Hôm nay tôi lại bỏ ra gần một tiếng để viết một comment dài cho một cậu bé học lớp chuyên và thích viết truyện nhưng lại nghi ngờ năng lực của mình và muốn chống lại sự sắp xếp của ba mẹ (click vào link để xem tâm tư của cậu ta). Nên tôi viết đôi lời để chia sẻ với cậu bé học lớp chuyên này. Tôi nghĩ cũng sẽ có nhiều người có những băn khoăn giống vậy nên tôi xin post comment của tôi vào bài viết này.
Ai cũng có sở thích, và sở thích chỉ là sở thích nếu em không thường xuyên luyện tập để có thể biến sở thích đó thành đam mê. Đam mê là trạng thái của một người thích làm một việc gì đó, và vì thích họ thực hành rất nhiều, và nhờ đó họ có tri thức và kỹ năng, và họ đạt tới trạng thái làm việc có hiệu quả cao, hưng phấn và sự tập trung cao độ cho công việc đó. Khi đạt đến trạng thái đam mê, em có thể vì đam mê của mình mà bỏ qua tất cả và đi đến cùng. Đến đây anh nghĩ em đang thích viết truyện nhiều hơn là đam mê. Để gọi là đam mê, em còn đi con đường này dài lắm.
Mẹ em là người làm cho em chán ghét môn toán và sẽ còn ghét nhiều thứ, vì trong em luôn có sự phản kháng và chống lại quyết định của mẹ mình. Giờ mẹ em hướng em học CNTT, và chưa nghiên cứu gì về nó em sẽ phản ứng ngay, vì mặc định, em đã ghét những gợi ý mà mẹ em dành cho em rồi.
Ngày hôm nay, anh vừa mới chia sẻ với những người là TA của một công ty công nghệ lớn ở HCM, và anh có nói với họ rằng, trên thực tế họ có thể làm những vai trò họ muốn trong công ty. Nếu họ muốn làm TA, họ sẽ làm được. Nếu họ muốn làm quản lý họ sẽ làm được. Miễn họ phải đáp ứng được mấy điều kiện, một là tin vào chính mình, và tin vào những người xung quanh mình. Hai là, muốn làm gì cũng phải có sự đầu tư, không có ai là thiên tài từ khi mới sinh ra cả, mọi thiên tài đều phải luyện tập rất nhiều. Có thể có người này có tố chất tốt hơn người kia một chút, nên họ sẽ đạt được thứ họ muốn nhanh hơn nếu họ luyện tập với cường độ tương tự một người bình thường luyện tập. Nghĩa là, nếu em muốn viết truyện tốt, em phải bỏ ra công sức nhiều hơn một người có “năng khiếu viết”.
Thực tế chả ai vừa được đẻ ra mà viết được cả, nên năng khiếu viết là năng lực tự xây dựng nên. Người muốn viết tốt phải đọc nhiều, quan sát nhiều, thả cho trí tưởng tượng bay cao, viết nhiều và viết liên tục. Người viết giỏi nên là người kể chuyện giỏi. Nếu em chưa phân tích được tâm lý của mẹ em, về suy nghĩ của bà, về vấn đề của em, về những hoàn cảnh tương tự, về con đường mà em phải đi, những thất bại mà em dám chấp nhận để đứng lên thì em còn xa lắm với mục tiêu của mình. Phân tích được và viết ra được. Một nhà văn cũng nên là nhà tâm lý học, vì viết văn mà không biết phân tích và mô tả diễn biến tâm lý nhân vật thì khó có thể trở thành nhà văn được.
Em đã mở mắt nhìn thế giới xung quanh chưa? Em có dành thời gian quan sát mọi thứ quanh mình chư? Em có thực sự nghe thấy những điều mà những người “trần mắt thịt” không nhận ra không? Nhà văn, hay nghệ sĩ là những người có trái tim cực kỳ nhạy cảm, họ cảm nhận được nhịp đập của mọi thứ xung quanh, họ cảm giác được nỗi lo, niềm vui, hạnh phúc. Họ nhận ra thông điểm từ những cử chỉ hoặc biểu hiện vô cùng nhỏ. Em có nhận ra mình phải làm những điều gì để được như vậy chưa?
Đã muốn đi trên một con đường khó, hãy biết rằng mình sẽ thất bại n lần cho đến lần thứ n+1. Con số n ở đây có thể là 100 truyện ngắn, hoặc cả ngàn bài tiểu luận. Cũng có thể em cất cánh từ sớm, hoặc có thể đến già em vẫn chưa tới nơi. Nhưng đam mê mang lại hạnh phúc cho em khi em đang làm việc hơn là những danh hiệu hão hoặc những thành công tạm thời. Nên em phải nhận diện được đó có đúng là đam mê của em không. Khi em 18, có thể em chưa biết mình là ai, giá trị cốt lõi của mình là gì, và đam mê có thể cũng chưa đến.
Em có thể đọc bài viết của anh về “nhận diện đam mê” và suy nghĩ về lựa chọn của mình nhé: https://tumivn.com/2019/03/30/lam-the-nao-de-tim-ra-niem-dam-me-cua-chinh-minh/
Ở tuổi 18, có lẽ em sẽ vô cùng may mắn mới có thể có lựa chọn đúng cho cuộc đời mình. Mà anh nghĩ lựa chọn nào cũng đúng vì mỗi lần vấp ngã là một cơ hội cho mình lớn lên đó chàng trai ạ.
Hãy thi tốt nghiệp cho tốt!
Hãy chọn một ngành học mà mình thích một chút, và khi đã chọn đừng để thời gian học đại học của mình trở thành khoảng thời gian sống hoài sống phí. Đã không làm thì thôi, làm thì phải cố hết sức.
Để giúp cho em biết anh đã phải thích CNTT và đạt được vài thành quả nhất định với nó như thế nào (và anh vẫn đam mê viết lách mỗi ngày), em có thể đọc tiếp các bài sau:
Hãy nhớ, mình luôn dễ nản, dễ mất động lực, nên để có động lực, có lý do mà tiến tới, em phải nhắc cho mình nhớ mục tiêu của mình mỗi ngày. Mỗi ngày mỗi phấn đấu, mỗi ngày sẽ mỗi tiến bộ. Chỉ cần hướng đến mục tiêu, mỗi ngày đi một ít, em sẽ giỏi hơn rất nhiều.
Hãy thôi băn khoăn, và viết nhiều lên đi bé!