Ảnh trên được chụp bằng Samsung Galaxy 7 Edge vào buổi tối
Nhiếp ảnh đường phố, hay còn được gọi là nhiếp ảnh đời thường, hoặc là street photography là chủ đề nhiếp ảnh không kén chọn người chụp và thiết bị, bạn có thể là người mới tập chụp hình, hoặc kể cả khi bạn là một nhiếp ảnh gia thời trang chuyên nghiệp, nhiếp ảnh đường phố vẫn là một thách thức thú vị đối với bạn. Rõ ràng lựa chọn một thiết bị để chơi nhiếp ảnh đường phố không đơn giản, và mọi người có nhiều sự lựa chọn, có thể đến các dòng máy ảnh như Ricoh GR, Fujifilm X100, Sony RX,… Có những nhiếp ảnh gia còn sử dụng máy ảnh Mirrorless hay kể cả DSLR để chơi nhiếp ảnh đường phố, nhưng hiếm ai sử dụng camera trên điện thoại để chơi thể loại này.
Bạn chọn máy ảnh hay điện thoại để chụp ảnh đường phố/đời thường?
Một cổng của kinh thành Huế được chụp ở đồn Măng Cá nhỏ bằng Samsung S7 Edge.
Cách đây vài tuần, tôi thoáng nghĩ trong đầu, tại sao không thử chỉ dùng điện thoại để chụp ảnh đường phố, và chỉ chụp JPG thôi, không chụp RAW. Xài cái điện thoại như một máy ảnh Point n’ Shoot, giơ lên và chụp thôi. Liệu rằng nó có thể thay thể cho những chiếc máy ảnh tôi đang xài không? Và tôi đã thực sự bất ngờ với sự tiện lợi và chất lượng ảnh mà chiếc điện thoại Galaxy Edge 7 của tôi mang lại. Tôi đã chụp được những bức ảnh khá ấn tượng với chiếc điện thoại này. Tuy nhiên, camera trên điện thoại không thể tốt như những chiếc máy ảnh cảm biến lớn của tôi được (M43, APSC và Fullframe), nhưng nó đủ tốt với điều kiện ánh sáng tốt. Nó không tốt cho chụp chân dung bán thân, hay selfie (ắt hẳn lắm bạn nữ sẽ phản đối điều này), nhưng dù đã dùng camera chính của điện thoại để chụp selfie, tôi vẫn không thể chấp nhận được chất lượng ảnh của nó mang lại khi chụp chân dung.
Chúng ta hãy điểm một số ưu điểm và nhược điểm khi dùng camera điện thoại khi chụp ảnh đường phố:
Ưu điểm
Thao tác nhanh, đơn giản
Điện thoại của chúng ta luôn bật nguồn, nên thao tác bật máy ảnh cực nhanh và không phải chờ đợi nhiều. Chụp ảnh cũng đơn giản, chỉ giơ lên và nhấn nút chụp, trong trường hợp máy ảnh (điện thoại) của tôi thì đó là phím âm lượng. Không cần phải chọn điểm lấy nét, chỉ cần chọn điểm đo sáng (nếu muốn), nhưng trong đa phần các trường hợp không cần phải chọn điểm do sáng.
Chụp nhanh khi đang ở trên xe bus ra máy bay, do không ai để ý nên bạn thấy được sự mệt mỏi của những người đang vội vã trở về quê từ Sài Gòn ngày trong đêm. Ảnh được chụp với Samsung Galaxy 7 Edge
Khi chụp xong bạn có thể chỉnh ngay trên điện thoại, không cần phải copy từ máy ảnh qua điện thoại mới chỉnh hình được. Trong trường hợp của tôi, ảnh được chỉnh trên Adobe Lightroom CC trên máy laptop hoặc phần mềm Lightroom/Foodie trên điện thoại. Chỉnh trên điện thoại, ảnh vẫn đẹp long lanh và có thể dùng cho Instagram và Facebook mà không cần suy nghĩ nhiều. Với ảnh dùng làm hình nền cho máy tính hoặc in to, tôi phải chỉnh sửa trên Lightroom Classic CC.
Trong cơn mưa của tháng 11/2016, tôi dùng LG G4 để tải lên instagram để cập nhật về buổi chụp hình của tôi, trong ảnh là Sony A7RII và lens Zeiss 16-35mm f/2.8 bị ướt đẫm bởi cơn mưa bất chợt.
Bạn sẽ không bị để ý, và dễ dàng chớp khoảnh khắc hơn
Khi chụp đường phố, bạn rất dễ bị để ý nếu cầm một chiếc máy ảnh, nhưng nếu bạn chỉ cầm điện thoại, mọi người không lo lắng lắm bởi ai cũng như bạn. Bạn có thể hòa vào dòng người và chụp hình mà không sợ bị người khác e dè. Bởi họ nghĩ bạn đang đọc gì đó, đang xem tin nhắn hoặc thậm chí đang selfie.
Chộp vội hình ảnh người đàn ông đang đưa con đi học bằng cách bỏ đứa trẻ vào thùng chở hàng. Ảnh chụp bằng Samsung Galaxy 7 Edge khi tôi đang chạy trên xe máy. (Các bạn không nên chụp ảnh khi đang lái xe)
Bạn không cần phải mang một túi xách lớn đựng thiết bị khi đi chụp ảnh đường phố
Chiếc điện thoại là thứ duy nhất bạn cần để tác nghiệp, và bạn không cần phải cầm theo chiếc máy ảnh, vài cái lens. Thậm chị với chiếc điện thoại của tôi, tôi không sợ phải cầm và chụp khi trời đang mưa bởi nó chống nước. Mỗi khi tôi chỉ đem chiếc điện thoại theo, tôi cảm thấy rất thoải mái và nhẹ nhàng. Trước đây khi chụp đường phố, tôi thường mang theo hai máy ảnh với hai lens gắn sẵn, và thay đổi nhanh để chụp được những góc chụp khác nhau; cộng thêm vài viên pin để phòng ngừa khi máy ảnh hết pin. Chiếc túi của tôi thường nặng hơn 3kg, còn nếu chỉ dùng điện thoại tôi không cần mang theo bất cứ thứ gì khác. Có chăng thì tôi chỉ cần viên pin dự phòng hoặc cục sạc nhanh để sạc lại điện thoại sau một buổi chụp hình.
Sông Sài Gòn chụp từ phía cầu Bình Lợi vào buổi sáng sớm khi cả mặt trời và mặt trăng vẫn còn hiện diện trên bầu trời. Ảnh chụp bằng Samsung Galaxy Note 5.
Những phần còn sót lại của một chiếc Piano cũ, ảnh được chụp bằng LG G4.
Bạn có thể post mạng xã hội ngay sau khi chụp
Chụp – chỉnh – chia sẻ mạng xã hội, đó là ba thao tác bạn có thể thực hiện nhanh chóng với điện thoại. Cập nhật tức thời đang là nhu cầu của giới trẻ. Chụp ảnh rồi để vài ngày, hoặc vài tuần sau mới post có thể sẽ làm tụt cảm xúc của bạn. Nhưng chụp, chia sẻ ngay với những suy nghĩ tại thời điểm chụp là một trải nghiệm tuyệt vời.
Trong một xưởng gỗ ở đường Pasteur quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh được chụp bằng LG G4. Chất lượng ảnh rất tốt, giữ được nhiều chi tiết để hậu kỳ.
Người ta sẽ trầm trồ nếu biết được bạn chụp một bức ảnh đẹp chỉ với điện thoại
Bạn biết không, câu tôi thường nghe khi ai đó được tôi gởi cho một bức hình tôi chụp họ là “Máy ảnh của anh chụp đẹp ghê!”, vâng câu nói đó nhằm tâng bốc tôi, rằng tôi có tiền nên mới mua được máy ảnh chụp đẹp, nhưng thực sự những câu nói kiểu vậy là một sự hiểu lầm vô cùng tai hại và không làm cho người chụp cảm thấy vui. Máy ảnh xịn không giúp bạn chụp đẹp hơn, máy ảnh xịn chỉ giúp cho bạn có thể chụp được một bức ảnh chi tiết hơn và dễ dàng hơn. Ảnh đẹp đa phần là do người chụp giỏi về nhiếp ảnh. Một người không biết gì về nhiếp ảnh, cầm máy ảnh xịn cũng khó lòng chụp được ảnh đẹp, và nếu có chụp được cũng chỉ do may mắn mà thôi. Để chụp được ảnh đẹp, bạn cần phải luyện tập rất nhiều, nếu bạn muốn tham khảo kinh nghiệm của tôi, xin đọc bài Làm thế nào để chụp được những bức hình đẹp. Vậy nên, dù là một chiếc điện thoại với cảm biến siêu nhỏ, bạn hoàn toàn có thể chụp được những bức hình rất đẹp. Và người ta sẽ “wow” nếu biết rằng bạn chỉ dùng điện thoại để chụp.
Bức ảnh này đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng tôi chụp bằng chiếc điện thoại Galaxy 7 Edge từ phía bên ngoài của một quán cafe vào buổi tối. Chất lượng ảnh đủ tốt để tôi làm hình nền trên màn hình máy tính có độ phân giải 4K.
Tuy nhiên, điện thoại với cảm biến ảnh nhỏ, không phải là cây đũa thần để bạn khám phá tất cả các thể loại nhiếp ảnh, hoặc có thể chụp ảnh ở mọi thời điểm được. Chúng ta hãy tham khảo một số nhược điểm khi chụp ảnh đường phố bằng camera trên điện thoại như sau.
Nhược điểm
Không mấy khả dụng trong điều kiện ánh sáng yếu
Dù có cải tiến đến bao nhiêu đi nữa camera điện thoại vẫn là một chiếc máy ảnh có cảm biến rất nhỏ. Cảm biến càng lớn thì lượng ánh sáng cảm biến thu nhận được khi chụp càng cao. Thế nên, chất lượng ảnh của cảm biến máy ảnh điện thoại sẽ luôn thấp hơn các máy ảnh APSC hoặc Fullframe khi chụp ở cùng điều kiện. Trong điều kiện ánh sáng yếu, ngay cả với máy ảnh có cảm biến lớn, chất lượng ảnh cũng suy giảm, nên với điện thoại, chất lượng ảnh lại còn tệ hơn. Bạn có thể dùng RX1R chụp trong điều kiện ánh sáng yếu mà không cần dùng flash với tốc độ màn trập cỡ 1/50s, nhưng với điện thoại điều này hầu như không thể. Theo lý thuyết, chỉ cần một nguồn sáng và thời gian phơi sáng đủ lâu thì vẫn cho được ảnh có chất lượng tốt, nhưng trên thực tế, không ai cầm theo tripod mọi lúc mọi nơi để chụp. Vào buối tối, khi ánh đèn không đủ sáng, bạn không nên dùng điện thoại nếu không có một vị trí cân bằng tốt để giữ điện thoại yên và chụp ảnh phơi sáng trong thời gian vài giây. Với nhiếp ảnh đường phố, bạn không thể bảo chủ thể ngồi thật yên để bạn chụp, nên việc đó hầu như không thể.
Bức ảnh này được chụp vào buổi trưa nhưng trời âm u, chất lượng hình ảnh tạm ổn, nhưng nếu chụp vào buổi tối, iso sẽ tăng cao và hình sẽ nhiễu hạt và suy giảm chất lượng rất nhiều. Ảnh chụp bằng Samsung Galaxy 7 Edge.
Đây là một bức ảnh chụp bằng Samsung Galaxy 7 Edge vào buổi tối, dù chụp dưới ánh đèn, nhưng chất lượng ảnh đã suy giảm khá nhiều. Cũng may, ảnh đường phố không yêu cầu chi tiết quá tốt. Bàn có thể thấy phần mặt của cô bán thịt bị quá sáng, nhưng tôi không thể cứu được vì Dynamic Range của camera quá thấp.
Không phải là công cụ tốt để chụp chân dung đường phố
Do cảm biến nhỏ, điện thoại sẽ khó lòng giúp nhiếp ảnh gia có được những bức ảnh chân dung như ý, bởi chi tiết trên khuôn mặt của chủ thể sẽ bị bệt, màu sắc sẽ không được thể hiện một cách trung thực. Để hiển thị da người một cách trung thực, các máy ảnh cần có ảnh sáng đủ tốt, cảm biến đủ lớn với dynamic range cao để thể hiện được các sắc độ một cách chi tiết và đầy đủ nhất. Do đó, vào ban ngày, chúng ta vẫn có thể chụp được các bức chân dung đường phố nhìn được, nhưng đủ tốt để làm hình nền cho màn hình máy tính hoặc in lớn có vẻ không ổn.
Bức ảnh ở trên có thể được xem nhưng một tấm chân dung đường phố. Ảnh đủ tốt để post facebook hoặc instagram, nhưng nếu phóng to ra cỡ tờ giấy A4, bạn sẽ thấy ảnh bị thiếu chi tiết, màu da bị bệt. Chụp bằng Samsung Galaxy 7 Edge.
Kết luận
Thay vì phải để dành thật nhiều tiền để mua một bộ máy ảnh đi chụp đường phố, bạn có thể đầu tư một chiếc máy điện thoại cao cấp và dùng cho nhiều mục đích, kể cả nhiếp ảnh đường phố. Chỉ cần từ iphone 6 trở lên, Samsung Galaxy S7/Note4 trở lên, bạn đã có thể chụp ảnh đường phố một cách thoải mái mà không cần suy nghĩ nhiều.
Nếu bạn một chụp đêm hoặc chân dung đường phố nhiều, điện thoại không phải là lựa chọn tốt. Thật ra, chỉ cần cỡ sáu triệu bạn có thể đã sắm được một chiếc máy ảnh ASPC hoặc M43 (cảm biến lớn) và một chiếc lens để chụp đường phố rồi. Nhưng nếu bạn chưa chắc mình thực sự yêu nhiếp ảnh, hoặc bạn không muốn mang vác lỉnh kỉnh, chiếc điện thoại bạn đang có là quá đủ để tìm hiểu xem thử mình có hứng thú với nhiếp ảnh hay không. Sau đó hãy tính tiếp. Nhiếp ảnh đôi khi còn phụ thuộc vào cả thiết bị nữa, có người phải chụp với máy ảnh Leica thì mới có cảm hứng, có người phải dùng Fuji X-100 mới được, còn với tôi, mỗi chiếc máy ảnh đều mang tới cho tôi những sự thú vị riêng, nên dù là chụp bằng điện thoại, hay với những chiếc máy ảnh cũ, hay với những chiếc máy ảnh đắt tiền nhất, tôi vẫn tìm cho mình những phương thức để tạo ra những bức ảnh như ý và hài lòng với chiếc máy ảnh mình đang cầm trên tay.
Chúc bạn có những bức ảnh đẹp với chiếc điện thoại của mình!
Sài Gòn, 26/11/2017
P.S. Cùng xem thêm một số bức ảnh mình chụp với điện thoại nhé! 🙂