Nhìn Người

Tôi là một người cầu toàn, luôn cố gắng có đủ khiên giáp mới ra trận. Tôi là người chuyên về “build workforce” hơn là đi sales. Nhưng vì cái tâm trong sáng, nên tôi thường được sử dụng làm con mồi để câu cá bự. Bởi vậy, mới có chuyện buồn cười là cá cũng hơi bự tìm tới tôi mà hỏi

“Dũng, tao muốn nói chuyện riêng với mày”

“Chuyện gì cơ?”

“Về attrition risk”

“À, mày muốn thảo luận về cách xử lý nguy cơ mất người?”

“Không, ý tao là khả năng mày rời tổ chức ấy. Nếu mày tính rời tổ chức, nhớ báo cho tao.”

“Vì sao mày hỏi điều đó?”

“Vì mày là đứa có màu sắc khác. Tao tin vào sự hợp tác này là vì có máy ở đây.”

Cũng nên hiểu rằng “không mợ, chợ vẫn đông”, nên cái đoạn hội thoại ở trên chỉ là dẫn chứng cho một chút của câu chuyện “build trust”, có được niềm tin rồi mới mong có sự hợp tác lâu dài.

Tôi dạy các bạn mentees rằng phải là “risk taker” thì mới có thể thắng nhiều hơn so với những người “cầu toàn”, nhưng tôi lại là người có xu hướng cầu toàn và tôi không phủ nhận điều đó.

Bạn không thể đòi hỏi người cầu toàn “bay bay” và cũng không thể yêu cầu dân chuyên đi sales toàn nói sự thật.

Dụng nhân như dụng mộc.

Bạn không nên dùng Lâm Xung Giáo Đầu đi thuyết giáo, mà nên dùng ông ấy huấn luyện quân sĩ. Tống Giang cũng tự biết bản thân, luôn thể hiện cái phần nghĩa khí, không trí trá, mà nhường cái phần thể hiện sự trí trá đó cho người khác. Ngô Dụng giỏi mưu chước nhưng không thể thay Tống Giang trong chuyện điều người vì cái uy của ông không đủ lớn.

Lưu Bang có thể là người có chân mệnh đế vương, hiệu triệu thiên hạ, nhưng không giỏi cầm binh, cầm binh thì phải dùng đến Hàn Tín là vì vậy.

Đọc chơi đoạn dưới:

Lúc thung dung nói chuyện với Hàn Tín về tài năng của các tướng, xem tài năng họ như thế nào, Lưu Bang hỏi ông:

Như ta thì có thể cầm được bao nhiêu quân?

Hàn Tín nói:

Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười vạn.

Lưu Bang lại hỏi:

Thế còn nhà ngươi thì cầm được bao nhiêu ?

Hàn Tín trả lời:

Thần thì càng nhiều càng tốt.

Lưu Bang cười nói:

Càng nhiều càng tốt thì sao lại bị ta bắt ?

Hán Tín đáp:

Bệ hạ không có tài cầm quân, nhưng có tài cầm tướng, vì vậy cho nên Tín mới bị bệ hạ bắt.

Sau lần đó, Lưu Bang càng sợ tài của Tín và quyết trừ khử cho được.

(hết trích)

Hàn Tín dù về cuối đời có bị giết bởi Lưu Bang, nhưng chí ít cũng đã được dưới trướng của người có tài cầm tướng và đã được có cơ hội giúp Lưu Bang thống nhất cả Trung Quốc.

Lưu Bang có được Hàn Tín là nhờ Trương Lương và Tiêu Hà, những người có mắt nhìn ra được bậc kỳ tài và kiên nhẫn đến cùng để có “win heart” và thuyết phục được Lưu Bang tin dùng Hàn Tín.

Mà thôi, nhắc điển tích vớ vẩn làm gì. Cứ rong ruổi tháng ngày, cầm chiếc máy ảnh đi chụp dạo và viết blog làm niềm vui vậy.

Sài Gòn, ngày 22 tháng 10 năm 2022