cấp nội dung miễn phí.
Ừ, cũng đâu có sao, đó cũng là một sự đổi chác cơ mà, đôi bên đều có lợi, phải không?
Với tôi, nó có hơi khác một chút. Tôi là cá nhân “tối ưu hóa”, nên tôi cần có được lợi ích tối đa từ những nội dung “miễn phí” và giảm “chi phí” mà tôi bỏ ra khi phải tiêu thụ các nội dung đó. Nói một cách khác, có nhiều thứ tôi sẵn sàng bỏ tiền để mua thay vì bán rẻ “thời gian” và “sự chú tâm” của bản thân.
Chỉ cần bạn hiểu cách thức vận hành của nền kinh tế “miễn phí” và bạn hiểu rõ mình đang đánh đổi điều gì, bạn sẽ biết khi nào nên sử dụng dịch vụ miễn phí và khi nào nên sử dụng dịch vụ có phí. Hàng ngàn status và bức ảnh bạn đang đăng trên Facebook và Instagram, hàng trăm câu chuyện riêng tư mà bạn chia sẻ trên mạng xã hội, hàng tá clip Tik Tok mà bạn chú tâm để tạo ra rồi chia sẻ, tất tần tật những thứ đó là bạn đang tạo ra nội dung miễn phí cho những nhà sản xuất nội dung lớn nhất thế giới.
Tất nhiên, vì lợi ích thu được từ sự chú tâm của bạn và việc bạn xem quảng cáo là không đủ, nên bạn vẫn phải trả tiền đi xem phim ở rạp. Nhưng sự chú tâm và thời gian của bạn vẫn đang tạo ra vô số tài sản cho các doanh nghiệp mạng xã hội và những nhà sản xuất nội dung chuyên nghiệp. Quang Vinh, Tiệp, Ngọc Trinh, Sơn Tùng, Khoai Lang Thang… họ đang kiếm tiền rất hiệu quả trên các nền tảng mạng xã hội, và họ đang nhờ vào bạn để sống đấy.
Còn tôi, phải tự trả tiền để thuê hạ tầng wordpress, rồi tự viết nội dung miễn phí thực sự cho bạn đọc và lại đi chia sẻ sự thật cho bạn nữa.
Bạn thấy có thú vị không?
Sài Gòn, ngày 01 tháng 07 năm 2021